Long An: Bàn giải pháp 'giải cứu' gần 30.000 tấn thanh long English Edition
Sáng 05/02, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Phạm Văn Cảnh, Giám đốc Sở Công Thương Long An - Lê Minh Đức chủ trì hội nghị với Sở Công Thương các tỉnh, TP.HCM; các doanh nghiệp, nhà kho tham gia thu mua thanh long nhằm tìm giải pháp tiêu thụ thanh long do ảnh hưởng dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.
Theo báo cáo tại hội nghị, diện tích thanh long trên toàn tỉnh khoảng 11.826 ha, trong đó diện tích đang cho trái là 9.587 ha, sản lượng 320.000 tấn. Thời gian qua, việc tiêu thụ thanh long thị trường chủ yếu là Trung Quốc, chiếm 70-80%. Phần còn lại tiêu thụ tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ như: Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Châu Âu, Mỹ, Canada, Nhật, Malaysia, Dubai, Newzealand, Ấn Độ, Úc,... và tiêu thụ trong nước. Xuất khẩu theo đường tiểu ngạch vẫn còn chiếm tỷ lệ khá cao.
Do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra, giao thông hạn chế cản trở hoạt động giao dịch, sản lượng thanh long tồn chưa tiêu thụ được từ cuối tháng 01 đến cuối tháng 02-2020 khoảng 30.000 tấn. Trong đó, tồn trong kho khoảng 2.000 tấn (thời gian bảo quản kho lạnh không quá 30 ngày), chưa thu hoạch khoảng 28.000 tấn.
Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An - Nguyễn Quốc Trịnh chia sẻ, trước tình cảnh khó khăn hiện nay, Hiệp hội đã có cuộc họp với các nhà kho, thống nhất giảm giá thu mua xuống mức 10.000 đồng/kg nhằm giảm thiệt hại thấp nhất cho nhà kho, nhà lái và nhà vườn. Tuy nhiên, do lượng hàng tồn kho và hàng thu hoạch khá nhiều các kho không thể dự trữ nên một số nhà kho đã phải đóng cửa không thu mua dẫn đến thanh long ở một số vườn trái vẫn treo trên cây, gây thiệt hại cho nhà vườn.
Tham gia hội nghị, nhiều ý kiến phát biểu từ các Sở Công Thương các tỉnh, thành như TP.HCM, Cần Thơ đều chia sẻ khó khăn của Long An và sẽ hỗ trợ “giải cứu” thanh long thông qua tiêu thụ nội địa. Việc làm này được các doanh nghiệp bán lẻ thực hiện. Tuy nhiên, tất cả thanh long hiện nay ùn ứ không thể được "giải cứu" hết và doanh nghiệp đưa ra tiêu chuẩn phải là sản phẩm đạt chất lượng về an toàn thực phẩm, sản xuất theo VietGap, Global Gap. Lượng “giải cứu” bằng cách tiêu thụ nội địa nhiều người cho rằng "như muối bỏ biển", bởi lượng tiêu thụ nội địa sẽ rất khiêm tốn. Hơn nữa, ngoài thanh long, nhiều sản phẩm nông sản khác như mít, sầu riêng, chôm chôm,... cũng gặp khó do cản trở giao thương với Trung Quốc.
Một giải pháp khác cũng được một số đại biểu đưa ra là tập trung tiêu thụ thanh long bằng cách chế biến sâu như sấy dẻo, sấy khô.
Giám đốc Sở Công Thương Long An - Lê Minh Đức cho rằng, hiện nay, tình hình xuất khẩu nông sản, nhất là thanh long sang Trung Quốc có nhiều rủi do không hợp đồng cụ thể, chủ yếu do các đối tác tác thỏa thuận nhau. Ông khuyến cáo doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trong mua bán, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc cần phải có hợp đồng tiêu thụ chặt chẽ, tránh những rủi ro. Đặc biệt hơn, giải pháp lâu dài, bền vững cần thực hiện trong trồng trọt nông sản, trong đó có thanh long là phải tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGap, Global Gap nhằm tránh phụ thuộc vào một thị trường chính như hiện nay.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Phạm Văn Cảnh giao Sở Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với phía Hiệp hội Thanh long Long An nắm tình hình, kịp thời báo cáo lãnh đạo tỉnh, Bộ Công Thương để kịp thời chỉ đạo các giải pháp tiếp theo; chủ động kết nối các doanh nghiệp trong tỉnh có thực hiện chế biến sâu; đẩy mạnh tiêu thụ nội địa; xuất khẩu quả tươi đến các thị trường ngoài Trung Quốc, giảm thiệt hại cho nông dân./.