Long An: Phát triển hình thành 10 trung tâm logistics

Vừa qua, UBND tỉnh Long An ban hành Kế hoạch phát triển trung tâm logistics trên địa bàn tỉnh. Trong quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Long An xem logistics là ngành kinh tế quan trọng. Mục tiêu của tỉnh là trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho bãi kết nối các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ.

Cảng quốc tế Long An. (Ảnh: Dongtam Group)

Cảng quốc tế Long An. (Ảnh: Dongtam Group)

Theo Sở Công Thương, kim ngạch xuất nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2024 tích cực, ước đạt hơn 7,1 tỷ USD. Xuất khẩu ước đạt hơn 4,3 tỷ USD, tăng 14,33% so cùng kỳ. Nhập khẩu ước đạt gần 2,8 tỷ USD, tăng 15,88%. Tỉnh có trên 900 doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Hàng hóa đưa đến hơn 130 quốc gia và vùng, lãnh thổ trên thế giới.

Hạ tầng logistics đồng bộ cũng tạo sức hút, giúp đón vốn FDI. Từ đầu năm, địa phương cấp mới 65 dự án FDI, vốn hơn 347 triệu USD. Lũy kế, tỉnh có hơn 1.300 dự án FDI với tổng mức đầu tư hơn 11,3 tỷ USD. Về đầu tư trong nước, hơn 1.500 doanh nghiệp đăng ký mở mới từ đầu năm với tổng vốn hơn 13.700 tỷ đồng. Đến nay, Long An có tổng cộng 18.600 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, với tổng vốn đăng ký 385.140 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, giai đoạn từ nay đến hết năm 2025, tập trung kêu gọi đầu tư, thu hút đầu tư các dự án logictics tại địa bàn các huyện: Bến Lức (50ha, xã Lương Hòa), Cần Giuộc (71,2ha, xã Phước Vĩnh Đông), Châu Thành (giai đoạn 1 25,07ha, xã Hiệp Thạnh) và Cần Đước (giai đoạn 1 75ha, xã Phước Tuy).

Giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030, kêu gọi đầu tư, thu hút đầu tư các dự án logictics còn lại tại địa bàn các huyện và thị xã: Bến Lức (10ha phần còn lại của xã Thạnh lợi), Bến Lức (10ha, xã Thanh Phú), thị xã Kiến Tường (10ha), Đức Huệ (10ha, xã Mỹ Quý Tây) và Tân Trụ (130,4ha, xã Nhựt Ninh và xã Đức Tân). Giai đoạn từ năm 2030 đến năm 2050, tập trung rà soát, định hướng phát triển hạ tầng logistics đảm bảo phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đúng theo quy định pháp luật.

Đối với từng dự án logistics của từng địa phương, UBND các huyện, thị xã, thành phố có dự án logistics tập trung rà soát bổ sung chỉ tiêu và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, cập nhật kế hoạch sử dụng đất, đề xuất phương án tái định cư và phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tập trung thu hút đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật. Các Sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố tham mưu hoạch định và thực thi chính sách phát triển logistics một cách đồng bộ, hiệu quả.

Khu tiếp nhận kho vận – logistics tại Cảng quốc tế Long An.

Khu tiếp nhận kho vận – logistics tại Cảng quốc tế Long An.

UBND tỉnh yêu cầu việc triển khai kế hoạch bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ của Quyết định số 686/QĐ-TTg ngày 13/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thực hiện có hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ phù hợp với điều kiện, nguồn lực của tỉnh để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu đề ra đến năm 2030, tỉnh Long An là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam; trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long; kết nối chặt chẽ với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ; đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia.

Hình thành được các hành lang kinh tế, vùng, trung tâm phát triển và đô thị động lực; thích ứng với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 9%/năm. Đến năm 2050, Long An là tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long, có trình độ phát triển tương đương các tỉnh phát triển khác của vùng Đông Nam bộ.

Về hạ tầng, tỉnh tiếp tục nâng cấp, cải tạo 5 tuyến vận tải đường thủy gồm tuyến Tân Tập (cảng biển Long An) - Bến Lức - Đức Hòa; tuyến Tân Tập (cảng biển Long An) - Bến Lức - Mộc Hóa; tuyến Tân Tập (cảng biển Long An) - Tân An - Đức Hòa; tuyến Tân Tập (cảng biển Long An) - Tân An - Mộc Hóa; tuyến Phước Đông - Tân Kim và 11 tuyến nhánh cũng như quy hoạch xây dựng hệ thống cảng hàng hóa, cảng chuyên dùng và cảng bến khách đồng bộ, hiện đại phục vụ tối đa cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là dịch vụ logistics.

Trong định hướng phát triển dịch vụ logistics, tỉnh quy hoạch hệ thống các cảng cạn và trung tâm logistics. Hình thành 10 trung tâm logistics tại các huyện: Cần Giuộc, Bến Lức, Châu Thành, Cần Đước, Đức Huệ, Tân Trụ và thị xã Kiến Tường cũng như nghiên cứu xây dựng trung tâm logistics tại huyện Đức Hòa để đẩy mạnh giao lưu kinh tế giữa tỉnh và các tỉnh trong Vùng Đông Nam bộ, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nhờ lợi thế về logistics, Long An đã trở thành địa phương có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa lớn trong khu vực.

Giang Sơn - Phạm Hổ

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/long-an-phat-trien-hinh-thanh-10-trung-tam-logistics-391016.html