Long An: Khuyến công quốc gia thúc đẩy phát triển sản phẩm sản xuất từ nông sản
Chương trình khuyến công quốc gia (KCQG) thời gian qua tại tỉnh Long An đã tập trung hỗ trợ chương trình khuyến công điểm, hỗ trợ ngành chế biến nông sản là chính, trong đó chủ đạo là chế biến về lúa, lúa gạo, thanh long, chanh.
Những kết quả đạt được từ chương trình đã góp phần huy động các nguồn lực để hỗ trợ phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT).
Hiệu quả từ nguồn kinh phí Khuyến công quốc gia
Xuất phát từ thực tiễn, Sở Công Thương tỉnh Long An chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại tỉnh Long An (Trung tâm) đề xuất Cục Công Thương địa phương thực hiện đề án “Hỗ trợ các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh Long An phát triển sản xuất các sản phẩm từ nông sản giai đoạn 2021 – 2023” và được sự đồng ý. Tổng kinh phí thực hiện đề án khuyến công quốc gia là 27,206 tỉ đồng. Trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 5,87 tỉ đồng, vốn đối ứng từ doanh nghiệp là 21,336 tỉ đồng.
Thực hiện đề án trên địa bàn tỉnh Long An, Trung tâm được giao thực hiện hỗ trợ được 01 cơ sở CNNT xây dựng được 01 mô hình trình diễn kỹ thuật trong sản xuất, chế biến sản phẩm nông sản – trái cây chiên với tổng kinh phí 1 tỷ đồng; Hỗ trợ 15 cơ sở CNNT trong lĩnh vực chế biến nông sản ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào trong sản xuất với tổng kinh phí 4.500 triệu đồng; Hỗ trợ được 4 cơ sở CNNT xây dựng 4 phòng trưng bày để giới thiệu, quảng bá sản phẩm với tổng kinh phí 200 triệu đồng; Tổ chức 01 Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện đề án khuyến công điểm giai đoạn 2021-2023 với tổng kinh phí 170 triệu đồng.
Ông Phạm Văn Phong, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại tỉnh Long An cho biết: Đề án “Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Long An phát triển sản xuất các sản phẩm từ nông sản giai đoạn 2021 – 2023” về cơ bản đã đạt được các mục tiêu của đề án đề ra.
Cụ thể, hiệu quả đạt được từ Đề án khuyến công quốc gia điểm trong thời gian qua đã được khẳng định. Đó là, khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn, bên cạnh việc góp phần tăng cường sức sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, còn có tác động tích cực đến nhận thức của nhân dân, làm cho nhân dân hiểu rõ về sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế nói chung và phát triển công nghiệp nông thôn nói riêng.
Số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp không ngừng tăng trưởng cả về số lượng, quy mô, chất lượng; máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến, hiện đại ngày càng được các doanh nghiệp ứng dụng rộng rãi góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; trình độ quản lý và tay nghề của người lao động đã được nâng lên đáng kể.
Ngoài ra, các nội dung hỗ trợ đã được triển khai đồng bộ, mang lại hiệu quả thiết thực; nội dung hỗ trợ luôn gắn với nhu cầu thực tế của các cơ sở CNNT chế biến nông sản; tạo sự nhìn nhận mới về các dịch vụ hỗ trợ của Nhà nước; thực hiện gắn kết, cầu nối cho doanh nghiệp - doanh nghiệp, doanh nghiệp - Nhà nước, doanh nghiệp - thị trường… Các cơ sở CNNT chế biến nông sản sau khi được hỗ trợ đã đẩy mạnh sản xuất, phát triển thêm nhiều thị trường mới đã thúc đẩy sản xuất công nghiệp nói chung và CNNT nói riêng phát triển theo định hướng của tỉnh.
Bên cạnh đó, hoạt động khuyến công đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; Đồng thời, tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động theo hướng công nghiệp hóa nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Đáng chú ý, kinh phí thực hiện đề án khuyến công quốc gia điểm 2021-2023, bình quân đạt 1.957 triệu đồng/năm góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp nói chung và CNNT nói riêng đạt tốc độ tăng trưởng theo mục tiêu đề ra.
Vốn khuyến công quốc gia góp phần chuyển dịch cơ cấu CNNT
Là 01 trong 15 đơn vị được hỗ trợ tại đề án tại đề án “Hỗ trợ các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh Long An phát triển sản xuất các sản phẩm từ nông sản giai đoạn 2021 - 2023” . Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất nông sản” do Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Long An phối hợp Công ty TNHH MTV Sản xuất Rượu Thanh Long tại huyện Châu Thành, tỉnh Long An triển khai thực hiện với tổng kinh phí thực hiện đề án là 700 triệu đồng, trong đó; khuyến công quốc gia hỗ trợ 291 triệu đồng; vốn đối ứng doanh nghiệp 409 triệu đồng đã giúp Công ty mạnh dạn đầu tư ứng dụng 01 Máy ép dầu thanh long mới 100% vào quá trình sản xuất.
Ông Trần Quốc Trọng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất Rượu Thanh Long cho biết: Với nguồn vốn hỗ trợ từ kinh phí khuyến công trên đã giúp cho Công ty TNHH MTV Sản xuất Rượu Thanh Long có thêm điều kiện đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động ở nông thôn; tăng doanh thu và lợi nhuận; tạo ra giá trị sản xuất chung của ngành, góp phần chuyển dịch cơ cấu CNNT theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Nhằm phát huy hiệu quả từ đề án quốc gia điểm hỗ trợ phát triển chế biến nông sản giai đoạn 2021-2023, Trung tâm tiếp tục xây dựng và đề xuất Cục Công Thương địa phương hỗ trợ kinh phí thực hiện đề án “Hỗ trợ các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh Long An phát triển sản xuất các sản phẩm từ nông sản giai đoạn 2024-2025” với tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến là 37,784 tỉ đồng; trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 6,01 tỉ đồng, vốn đối ứng từ doanh nghiệp là 31,774 tỉ đồng.