Long An: Bàn giao mốc giới giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 3
Dự án (DA) đi qua địa phận huyện Bến Lức được chính quyền và nhân dân đồng tình ủng hộ. Việc kiểm đếm, kê biên, áp giá đền bù sẽ thực hiện đúng tiến độ để bàn giao cho nhà thầu thi công đúng kế hoạch đề ra.
Sáng 11-7, Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) tỉnh Long An cho biết, cơ quan này đã cùng đơn vị tư vấn thiết kế bàn giao cọc giải phóng mặt bằng (GPMB) ngoài hiện trường tại địa bàn 2 xã Tân Bửu, Mỹ Yên (huyện Bến Lức) thuộc DA đường Vành đai 3 TPHCM đoạn qua tỉnh, trong đó đáng chú ý là hơn 350 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp. Có mặt tại hiện trường, cán bộ kỹ thuật đã thực hiện giao mốc với quy mô 74,5m, mỗi bên 37,25m, để tiến hành giải tỏa phục vụ công trình thi công.
Theo ông Nguyễn Thiện Thuật - Trưởng ấp 6 (xã Mỹ Yên), gia đình ông có hơn 1.000m2 đất nằm trong khu vực DA, khi nghe chủ trương chung, mọi người đều đồng tình ủng hộ. Không riêng gì nhà ông, mà gần như tất cả hộ dân xã Mỹ Yên đều sẵn sàng nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng, mục đích để DA sớm đi vào thi công, đảm bảo đúng tiến độ.
"Đường Vành đai có lợi ích rất lớn liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố nếu được hoàn thành, bà con cũng có lợi nên ai cũng phấn khởi khi công trình đi qua", ông Thuật nói. Ông Nguyễn Thành Tân (SN 1964, ngụ ấp 7A, xã Mỹ Yên) khẳng định: "Nhà nước làm đường để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhà cửa, đất đai có nằm trong diện giải tỏa nên chấp nhận để chính quyền cùng nhà đầu tư sớm thi công công trình".
Ông Lê Thành Út - Phó chủ tịch UBND huyện Bến Lức - xác nhận, chủ trương của huyện trong tháng 8 là tổ chức kiểm đếm, sau đó áp giá bồi thường và phấn đấu đến tháng 6-2023 bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công đúng tiến độ do Chính phủ giao.
Theo Sở GTVT Long An, sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư DA đường Vành đai 3 TPHCM, UBND tỉnh chỉ đạo Sở GTVT, UBND huyện Bến Lức chủ động thực hiện các nhiệm vụ: xác định hướng tuyến, phạm vi GPMB, đo đạc và một số vấn đề liên quan đến giải tỏa đền bù ngay sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt đầu tư DA.
Trong kế hoạch, tháng 7-2022 tỉnh Long An ban hành quyết định giao nhiệm vụ chủ đầu tư DA thành phần 7 (xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh), DA thành phần 8 (bồi thường, hỗ trợ, tái định cư); đồng thời điều chỉnh, thành lập lại ban chỉ đạo, tổ giúp việc và lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ khảo sát báo cáo nghiên cứu khả thi.
Cụ thể, trong tháng 8-2022 lựa chọn nhà thầu tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi; đến tháng 10, 11 và 12-2022 tổ chức khảo sát, lập hồ sơ, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, khảo sát thiết kế kỹ thuật, chọn nhà thầu tư vấn thiết kế kỹ thuật...; phấn đấu đến tháng 6-2023 DA khởi công đúng thời gian.
Về GPMB, UBND tỉnh giao UBND huyện Bến Lức làm chủ đầu tư, sau khi nhận bàn giao cọc, huyện sẽ thực hiện các bước tiếp để sớm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công đảm bảo tiến độ. Dự án đường Vành đai 3 giai đoạn 1 dài 76,34km đi qua TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
Dự án đầu tư tuyến chính cao tốc quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80km/giờ, đường song hành được làm từ 2 - 3 làn xe. Giải phóng mặt bằng sẽ thực hiện một lần theo quy mô hoàn chỉnh 74,5m, riêng đoạn gần nút giao Tân Vạn (TP.Thủ Đức) rộng 120m. Dự án được đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 75.378 tỷ đồng.
Trước đó, UBND TPHCM đã chủ trì tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM và công tác chuẩn bị DA đường Vành đai 4 TPHCM. Tại hội nghị này, lãnh đạo 4 địa phương TPHCM, tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã ký kết quy chế, kế hoạch triển khai để thực hiện sự quyết tâm, đồng lòng triển khai DA đường Vành đai 3 TPHCM. Tỉnh Long An phấn đấu hoàn thành các mục tiêu theo kế hoạch trong giải phóng mặt bằng phục vụ công trình đúng thời gian, tiến độ.