Long An: Chủ động gieo sạ và chăm sóc lúa vụ Thu Đông
Hiện nay, sau khi thu hoạch lúa Hè Thu sớm, nhiều huyện ở vùng Đồng Tháp Mười đã xuống giống vụ Thu Đông.
Hiện nay, sau khi thu hoạch lúa Hè Thu sớm, nhiều huyện ở vùng Đồng Tháp Mười đã xuống giống vụ Thu Đông. Riêng các huyện phía Nam, lịch gieo sạ vụ Thu Đông 2020, vụ Mùa 2020-2021 dự kiến: Đợt 1 từ ngày 20 đến 30/8/2020; đợt 2 từ ngày 20 đến 30/9/2020.
Đối với sản xuất vụ Thu Đông của các huyện phía Nam, cần chủ động rà soát kế hoạch sản xuất lúa Thu Đông 2020, tập trung chỉ đạo bố trí thời vụ xuống giống hợp lý theo lịch né rầy. Khi bố trí thời vụ gieo sạ lúa vụ Thu Đông 2020 cần lưu ý không để ảnh hưởng đến gieo sạ lúa vụ Đông Xuân 2020-2021. Các huyện vùng Đồng Tháp Mười dự báo khả năng có lũ sớm gây ngập úng cục bộ; các địa phương cần vận động người dân không tiếp tục gieo sạ lúa Thu Đông ở những nơi không có đê bao an toàn, tập trung cày đất ngâm lũ chuẩn bị sản xuất vụ Đông Xuân 2020-2021.
Bên cạnh đó, sản xuất lúa vụ mùa cần lưu ý đến khả năng di trú của rầy nâu và xâm nhập mặn sớm ảnh hưởng đến lúa. Thời gian xuống giống lúa mùa 1 vụ nên tập trung trong tháng 9-2020 lúc mưa nhiều để rửa mặn, đủ nước tưới. Cơ cấu giống chủ yếu: Tài Nguyên, Nàng Thơm, ST20, ST24, ST25,…
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Sở đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường hoạt động ban chỉ đạo sản xuất nông nghiệp các cấp, triển khai hiệu quả các giải pháp chỉ đạo sản xuất trên lúa Hè Thu 2020, Thu Đông 2020, mùa 2020-2021 và các loại cây trồng khác. Đối với diện tích lúa Hè Thu, Thu Đông sớm, nhất là giai đoạn mạ - làm đòng cần cử cán bộ kỹ thuật theo dõi sinh vật gây hại để phát hiện, thông báo trên các phương tiện thông tin, tập huấn hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời; đặc biệt là bệnh đạo ôn (cháy lá lúa), bệnh cháy bìa lá, rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá…, không để bộc phát, lây lan và ảnh hưởng đến sản xuất lúa Đông Xuân chính vụ; tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa, bão tại địa phương để chỉ đạo, hướng dẫn nông dân các giải pháp chủ động ứng phó với các diễn biến phức tạp của thời tiết. Kiểm tra hệ thống thủy lợi, củng cố, cải tạo thủy lợi nội đồng, đê bao, bờ bao; công tác chuẩn bị ứng phó với mưa, bão bất thường; đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu để bao tiêu sản phẩm, hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”./.
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/long-an-chu-dong-gieo-sa-va-cham-soc-lua-vu-thu-dong-a99338.html