Lớn lên từ phản biện và tôn trọng khác biệt
Theo Chỉ số Giáo dục cho Tương lai Toàn cầu (WEFFI) năm 2019, đất nước Thụy Điển đứng thứ hai trong bảng xếp hạng, chỉ sau Phần Lan. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, trong hai thập kỷ nay, Thụy Điển luôn dẫn đầu toàn cầu về hệ thống chăm sóc và giáo dục mầm non.
Trẻ em Thụy Điển được chăm sóc và lớn lên trong môi trường phản biện và công bằng, khi mà ý kiến và suy nghĩ của các em đều được tôn trọng như nhau và như bất kỳ một người trưởng thành nào.
Trẻ mầm non lớn lên trong sự tôn trọng
Từ năm 1999, một nhóm các chuyên gia quốc tế của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã nghiên cứu hệ thống giáo dục của nhiều quốc gia trên thế giới và kết luận trong báo cáo của họ rằng: hệ thống giáo dục và chăm sóc trẻ em hệ mầm non ở Thụy Điển có chất lượng cao và có thể nói là tốt nhất trên thế giới.
Hệ thống này được gọi là “EDUCARE” vẫn được duy trì trong suốt hơn hai thập kỷ nay và cũng chính là “chìa khóa” cho sự thành công ấn tượng của xã hội trưởng thành Thụy Điển sau này.
Tại một trường mầm non của Thụy Điển, người ta có thể dễ dàng bắt gặp những hình ảnh ấm áp và yêu thương giữa các giáo viên và các em nhỏ. Tại đây, ngôi trường là nơi mà cả thầy, cô giáo và học trò cùng nhau khám phá và tận hưởng thế giới. Họ học hỏi từ nhau, tức trò học từ thầy cô và ngược lại, thầy cô cũng học hỏi từ học sinh của mình.
Bởi lẽ, chính sách EDUCARE của Thụy Điển dựa trên nguyên tắc tôn trọng trẻ nhỏ như những con người trọn vẹn. Sự thành công của hệ thống giáo dục này dựa trên niềm tin vững chắc rằng, quyền con người của mỗi trẻ em phải được đảm bảo đầy đủ - được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trong điều kiện tốt nhất mà quốc gia có thể cung cấp. Nền tảng thơ ấu của con trẻ chính là động lực phát triển nguồn nhân lực tài năng cho xã hội sau này, cũng là “chìa khóa” của một xã hội phát triển thịnh vượng, có chất lượng sống cao.
Ngày nay, Chính phủ và công chúng nước này đều coi EDUCARE là thiết yếu nhưng thực tế niềm tin vững chắc này đã được xây dựng và củng cố qua nhiều thập kỷ đấu tranh và vận động, tuyên truyền.
Vào khoảng thập niên 70, 80, hầu hết hệ thống trường mẫu giáo được mở rộng trên toàn quốc đều dành cho trẻ em nhà giàu. Trước đó, cũng chỉ có “lác đác” một số ngôi trường mẫu giáo nho nhỏ cho trẻ em nghèo nhưng mục đích giáo dục không cao mà chủ yếu để trông trẻ.
Dù vậy, việc mở rộng hệ thống giáo dục mầm non cho trẻ nhỏ được nhiều trí thức Thụy Điển tin rằng sẽ góp phần cải thiện tình hình kinh tế, xã hội, chính trị và nền giáo dục trong nước. Một nguyên nhân lớn trong xu hướng này là do phụ nữ muốn tham gia nhiều hơn vào lực lượng lao động, một trong những công việc phù hợp nhất chính là cô giáo mầm non.
Tuy nhiên, không có một quá trình chuyển đổi nào diễn ra một cách suôn sẻ. Đã có nhiều cuộc biểu tình đấu tranh có quyền của tất cả trẻ em, chứ không chỉ trẻ em nhà giàu, được hưởng một môi trường vui chơi và học tập bình đẳng, hấp dẫn và tốt nhất.
Chương trình giáo dục mầm non quốc gia đầu tiên của Thụy Điển được chấp nhận vào năm 1998 và trở thành nguồn động lực cho các nhà giáo dục mầm non và các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới.
Chương trình giáo dục mầm non quốc gia của Thụy Điển không có mục tiêu quy định cho từng trẻ em ở một độ tuổi nhất định nào sẽ phải bắt đầu đi. Thay vào đó, chương trình nêu ra “mục tiêu để phấn đấu”.
Đánh giá của EDUCARE không phải là “từ trên xuống”, tức là từ các cấp trung ương xuống cấp cơ sở rồi mới đến phụ huynh và học sinh mà ngược lại, chương trình lấy ý kiến và kinh nghiệm của giáo viên, phụ huynh và trẻ em.
Theo đó, tất cả các trường mầm non phải đảm bảo không gian học tập dành cho trẻ em theo 5 yếu tố. Một là có thể tiếp cận được. Hai là chất lượng cao. Ba là được dạy bởi các giáo viên biên chế có trình độ đại học khoảng 3,5 năm và các giáo viên phụ trách có đủ trình độ học vấn. Bốn là dựa trên nguyên tắc tôn trọng đối với từng đứa trẻ như một con người trọn vẹn, không chỉ có đầy đủ quyền lợi theo pháp luật mà còn có khả năng đóng góp tri thức và sáng tạo. Năm là sở hữu điều kiện cơ sở vật chất đạt chuẩn.
Theo một thống kê của chính phủ, có khoảng 95% trẻ em từ 3-6 tuổi học mẫu giáo. Bên cạnh đó, cũng có một con số không nhỏ trẻ em 1-2 tuổi cũng đi học mẫu giáo. Trẻ em Thụy Điển bắt đầu đi học tiểu học ở tuổi 7 vì năm đầu tiên của chúng khi hoàn thành chương trình mầm non là một lớp học đặc biệt được tổ chức tại trường mầm non đó hoặc trong một trung tâm giáo dục được thiết kế đặc biệt cho trẻ em từ sáu đến bảy tuổi.
Về chi phí, ước tính chi trả cho đứa trẻ đầu tiên đi học mầm non chiếm khoảng 2-3% thu nhập của một gia đình và sẽ giảm dần cho những đứa trẻ tiếp theo. Ví dụ, chi phí tối đa cho đứa con đầu tiên là 139 EUR/tháng, đứa con thứ hai tối đa sẽ mất khoảng 93 EUR/tháng, đứa con thứ ba khoảng 47 EUR/tháng và kể từ đứa con thứ tư chi phí này hoàn toàn miễn phí.
Các nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra rằng trải nghiệm ở trường mầm non chất lượng cao có vô số tác động tích cực ngắn hạn và dài hạn đối với trẻ em, đặc biệt là đối với trẻ em có nhu cầu đặc biệt. Lợi ích kinh tế lớn hơn cũng đã được chứng minh.
Bằng chứng nghiên cứu cho thấy rằng khi trẻ em được tiếp cận với chương trình giáo dục mầm non có chất lượng, chúng có thể mong đợi thành công ở trường tốt hơn, giảm tỷ lệ tội phạm, ít lạm dụng chất kích thích và tăng việc làm lâu dài - tất cả đều tích cực cho nền kinh tế.
Đại học đề cao tư duy phản biện và trách nhiệm
Theo thống kê của Satista, Thụy Điển đã đạt được mục tiêu do Liên minh Châu Âu đặt ra trong Chiến lược Châu Âu 2020, đảm bảo rằng khoảng 42% trong số 25-34 tuổi của đất nước là đã có bằng đại học, so với tỷ lệ trung bình của OECD cho nhóm tuổi này là 38%. Trong đó tỷ lệ phụ nữ hoàn thành đủ chương trình học từ mầm non đến đại học ngày càng cao hơn.
Thụy Điển được xếp hạng trong số các nước dẫn đầu thế giới về giáo dục đại học. Nền giáo dục đại học đi kèm với tư duy phản biện, tự do và trách nhiệm. Mặc dù dân số tương đối nhỏ khoảng 10 triệu người nhưng đây là ngôi nhà của một số trường đại học tốt nhất thế giới.
Một số trường đại học lâu đời nhất là Uppsala và Lund. Các trường đại học Thụy Điển thường xuyên chiếm vị trí cao trong các bảng xếp hạng toàn cầu như Bảng xếp hạng Đại học Thế giới của Times Higher Education và Bảng xếp hạng Học thuật Shanghai Jiao Tong của các trường đại học thế giới.
Mô hình giảng dạy được áp dụng tại các trường đại học và cao đẳng đại học của Thụy Điển dựa trên phương châm “tự do đi đôi với trách nhiệm”. Một phần lớn quá trình học tập diễn ra bên ngoài lớp học, sinh viên chủ yếu tự học hoặc theo nhóm.
Yêu cầu phải làm việc nhóm khuyến khích sinh viên học hỏi từ những người khác và giải quyết các vấn đề phức tạp như một cộng đồng, dựa trên nguyên tắc tôn trọng sự đa dạng và khác biệt của mỗi người như họ đã được dạy từ thời thơ ấu.
Bằng cách mô phỏng động lực thực tế của môi trường làm việc quốc tế, sinh viên có thể bồi dưỡng các kỹ năng có lợi cho sự nghiệp toàn cầu trong tương lai của họ mà không bị bỡ ngỡ với những nền văn hóa khác mình.
Học sinh ở Thụy Điển phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc học của mình, tự nghiên cứu để tìm ra tri thức, suy nghĩ vượt ra khỏi sách giáo khoa để tìm ra câu trả lời. Phong cách giảng dạy tại các trường đại học và cao đẳng đại học của Thụy Điển đề cao tư duy phản biện. Học sinh phải đặt câu hỏi về những gì họ học được, đặt câu hỏi về những niềm tin thường được coi là đương nhiên. Tất cả những ý kiến tranh luận với bạn học, đồng nghiệp và giảng viên được chấp nhận và hoan nghênh. Đó cũng là cách để sinh viên có thể ảnh hưởng đến mọi thứ liên quan đến nền giáo dục của chính họ.
Bên cạnh đó, Thụy Điển được công nhận là một trong những quốc gia bình đẳng nhất trên thế giới. Không có gì ngạc nhiên khi tiếp cận bình đẳng là một thành phần cốt lõi của hệ thống giáo dục đại học. Sinh viên thuộc mọi thành phần đều được chào đón, không phân biệt giới tính, tôn giáo, quê hương hoặc nền tảng kinh tế, xã hội. Không có giới hạn độ tuổi trên tại các trường đại học hoặc cao đẳng của Thụy Điển, mang đến cơ hội học cao hơn suốt đời.
Xã hội Thụy Điển nói chung không phân cấp bậc, tức là học sinh, sinh viên có thể nói chuyện bình đẳng với các giảng viên và các giảng viên cũng đối xử bình đẳng, tôn trọng ý kiến của sinh viên. Hầu hết mọi người được gọi nhau bằng tên chứ không phải bằng chức danh.