Long An: Mời gọi đầu tư để thực hiện khát vọng vươn xa

Ngày 25/7, UBND tỉnh Long An đã long trọng tổ chức Hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư tỉnh Long An. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Tại Hội nghị, UBND tỉnh Long An đã trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đầu tư cho 09 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 40.400 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Công bố Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Tại Hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư tỉnh Long An, ông Nguyễn Minh Lâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An đã công bố Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ông Nguyễn Minh Lâm, cho biết ngày 13/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 686/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh Long An là địa phương thứ 10 cả nước và là tỉnh đầu tiên khu vực phía Nam được phê duyệt Quy hoạch tỉnh.

Mục tiêu đến năm 2030: Long An là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam; trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; kết nối chặt chẽ với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ; đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia. Hình thành được các hành lang kinh tế, vùng, trung tâm phát triển và đô thị động lực; thích ứng với biến đổi khí hậu. Người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao Quyết đinh phê duyệt Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho tỉnh Long An

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao Quyết đinh phê duyệt Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho tỉnh Long An

Tầm nhìn đến năm 2050: Long An là tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có trình độ phát triển tương đương các tỉnh vùng Đông Nam bộ. Xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn và văn minh; con người phát triển toàn diện. Môi trường sống trong lành và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Long An sẽ thực hiện các đột phá phát triển như: Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, tạo đột phá trong nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài, đặc biệt là trong các ngành và lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, vận tải, logistics và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo trên các ngành, lĩnh vực quan trọng của tỉnh, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số.

Huy động, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm mọi nguồn lực, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại và thích ứng với biến đổi khí hậu; ưu tiên đầu tư giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất triển khai các dự án trọng điểm có khả năng kết nối liên vùng, liên tỉnh, có tính lan tỏa, nhất là về hạ tầng giao thông, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng đô thị.

Theo đó, tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo mô hình “một trung tâm, hai hành lang kinh tế, ba vùng kinh tế - xã hội, sáu trục động lực”, là:

Thành phố Tân An là trung tâm chính trị - hành chính - đô thị hạt nhân - đô thị vệ tinh của Thành phố Hồ Chí Minh; là trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, hiện đại phía Đông Bắc của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Hai hành lang kinh tế gồm: Hành lang đường Vành đai 3 - 4: Bám dọc theo các trục đường Vành đai 3, Vành đai 4 của Thành phố Hồ Chí Minh. Hành lang phát triển phía Nam: Bám dọc theo trục động lực liên tỉnh từ Thành phố Hồ Chí Minh đi qua tỉnh Long An và kết nối với tỉnh Tiền Giang (qua trục quốc lộ 50B).

Ba vùng kinh tế - xã hội gồm:

Vùng đô thị và công nghiệp: Tập trung phát triển đô thị và công nghiệp tổng hợp, tạo thành hành lang phát triển đô thị trung tâm ở Bến Lức - Tân An và các đô thị công nghiệp ở các huyện Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước; phát triển khu kinh tế ở các huyện Cần Giuộc, Cần Đước; phát triển nông nghiệp ven đô, chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao tại huyện Châu Thành, Tân Trụ và thành phố Tân An.

Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch và kinh tế cửa khẩu: Phát triển dịch vụ, công nghiệp tại khu kinh tế cửa khẩu; phát triển du lịch sinh thái gắn với cảnh quan đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười, phấn đấu đưa thương hiệu du lịch Đồng Tháp Mười là thương hiệu quốc gia gắn kết chặt chẽ với du lịch của tỉnh. Phát triển thị xã Kiến Tường là trung tâm vùng Đồng Tháp Mười.

Vùng đệm sinh thái: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dành quỹ đất hợp lý cho phát triển công nghiệp, đô thị sinh thái, khu trung chuyển nội tỉnh.

Sáu trục động lực kinh tế gồm: Trục động lực Vành đai 3 - Vành đai 4, Trục động lực quốc lộ 50B, Trục động lực song hành quốc lộ 62, Trục động lực Mỹ Quý Tây - Lương Hòa - Bình Chánh, Trục động lực quốc lộ N 1, Trục động lực Đức Hòa.

Đồng thời, quy hoạch tỉnh Long An cũng đã xác định các phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các phương án phát triển khác. Quy hoạch tỉnh đã xây dựng báo cáo đánh giá môi trường từ đó đưa ra các khuyến nghị bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững.

Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở triển khai lập các quy hoạch đô thi và nông thôn, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật có liên quan. Bên cạnh đó, đồng thời quy định trách nhiệm của UBND tỉnh Long An và Chủ tịch UBND tỉnh trong triển khai thực hiện quy hoạch.

Mời gọi đầu tư để thực hiện khát vọng vươn xa

Tại Hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư tỉnh Long An, UBND tỉnh Long An đã trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đầu tư cho 09 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 40.400 tỷ đồng. Đó là các dự án đầu tư Liên danh Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển DB và Công ty CP Tập đoàn Ecopark với dự án Khu đô thị sinh thái, thương mại, du lịch; tại xã Thanh Phú, huyện Bến Lức; tổng vốn đăng ký 16.891 tỷ đồng; Công ty CP đầu tư Thái Tuấn với dự án Nhà máy hoàn thiện sản phẩm dệt Thái Tuấn; tại Khu công nghiệp Đức Hòa III-Slico, xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa; tổng vốn đăng ký 12.800 tỷ đồng; Công ty TNHH nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam với dự án Suntory Pepsico Long An; tại Khu Công nghiệp Hựu Thạnh, xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa; với tổng vốn đăng ký 4.374 tỷ đồng; Công ty TNHH MV-Pluto với dự án Nam Thuận Logistics Park, tại Khu Công Nghiệp Nam Thuận, Xã Đức Hòa Đông, Huyện Đức Hòa; tổng vốn đăng ký 1.560 tỷ đồng;

Công ty TNHH Việt Nam Yokorei với dự án Kho lạnh Việt Nam Yokorei tại Khu công nghiệp Phú An Thạnh, xã An Thạnh, huyện Bến Lức; tổng vốn đăng ký 1.229 tỷ đồng; Công ty TNHH MV-Neptune với dự án Nam Thuận Logistics Park tại Khu công nghiệp Nam Thuận, xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa; tổng vốn đăng ký 1.076 tỷ đồng; Công ty TNHH Aeon Việt Nam với dự án Trung tâm thương mại Aeon Tân An, tại phường 6, thành phố Tân An; tổng vốn đăng ký 1.076 tỷ đồng; Công ty TNHH Kido Long An với dự án Nhà máy sản xuất dầu ăn thực vật và bánh kẹo tại KCN Đông Nam Á, xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tổng vốn đăng ký 800 tỷ đồng; Công ty Cổ phần LAVOI với dự án Nhà máy dầu thực vật Long An tại KCN Đông Nam Á, xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tổng vốn đăng ký 500 tỷ đồng.

Đồng thời, UBND tỉnh Long An trao Biên bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư cho 10 nhà đầu tư trong các lĩnh vực hạ tầng, công nghiệp, đô thị, môi trường, khu phức hợp vui chơi giải trí, nhà ở xã hội, nông nghiệp công nghệ cao.

Ông Nguyễn Văn Được - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An phát biểu chào mừng khai mạc Hội nghị.

Ông Nguyễn Văn Được - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An phát biểu chào mừng khai mạc Hội nghị.

Phát biểu chào mừng khai mạc Hội nghị, Ông Nguyễn Văn Được - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An cho biết: “Tỉnh Long An đã hoàn thành việc lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch được duyệt là cơ sở, là tiền đề quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hướng tới mục tiêu xây dựng Long An trở thành trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam vào năm 2030; trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối chặt chẽ với Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam bộ và là đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia. Hình thành được các hành lang kinh tế, vùng không gian phát triển, các trung tâm và đô thị động lực, đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu; quốc phòng, an ninh được bảo đảm; người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc và nghĩa tình.

Tỉnh Long An cam kết, sẽ luôn “mở rộng cửa” để chào đón và đồng hành với các nhà đầu tư trong và ngoài nước; quan điểm của tỉnh là luôn xem “người dân và doanh nghiệp làm chủ thể, là trung tâm phục vụ; doanh nghiệp là động lực, nguồn lực cho quá trình phát triển”. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Long An sẽ luôn đồng hành cùng với sự phát triển của các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, để thực hiện thành công dự án và phát triển bền vững tại tỉnh Long An.”

Đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, cho rằng: Có quy hoạch tốt thì mới có chương trình, dự án tốt, có chương trình, dự án tốt thì mới có nhà đầu tư tốt. Đây là sự kiện quan trọng được tổ chức nhằm tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Long An nói riêng, mới nhất là Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Long An cần phát huy truyền thống, biến tiềm lực thành nguồn lực phát triển theo tinh thần "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân"; hóa giải được những mâu thuẫn, thách thức, tồn tại, yếu kém mà Quy hoạch tỉnh đã nêu lên; phát huy lợi thế trung tâm kết nối; phát huy tối đa các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tự lực, tự cường đi lên từ nội lực của mình (gồm con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa lịch sử), đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất, cửa khẩu của mình; tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, có chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện nghiêm túc các cam kết đầu tư, thỏa thuận hợp tác, tuân thủ luật pháp, theo quy hoạch của Tỉnh. Đồng hành với chính quyền các cấp; thẳng thắn góp ý, kiến nghị có trách nhiệm, xây dựng với chính quyền. Thực hiện tốt văn hóa kinh doanh, tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"; bảo đảm chế độ, chính sách cho người lao động, tích cực tham gia đảm bảo an sinh xã hội.

Lãnh đạo tỉnh Long An trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đầu tư cho 09 dự án đầu tư.

Lãnh đạo tỉnh Long An trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đầu tư cho 09 dự án đầu tư.

Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và chủ trương đầu tư khẩn trương hoàn thành thủ tục và đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa dự án vào hoạt động với tinh thần "Đã nói là phải làm; đã cam kết phải thực hiện hiệu quả", tập trung vào một số động lực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ. Đối với các bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng yêu cầu triển khai hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi với phương châm "Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể để phục vụ và là mục tiêu, động lực của sự phát triển".

Cùng với đó, giải quyết kịp thời, hiệu quả những kiến nghị, đề xuất của tỉnh và người dân, doanh nghiệp; kịp thời hoàn thiện các quy định pháp luật, cơ chế chính sách liên quan. Phối hợp chặt chẽ với Long An đánh giá thực trạng, có các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Huỳnh Biển

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/long-an-moi-goi-dau-tu-de-thuc-hien-khat-vong-vuon-xa-357886.html