Long An nửa mừng nửa lo với gần 1.200 nhà nuôi yến

Hiện số lượng nhà yến trên địa bàn Long An là 1.174, việc gia tăng nhà yến rất nhanh cho thấy tiềm năng và triển vọng phát triển nghề nuôi chim yến rất lớn, tạo việc làm và nguồn thu đáng kể cho địa phương...

Long An có hơn 1000 nhà nuôi yến, công tác quản lý bắt đầu gặp khó khăn

Long An có hơn 1000 nhà nuôi yến, công tác quản lý bắt đầu gặp khó khăn

Thường trực HĐND tỉnh Long An vừa tổ chức phiên họp giải trình việc phát triển nhà yến trên địa bàn tỉnh này.

Hiện, hoạt động dẫn dụ và nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Long An được đánh giá là một ngành tương đối mới và phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh từ năm 2017 đến nay.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, số lượng nhà yến trên địa bàn là 1.174, việc tăng 641 nhà yến so với năm 2020 cho thấy tiềm năng và triển vọng phát triển nghề nuôi chim yến của Long An rất lớn, tạo việc làm và nguồn thu đáng kể cho địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm thì hoạt động này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường và cuộc sống của người dân như: an toàn sinh học, tiếng ồn.

Công tác quản lý nhà nước đối với nhà yến hiện cũng gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, việc xây nhà dẫn dụ và nuôi chim yến được điều chỉnh bởi nhiều luật như: Luật thú y, Luật quy hoạch, Luật bảo vệ môi trường... nhưng lại không có một quy định chung, thống nhất để hướng dẫn cho người dân nuôi và dẫn dụ chim yến.

Các nhà dẫn dụ và nuôi chim yến hiện nay phần lớn được xây dựng trên đất ở, đất sản xuất kinh doanh, cải tạo cơi nới nhà ở hiện hữu chưa được cấp thẩm quyền cho phép hoặc người dân xin xây dựng nhà ở nhưng đến khi hoàn thành thì mục đích là để làm nhà dẫn dụ chim yến mà không phục vụ mục đích ở.

Đây là một lĩnh vực tương đối mới nên trình độ, nghiệp vụ của cán bộ quản lý lĩnh vực này ở các cấp còn hạn chế, chưa được tập huấn, đào tạo chuyên môn quản lý chim yến…

Mặc khác chim yến với đặc thù là loài chim hoang dã, sống thành đàn lớn, bay lượn trên cao nên rất khó kiểm soát dịch bệnh hơn các loại gia cầm khác, nên khi dịch cúm gia cầm xảy ra gây khó khăn cho ngành nông nghiệp về công tác quản lý về điều kiện vệ sinh thú y và giám sát dịch bệnh.

Lãnh đạo UBND tỉnh Long An thông tin, trong thời gian vừa qua các sở ngành, địa phương đã xây dựng hướng dẫn, triển khai Nghị quyết số 12/2020/NQ-HĐND về quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư được phép chăn nuôi vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên trong quá trình triển khai cũng đã phát sinh một số khó khăn trong việc xác định vùng quy hoạch nuôi chim yến, hướng dẫn tổ chức, cá nhân xây dựng nhà yến phù hợp trên từng loại đất; các tiêu chuẩn kỹ thuật để cấp phép xây dựng nhà yến… và để giải quyết các vấn đề trên các sở ngành, địa phương cũng đã đưa ra một số giải pháp căn bản và trong thời gian tới tiếp tục quyết liệt thực hiện khắc phục tồn tại, hạn chế.

Theo đó, UBND tỉnh Long An yêu cầu tăng cường vai trò của các địa phương trong quản lý trật tự xây dựng, kiểm tra tình hình xây dựng trên địa bàn đảm bảo mọi hành vi vi phạm phát hiện và xử lý ngay từ đầu không phát sinh điểm nóng; Tuyên truyền phổ biến Nghị định thư về xuất khẩu sản phẩm tổ yến từ Việt Nam sang Trung Quốc đến các cơ sở nuôi yến, sơ chế và chế biến sản phẩm từ chim yến có nhu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc.

UBND tỉnh Long An cũng sẽ rà soát, đánh giá và cấp mã số cho các nhà yến hiện có tại địa phương phù hợp với các quy định hiện hành, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Xây dựng hệ thống quản lý thông tin, cơ sở dữ liệu nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh phục vụ cho công tác quản lý và truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh đó, việc xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tổ yến, trong đó các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữ vai trò định hướng đặt hàng, tiêu chuẩn nguyên liệu, hỗ trợ sản xuất, nhằm phát huy thế mạnh để thúc đẩy tốc độ phát triển nhanh và hiệu quả ngành nghề nuôi chim yến cũng được chú trọng...

Song Hoàng

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/long-an-nua-mung-nua-lo-voi-gan-1-200-nha-nuoi-yen.htm