Long An: Hiệu quả chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà tỉnh Long An triển khai hơn 6 năm qua đã ghi nhận được nhiều kết quả. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, ông Nguyễn Văn Út, trả lời Báo PLVN.
Thưa ông, được biết chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã góp phần quan trọng giảm giá thành và nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa của Long An. Ông có thể cho biết thêm các thành tựu, điểm sáng nổi bật của chương trình?
- Qua hơn 6 năm triển khai thực hiện, chương trình đạt được một số kết quả nổi bật.
Thứ nhất, trên cây lúa, đến nay diện tích lúa ứng dụng CNC có 46.929,35ha/60.000ha kế hoạch đến 2025. Năng suất các mô hình 72 - 75 tạ/ha, cao hơn bên ngoài vùng đề án khoảng 3 tạ/ha. Chi phí sản xuất giảm bình quân 1,4 triệu đồng/ha. Sản phẩm lúa được bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường 100 - 300 đồng/kg, lợi nhuận bình quân 27 triệu đồng/ha (cao hơn ngoài mô hình khoảng 3,2 triệu đồng/ha).
Thứ hai, trên cây rau, có 1.948,96ha/2.000ha rau ứng dụng CNC, đạt 99,1% kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025. Người dân giảm lượng phân vô cơ từ 10 - 40kg/ha, giảm số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… Năng suất tăng 5 - 20%, lợi nhuận cao hơn từ 2 - 5 triệu đồng/1.000m2 so với cách trồng truyền thống, sản phẩm được kiểm tra đạt an toàn.
Trên bò thịt, đã triển khai xây dựng 3 mô hình điểm chăn nuôi, hỗ trợ nông dân chuyển đổi bò giống, hỗ trợ gieo tinh nhân tạo các giống chất lượng cao cho 6.326 bò cái sinh sản; tăng năng suất (trọng lượng) lên khoảng 30%; giảm khoảng cách 2 lứa đẻ (từ 3 năm/bê còn 2 năm/bê).
Ngoài ra, tỉnh còn tập trung triển khai ứng dụng chuyển đổi số ngành nông nghiệp và kết nối thương mại điện tử, quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP.
Long An có giải pháp gì để đáp ứng khẳng định vị thế nông sản ứng dụng CNC của tỉnh trên thị trường?
- Tỉnh đã ban hành các văn bản hướng dẫn, thực hiện triển khai chỉ dẫn địa lý “Châu Thành Long An” cho thanh long; Tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu; Ban hành Kế hoạch xây dựng phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; Quy định chính sách hỗ trợ áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, thủy sản trên địa bàn.
Toàn tỉnh đã có 271 lượt mã số vùng trồng (thanh long, chanh, chuối, dưa hấu…) với tổng diện tích 13.475,3ha, thị trường xuất khẩu Trung Quốc, Úc, New Zeland, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản; và 158 mã số cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu.
Xây dựng quảng bá được 28 chuỗi rau, thanh long, chanh, gạo, thịt gà, thịt heo, thủy sản; Hỗ trợ 2.061.000 tem điện tử truy xuất nguồn gốc bằng mã QR với 17 cơ sở đã được xác nhận chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn; Hỗ trợ 111 lượt doanh nghiệp, HTX, THT, cơ sở sản xuất sản phẩm nông sản đã và đang thực hiện chứng nhận VietGAP, với diện tích trên 2.868ha.
Sở KH&CN đã hỗ trợ 94 HTX, Hiệp hội xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm đặc sản (gạo Nàng thơm, gạo Huyết rồng, lúa chất lượng cao, nếp, thanh long, chanh, khóm, khoai mỡ, rau...).
Liên kết đầu ra cho nông sản vẫn là bài toán khó, áp lực rất lớn khi còn tình trạng “được mùa, mất giá”, không tận dụng được sản phẩm không đạt yêu cầu xuất khẩu, phần lớn nông sản được tiêu thụ dưới dạng tươi. Long An làm gì để gỡ khó vấn đề này?
- Vấn đề liên kết đầu ra cho nông sản luôn được Long An quan tâm và đề ra nhiều chính sách khuyến khích người dân, HTX và DN thực hiện sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Hàng năm, với cây lúa trung bình có hơn 15 DN và 20 HTX tham gia xây dựng cánh đồng lớn với diện tích hơn 15.000ha với tỷ lệ thu mua trên diện tích thực hiện gần như tuyệt đối.
Tỉnh có chính sách hỗ trợ tư vấn liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hạ tầng phục vụ liên kết, giống, vật tư thiết yếu. Chính sách này đang áp dụng cây lúa, cây thanh long, cây rau, cây chanh, cây mít, cây xoài, cây sầu riêng, cây mai, con gia cầm, con bò thịt, con cá tra và con tôm.
Về vấn đề không tận dụng được sản phẩm không đạt yêu cầu xuất khẩu, phần lớn nông sản được tiêu thụ dưới dạng tươi, tỉnh hỗ trợ các cơ sở sản xuất, HTX, DN đầu tư máy móc thiết bị chế biến nông sản tươi thành các thành phẩm hàng hóa, có bao bì, nhãn mác, có thương hiệu, mã vạch, mã số vùng trồng để đáp ứng điều kiện xuất khẩu và tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị trong nước thông qua chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Hàng năm hỗ trợ tham gia các sàn thương mại điện tử, tham gia quảng bá sản phẩm tại hội chợ triển lãm OCOP, các diễn đàn liên kết của các tỉnh, thành trên cả nước nhằm đẩy mạnh thị trường tiêu thụ nội địa bên cạnh xuất khẩu.
UBND tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện chương trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC với mục tiêu đến 2025, diện tích lúa ứng dụng CNC là 60.000ha, cây rau 2.000ha, cây thanh long 6.000ha, cây chanh 3.000ha và con tôm 100ha.
Xin cảm ơn ông!
Trả lời câu hỏi “có nhận xét một số Hợp tác xã (HTX) thành viên tồn tại chỉ mang tính hình thức, một số HTX còn tư tưởng trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước; ông nói gì trước ý kiến này?”, ông Út cho biết:
“Tồn tại, hạn chế nêu trên thì nhiều địa phương đang gặp phải, không riêng Long An. Hiện toàn tỉnh có 231 HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, so với năm 2013 số lượng tăng 181 và tăng hơn 2.700 thành viên tham gia.
Bên cạnh các mặt đạt được, sự phát triển HTX trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn. Phần lớn các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh luôn trong tình trạng “khát” vốn hoạt động. Số lượng HTX ngưng hoạt động chiếm 14%. Cơ sở vật chất các còn yếu kém, ít hoạt động dịch vụ, đa phần tập trung mảng sản xuất trồng trọt. Lợi ích mang lại cho thành viên cũng như việc liên kết các thành viên thiếu chặt chẽ. Quy mô sản xuất còn nhỏ, năng lực quản trị yếu nên việc xây dựng phương án sản xuất và tìm kiếm hợp đồng tiêu thụ sản phẩm hạn chế. Việc thành lập mới HTX nhằm để đạt tiêu chí 13 trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Thời gian tới tỉnh nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước với HTX trong phát triển kinh tế tập thể, HTX; hỗ trợ các HTX đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động; phát huy mạnh mẽ vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên, các đoàn thể, hội, hiệp hội trong phát triển kinh tế tập thể”.