Long An khắc phục tình trạng thiếu nước sạch mùa khô

Dự báo từ các cơ quan chuyên môn cho thấy nhiệt độ trung bình sẽ tăng, nắng nóng gay gắt và hạn hán, xâm nhập mặn có thể tiếp diễn, nhất là tại Trung và Nam Bộ.

Có thể nói, tình trạng thiếu nước ngọt diễn ra trên khắp thế giới. Giống như nhận xét của GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Trưởng Ban Khoa học Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết: “Nước ngọt (cả nước mặt và nước ngầm) trên trái đất đang có hiện tượng suy giảm cả về lượng và chất. Tài nguyên nước đang bị đe dọa bởi nhiều vấn đề, đã có sự khan hiếm nước, ô nhiễm nước, xung đột nước xảy ra ở nhiều vùng, khu vực trên thế giới. Nước ngọt về nguyên tắc là nguồn tài nguyên có thể tái tạo. Tuy nhiên, nguồn cung cấp nước ngầm trên thế giới đang giảm dần. Sự cạn kiệt nguồn nước ngầm (hoặc tình trạng rút nước quá mức) đang xảy ra ở Châu Á, Nam Mỹ và Bắc Mỹ”.

Do đặc điểm địa lý và ảnh hưởng của hiện tượng xâm nhập mặn, nhiều khu vực không thể khai thác được nước ngọt từ các nguồn tự nhiên như sông, suối, ao, hồ. Nhiệt độ cao trong mùa khô làm gia tăng nhu cầu sử dụng nước nhưng nguồn cung lại bị suy giảm, dẫn đến khan hiếm nước trầm trọng. Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày mà còn gây ra nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, đòi hỏi sự can thiệp kịp thời của các cơ quan chức năng để tìm ra giải pháp bền vững, như phát triển hệ thống trữ nước, khoan giếng và xử lý nước ngầm để đảm bảo cung cấp nước trong thời gian tới.

Trong thời gian tới, nhằm giảm thiểu thiệt hại do tình trạng thiếu nước trong sản xuất và sinh hoạt, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - ông Nguyễn Minh Lâm đã ban hành văn bản yêu cầu các sở ngành liên quan như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố và Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, các cơ sở cung cấp nước trong khu vực triển khai những giải pháp lâu dài, hiệu quả để đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân các xã vùng hạ, nhất là trong mùa khô kéo dài như đã diễn ra thời gian qua.

UBND tỉnh cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, đôn đốc các địa phương chủ động thực hiện kế hoạch cung cấp nước, đảm bảo việc cung cấp nước diễn ra thường xuyên, liên tục, không bị gián đoạn. Đơn vị này cũng cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương có nguy cơ thiếu nước để rà soát nhu cầu sử dụng nước, từ đó tham mưu cho UBND tỉnh những biện pháp hỗ trợ kịp thời, không để xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Đồng thời, cần xây dựng các phương án ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn trong tương lai, đảm bảo không để người dân bị động trước những thay đổi bất ngờ về nguồn nước.

Sở Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và các huyện như Cần Đước, Cần Giuộc để rà soát các giếng khoan dự phòng đã bị đóng bít nhưng vẫn đảm bảo chất lượng nước, đồng thời tham mưu UBND tỉnh mở lại các giếng này để kịp thời bổ sung nguồn nước trong trường hợp hạn, mặn kéo dài. Đơn vị này cũng cần nhanh chóng xử lý thủ tục cấp phép cho việc khoan giếng mới tại các khu vực thiếu nước góp phần giải quyết vấn đề nguồn cung.

UBND các huyện Cần Đước và Cần Giuộc cần chủ động rà soát, xác định nhu cầu nước sinh hoạt hàng năm và dài hạn của người dân, đồng thời lên kế hoạch đầu tư vào các công trình cấp nước. Cần thiết phải xác định trách nhiệm cụ thể của các cơ sở cấp nước, nhất là trong thời gian cao điểm của hạn hán và xâm nhập mặn, báo cáo UBND tỉnh để có chỉ đạo kịp thời. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các huyện cần tính đến việc xây dựng hệ thống trữ nước để đảm bảo nguồn cung cấp nước ổn định.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu và đa dạng hóa các hình thức cung cấp nước, đặc biệt đối với những khu vực khó tiếp cận nguồn nước. Việc xây dựng các điểm cấp nước tập trung hoặc cấp nước theo tuyến, theo giờ sẽ giúp người dân có thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt khi nguồn nước tại các công trình cấp nước tập trung không còn đủ. Các biện pháp này cần được triển khai một cách linh hoạt để đảm bảo nhu cầu nước sinh hoạt khi xảy ra tình huống thiên tai.

Đồng thời, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Long An và các tổ chức xã hội để vận động người dân tham gia các giải pháp đối phó với hạn hán, xâm nhập mặn. Cần kêu gọi sự ủng hộ từ các mạnh thường quân để đưa nước sạch đến những khu vực bị thiếu hụt góp phần hỗ trợ đời sống người dân.

Các cơ sở cung cấp nước sạch sinh hoạt cũng cần rà soát và nâng cấp hệ thống thiết bị, ống dẫn nước, đồng thời điều chỉnh công suất hoạt động phù hợp để đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt, đặc biệt trong mùa hạn mặn. Ngoài ra, việc điều tiết nguồn nước phải được thực hiện hiệu quả, đảm bảo cung cấp đủ nước tối thiểu cho sinh hoạt của người dân.

Các cơ quan truyền thông cần phối hợp chặt chẽ để thông tin kịp thời về tình hình nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn giúp nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng nước tiết kiệm và đúng mục đích. Khuyến khích người dân thực hiện các biện pháp trữ nước và xử lý nước khi nguồn nước sạch không có sẵn nhằm giảm thiểu thiệt hại trong các tình huống khẩn cấp.

Tất cả các bên liên quan cần tăng cường tuyên truyền và hướng dẫn người dân sử dụng nước một cách an toàn, hiệu quả, tiết kiệm để vượt qua giai đoạn khó khăn do tác động của biến đổi khí hậu.

Thanh Trúc

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/long-an-khac-phuc-tinh-trang-thieu-nuoc-sach-mua-kho-93602.html