Long An phát huy tối đa tiềm lực địa phương để thu hút đầu tư
Tỉnh Long An xác định thu hút đầu tư có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm; trong đó, tập trung thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc vào các ngành, lĩnh vực có ưu thế của tỉnh.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An, năm 2023, địa phương sẽ tập trung xây dựng môi trường đầu tư có tính cạnh tranh cao, tận dụng và phát huy tối đa tiềm lực trên nhiều phương diện như cơ sở hạ tầng, chính sách, tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực... để thu hút nhà đầu tư.
Năm 2023, Long An sẽ tập trung thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư xoay quanh các nhóm nội dung như nghiên cứu tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư; xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư; xây dựng hình ảnh, truyền thông, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư; tổ chức họp mặt, đối thoại; hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu về pháp luật, chính sách, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư...
Tỉnh Long An xác định thu hút đầu tư có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm; trong đó, tập trung thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc vào các ngành, lĩnh vực có ưu thế của tỉnh, các dự án đảm bảo môi trường đầu tư, có sức lan tỏa, hiệu quả trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Ưu tiên thu hút các tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu-phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo; khuyến khích chuyển giao công nghệ và quản trị cho doanh nghiệp.
Trong lĩnh vực công nghiệp, Long An xác định trọng tâm là phát triển xanh, nhanh và bền vững tạo nền tảng để thu hút các dự án đầu tư phát triển các ngành công nghiệp gắn với chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.
Ưu tiên thu hút đầu tư vào công nghiệp xanh, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ số, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học; công nghiệp dược phẩm, công nghiệp năng lượng sạch, công nghiệp môi trường; công nghiệp hỗ trợ, phục vụ cho công nghiệp sản xuất, chế tạo gắn liền với bảo vệ môi trường.
Còn lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh tập trung thu hút đầu tư phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao, xanh, sạch, hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế, giá trị gia tăng cao; tăng cường phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị gắn với hoạt động liên kết trong sản xuất và tiêu thụ.
Ưu tiên kêu gọi đầu tư tham gia liên kết mở rộng sản xuất, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, đầu tư dây chuyền công nghệ phục vụ chế biến các sản phẩm nông nghiệp nhằm gia tăng giá trị và tạo được thương hiệu riêng cho nông sản tỉnh Long An.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung chuyển đổi, đẩy mạnh hình thức quảng bá thu hút đầu tư từ trực tiếp sang trực tuyến; tiếp tục đẩy mạnh thu hút làn sóng đầu tư từ các thị trường đầu tư truyền thống và tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ, Australia...; có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp bị đứt gãy chuỗi cung ứng đầu vào và lao động; đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, vừa kích thích tổng cầu trong ngắn hạn, vừa tạo ra năng lực cho nền kinh tế nhằm tăng trưởng trong dài hạn; thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng, hỗ trợ Long An xây dựng một nền kinh tế có tính thích nghi cao, có sức chống chịu tốt trong một thế giới diễn biến phức tạp, khó lường.
Đồng thời, duy trì việc cải thiện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tồn đọng về đầu tư của tỉnh.
Tích cực hỗ trợ nhà đầu tư hiện hữu, tạo niềm tin của nhà đầu tư vào chính sách đầu tư của tỉnh qua đó tranh thủ mời gọi các nhà đầu tư mới, các nhà đầu tư chiến lược.
Quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc thu hút các dự án đầu tư mới, không cấp phép các dự án đầu tư sử dụng hoặc đưa vào công nghệ, thiết bị lạc hậu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc làm giảm tính cạnh tranh, làm chậm tốc độ phát triển và hội nhập của nền kinh tế của tỉnh.
Long An hiện là địa phương đứng thứ 13 trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và luôn dẫn đầu các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đến nay, toàn tỉnh có hơn 15.000 doanh nghiệp trong nước đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký hơn 364.000 tỷ đồng; có gần 1.200 dự án FDI với tổng số vốn hơn 10 tỷ USD, trong đó có 588 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư hơn 3,6 tỷ USD./.