Long An: Dự báo xâm nhập mặn còn ở mức độ cao đến đầu tháng 5/2020

Hiện nay, độ mặn xâm nhập khá sâu đến vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) của tỉnh Long An, dự kiến còn kéo dài hết tháng 4/2020. Chính vì vậy, công tác phòng chống hạn, mặn và tích trữ nước cần được chú trọng.

Theo Đài Khí tượng thủy văn (KTTV) Long An, tình hình xâm nhập mặn trên các sông, rạch của tỉnh trong tháng 4 và đầu tháng 5/2020 sẽ còn ở mức cao do dòng chảy ở thượng nguồn sông Mê Kông chỉ ở mức tương đương trung bình nhiều năm và thấp hơn 2016 từ 5 - 20%.

Chính vì vậy, Đài KTTV Long An khuyến cáo từ 29/3 đến 05/4, nông dân cần tranh thủ trữ nước ngọt khi triều thấp, đặc biệt khi tưới cây cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn nhằm tránh thiệt hại. Ngoài ra, trong trường hợp thời tiết cực đoan thời gian tới, nếu thiếu mưa kéo dài và việc tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh cộng với tình hình trữ nước tại các đập thì tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn vùng hạ lưu kéo dài và trầm trọng hơn.

Kênh La Khoa, xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa có độ mặn đến 4,3g/l (đo ngày 27/3)

Kênh La Khoa, xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa có độ mặn đến 4,3g/l (đo ngày 27/3)

Người dân cần chú ý, theo dõi thường xuyên khuyến cáo của ngành chức năng về tình hình hạn, mặn để tránh thiệt hại trong sản xuất. Theo Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy Lợi Long An, hiện nay đang trong thời kỳ triều cường và gió chướng mạnh nên độ mặn đo được vào ngày 25/3 trên tất cả các sông lớn của tỉnh đều tăng so với ngày 23/3. Trên sông Vàm Cỏ Đông, độ mặn 1g/l đã đến kênh Chính Ba Sa, huyện Đức Hòa, 4g/l đã đến kênh Rạch Vong, huyện Bến Lức. Trên sông Vàm Cỏ Tây, độ mặn 1g/l đã đến kênh 2/9, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, 4g/l đã đến cầu La Khoa, huyện Thạnh Hóa. Tình hình xâm nhập mặn trên 2 sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây đều cao hơn và sâu hơn so với cùng kỳ năm 2016.

Theo số liệu từ UBND xã Tân Đông, tại khu vực cầu La Khoa, ấp 2, xã Tân Đông, độ mặn đã tăng cao lên 4,3g/l vào ngày 27/3. Ngành chức năng và UBND xã đã cho đặt cống tạm ngăn mặn khu vực cửa kênh giáp sông Vàm Cỏ Tây nên mặn không xâm nhập sâu vào nội đồng.

Nhờ thực hiện đúng khuyến cáo của ngành chức năng, nhiều nông dân hạn chế được ảnh hưởng từ hạn, mặn. Ngô Văn Vườn, ngụ ấp 1, xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa, vừa thu hoạch gần 3ha lúa vụ Đông Xuân, chia sẻ: “Năm nay, theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, tôi và các nông dân tại địa phương xuống giống sớm nên kịp thời đối phó với hạn, mặn. Đặc biệt, nhờ hệ thống thủy lợi ngăn mặn kênh Bà Hai Màng và kênh Rạch Dừa nên đồng ruộng khu vực ấp 1, xã Tân Đông không bị mặn xâm nhập”.

Nhờ thực hiện khuyến cáo của ngành chức năng, vụ lúa Đông Xuân này, ông Ngô Văn Vườn không bị ảnh hưởng từ hạn, mặn

Nhờ thực hiện khuyến cáo của ngành chức năng, vụ lúa Đông Xuân này, ông Ngô Văn Vườn không bị ảnh hưởng từ hạn, mặn

Ông Nguyễn Văn Gom, nông dân ấp 2, xã Tân Đông bộc bạch: “Tôi làm gần 2ha lúa nhưng đã chuyển một phần diện tích sang loại cây trồng khác vì hiện nay, tình hình mặn xâm nhập sâu nên trồng lúa rất bấp bênh”. Được biết, thực hiện khuyến cáo, ông Gom đã trữ nước ngọt tại ao rộng 200m2 nên vẫn ổn trong thời kỳ hạn, mặn. Hiện ông đang chờ mưa xuống để gieo sạ vụ Hè Thu.

Công chức Địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường xã Tân Đông - Lê Thị Ánh Trúc thông tin: “Xã Tân Đông sản xuất lúa nếp là chính nhưng cũng có 15ha trồng cây ăn trái (thanh long, mít, mai). Do độ mặn trên kênh La Khoa tăng cao nên UBND xã thường xuyên thông báo tình hình hạn, mặn trên loa phóng thanh cho nông dân. Hiện, toàn xã hoàn thành gần 100% hệ thống đê bao lửng ngăn mặn, trên các sông, rạch lớn cũng có áp dụng các biện pháp ngăn mặn kịp thời.”

Cống ngăn mặn tại kênh Bà Hai Màng, ấp 1, xã Tân Đông được xây dựng, góp phần giảm sự ảnh hưởng của nước mặn đến sản xuất nông nghiệp tại địa phương

Cống ngăn mặn tại kênh Bà Hai Màng, ấp 1, xã Tân Đông được xây dựng, góp phần giảm sự ảnh hưởng của nước mặn đến sản xuất nông nghiệp tại địa phương

Cũng theo dự báo của Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, khả năng từ ngày 08/4 đến 15/4, chiều sâu mà độ mặn xâm nhập trên 2 sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây sẽ tăng cao nhất với ranh 4g/l, phạm vi ảnh hưởng từ 95 - 105km. Khả năng trong tháng 5/2020 độ mặn trên các sông lớn sẽ được cải thiện nhiều, nhưng vẫn phải đề phòng trường hợp bất thường của thời tiết.

Chi cục phó Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi - Huỳnh Văn Nam cho biết: “Dự kiến tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Long An trong tháng 4/2020 sẽ còn khốc liệt hơn trước đây. Độ mặn trên các sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây sẽ xâm nhập sâu hơn lên vùng Đồng Tháp Mười gồm các huyện Thủ Thừa, Bến Lức, Thạnh Hóa, Đức Hòa, Đức Huệ. Chi cục khuyến cáo các địa phương vùng Đồng Tháp Mười nên đắp đập ngăn mặn tạm thời trên các sông, rạch lớn. Các hộ nông dân nên trữ nước khi độ mặn còn thấp để đề phòng nước mặn xâm nhập sâu”.

Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy Lợi cho biết, do tình hình mặn xâm nhập nên đến nay vẫn chưa có lịch gieo sạ vụ Hè thu cho khu vực Đồng Tháp Mười.

Dự báo độ mặn trên sông, rạch của tỉnh Long An từ 26/3 đến 02/4 của Đài KTTV Long An, tại sông Vàm Cỏ Đông, địa bàn thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức đạt 8,1 g/l, tại Xuân Khánh, huyện Đức Hòa đạt 2,2 g/l. Độ mặn 4g/l sẽ xâm nhập sâu vào nội đồng hơn 86km tại xã Thạnh Lợi và Lương Bình, huyện Bến Lức,

Trên sông Vàm Cỏ Tây, độ mặn 3,1g/l sẽ đến ngã ba Tuyên Nhơn, huyện Thạnh Hóa. Tại Tân An, độ mặn sẽ đạt 8,1g/l vào ngày 27/3. Độ mặn xâm nhập sâu vào nội đồng cách cửa biển 110km (thị trấn Thạnh Hóa) xấp xỉ 4g/l.

Trên sông Vàm Cỏ Tây, độ mặn 1g/l sẽ xâm nhập sâu 130km đến xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa và trên sông Vàm Cỏ Đông, độ mặn 1g/l sẽ xâm nhập sâu 110km đến xã Hòa Khánh Nam, huyện Đức Hòa và xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ.

Mức độ rủi ro do thiên tai xâm nhập mặn trên các sông, rạch của tỉnh Long An có khả năng ở mức độ 1./.

Đ.Lâm

Nguồn Long An: http://baolongan.vn/long-an-du-bao-xam-nhap-man-con-o-muc-do-cao-den-dau-thang-5-2020-a92582.html