London sắp lấy lại 'ngôi' thị trường chứng khoán lớn nhất châu Âu

Theo Bloomberg, tổng giá trị vốn hóa thị trường tính bằng đồng USD của các cổ phiếu niêm yết lần đầu tại Anh hiện là 2.900 tỷ USD, trong khi con số này của Pháp là 2.930 tỷ USD.

Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán London (Anh). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán London (Anh). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chưa đến một năm sau khi để mất “ngôi vương” thị trường chứng khoán lớn nhất châu Âu, London đang dần lấy lại vị trí này từ Paris, khi sự khởi sắc trong nhóm cổ phiếu ngành hàng xa xỉ của Pháp đã chững lại.

Theo một chỉ số do hãng tin Bloomberg thu thập, tổng giá trị vốn hóa thị trường tính bằng đồng USD của các cổ phiếu niêm yết lần đầu tại Anh hiện là 2.900 tỷ USD, trong khi con số này của Pháp là 2.930 tỷ USD.

Mức chênh lệch giữa hai thị trường này đang dần thu hẹp, chủ yếu là do giá trị vốn hóa thị trường tại Pháp giảm mạnh từ mức cao kỷ lục 3.500 tỷ USD của năm ngoái, khi tình hình kinh tế ngày càng ảm đạm tại thị trường chủ chốt của nước này là Trung Quốc.

Trong khi đó, London lại đang chứng kiến những dấu hiệu tích cực từ giới đầu tư lần đầu tiên trong nhiều năm qua, khi chuyên gia của một loạt ngân hàng lớn như HSBC, Barclays và JPMorgan đều đưa ra những dự báo lạc quan cho thị trường này, vốn lâu nay bị phủ bóng bởi những tác động từ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.

Đây là một sự thay đổi đáng ghi nhận khi chỉ mới năm ngoái, khảo sát giới đầu tư của ngân hàng Bank of America còn xếp hạng Anh là thị trường kém được ưa chuộng nhất với giới đầu tư trên toàn cầu.

Thứ nhất, chứng khoán Anh đang được hưởng lợi từ việc giá dầu tăng đến 30% trong ba tháng qua. Thứ hai, lạm phát tại nước này cuối cùng đã hạ nhiệt, từ đó có thể cho phép Ngân hàng Trung ương Anh chấm dứt chu kỳ nâng lãi suất suốt 22 tháng qua.

Bà Susana Cruz, chiến lược gia của công ty Liberum Capital Ltd., nhận định: “Lợi thế của thị trường Anh là phụ thuộc nhiều vào nhóm cổ phiếu năng lượng, vốn đang diễn biến khá tốt.”

Lĩnh vực năng lượng chiếm tỷ trọng 14% trong chỉ số FTSE 100, trong khi số liệu của Bloomberg Intelligence cho thấy giới phân tích dự đoán ngành này sẽ tạo ra 20% lợi nhuận của chỉ số trên trong năm nay.

Một trong những cổ phiếu dầu khí vốn hóa lớn trong FTSE là Shell đang dao động gần mức cao nhất 5 năm qua. Mức đỉnh này được ghi nhận vào năm 2018 khi giá dầu ở mức 75 USD/thùng.

Còn giờ đây, nếu các dự báo giá dầu lên mức 100 USD/thùng trở thành sự thật, chỉ số FTSE 100 có thể còn tăng cao hơn nữa.

Bối cảnh này trái ngược với tình hình ở Paris, vốn đang chịu áp lực từ sự suy yếu kinh tế của Trung Quốc.

LVMH, L’Oreal SA, Hermes International và Kering SA chiếm gần 20% chỉ số CAC 40, và là những trụ cột đã từng “dẫn sóng” trước đó trong năm nay.

Nhưng tất cả các cổ phiếu này đều đã rời khỏi các mức cao ghi nhận trước đó, khi giới phân tích cảnh báo nhu cầu hàng xa xỉ tại Trung Quốc cũng như ở châu Âu có thể suy yếu.

Trong khi đó, đồng bảng Anh đã giảm khoảng 4% so với đồng USD trong tháng này. Đây là một yếu tố thuận lợi với nhiều công ty có tên trong chỉ số FTSE 100, khi 75% doanh thu của họ đến từ thị trường nước ngoài.

Các chuyên gia của ngân hàng Goldman Sachs dự đoán sự suy yếu của đồng bảng Anh sẽ tiếp tục thúc đẩy các công ty xuất khẩu của nước này./.

Khánh Ly (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/london-sap-lay-lai-ngoi-thi-truong-chung-khoan-lon-nhat-chau-au/899757.vnp