Long An: 'Siết' 58 dự án chậm triển khai, vi phạm đất đai kéo dài
58 dự án với tổng diện tích lên gần 3.000 ha ở Long An chậm triển khai, vi phạm đất đai kéo dài gây lãng phí đang được đẩy mạnh xử lý.
Tỉnh Long An hiện đang tồn tại hơn 150 dự án vốn đầu tư ngoài ngân sách trong đó 58 dự án bị phát hiện có sử dụng đất nhà nước chậm triển khai thực hiện; sử dụng đất sai mục đích và mở rộng diện tích nhưng chưa hoàn thành thủ tục pháp lý đã kéo dài rất nhiều năm làm lãng phí tài nguyên đất trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để xử lý các dứt điểm các dự án này, Đoàn Giám sát Ban Pháp chế Hội đồng nhân tỉnh Long An đã khảo sát thực tế tại các địa phương và tổ chức nhiều cuộc đối thoại với các Sở, ngành và các địa phương tìm giải pháp tháo gỡ.
Điểm mặt những dự án gây lãng phí
Một trong những trường hợp điển hình là dự án trồng dược liệu của ông Nguyễn Hồng Quang tại xã Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa, với diện tích 4,4 ha. Dự án này chưa hề được giải quyết thủ tục đất đai, chủ đầu tư cũng đã bị xử phạt vi phạm hành chính. Thế nhưng đến nay, các bước xử lý vẫn dậm chân tại chỗ.

Dự án dự án bãi đúc cọc và nhà kho chứa cấu kiện bê tông đúc sẵn của ông Lâm Tấn Kiệt, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước. Ảnh: HUỲNH DU
Tương tự, dự án bãi đúc cọc và kho chứa bê tông đúc sẵn của ông Lâm Tấn Kiệt tại xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước cũng chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư, chưa thực hiện thủ tục đất đai nhưng đã bị lập biên bản vi phạm. UBND huyện đã ra quyết định xử phạt, yêu cầu khôi phục hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên, nếu chủ đầu tư tiếp tục chây ì, việc thu hồi đất sẽ được tiến hành theo quy định.
Một trường hợp kéo dài hơn 15 năm là dự án Trung tâm chợ rau quả và thương mại dịch vụ Long An tại xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, với diện tích 11,4 ha. Được UBND tỉnh cho thuê đất từ năm 2009, dự án đã bị trì trệ do tranh chấp nội bộ giữa các đối tác. Mãi đến năm 2020 mới hoàn tất thi hành án, nhưng khi vừa có điều kiện triển khai thì vị trí này lại được điều chỉnh quy hoạch sang mục tiêu dân cư và thương mại, dẫn đến chủ đầu tư không thể tiếp tục thực hiện dự án như ban đầu.

Dự án Trung tâm chợ rau quả và thương mại dịch vụ Long An hơn 15 năm vẫn "trùm mền". Ảnh:HD
Đáng chú ý, Công ty TNHH Thịnh Vượng (xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa) được giao 14,76 ha đất từ năm 2004 nhưng đến nay chỉ sử dụng 2,37 ha, phần còn lại bị bỏ hoang.
Tại huyện Bến Lức, Công ty TNHH Vina Chung Shing Textile được giao 30 ha đất từ năm 1995 để xây dựng nhà máy kéo sợi, dệt và may mặc. Đến nay, doanh nghiệp mới sử dụng 7,5 ha và đang trong quá trình lập hồ sơ gia hạn quyền sử dụng đất khi thời hạn đã hết vào cuối năm 2024.
Không dừng lại ở đó, dự án cụm công nghiệp thực phẩm Vissan với diện tích 22,4 ha được giao từ năm 2005 cũng chưa triển khai bất kỳ hạng mục nào. Dự án của Công ty TNHH Phượng Hùng Phát tại thành phố Tân An thì sử dụng đất sai mục đích khi cho thuê lại nhà xưởng, nhà kho và đã bị xử phạt hành chính về môi trường.
Mạnh tay xử lý vi phạm
Trong những năm gần đây, tỉnh Long An đẩy mạnh kiểm tra, giám sát các dự án có sử dụng đất ngoài ngân sách nhằm siết chặt kỷ cương quản lý đất đai.
Tuy nhiên, kết quả thực tế cho thấy nhiều dự án dù đã bị phát hiện vi phạm nhưng vẫn tồn tại dai dẳng, kéo dài hàng chục năm, ảnh hưởng lớn đến quy hoạch phát triển và lòng tin người dân.

Đoàn Giám sát Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát dự án chậm triển khai trên địa bàn huyện Bến Lức. Ảnh: VH
Để xử lý các dứt điểm các dự án này, từ tháng 4 đến đầu tháng 5, Đoàn Giám sát Ban Pháp chế HĐND tỉnh Long An đã khảo sát thực tế tại các địa phương và tổ chức nhiều cuộc đối thoại với các Sở, ngành và các địa phương tìm giải pháp tháo gỡ.
Theo ông Võ Minh Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi Trường tỉnh Long An thời gian tới, Sở đề xuất nhiều giải pháp như: tăng cường thanh tra, kiểm tra định kỳ, ràng buộc trách nhiệm chính quyền địa phương khi tiếp nhận dự án...
“Đối với các dự án có thể tiếp tục triển khai, Sở sẽ hướng dẫn hoàn thiện thủ tục đất đai, tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai đúng tiến độ. Ngược lại, với các trường hợp không chấp hành quy định, cố tình trì hoãn, Sở sẽ đề xuất UBND tỉnh thu hồi đất, đưa vào đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mới phù hợp quy hoạch”, ông Thành nói.
Theo ông Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, việc sắp xếp lại các dự án sản xuất ngoài khu, cụm công nghiệp là nhiệm vụ cấp thiết nhằm từng bước tái cấu trúc không gian công nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và bảo vệ môi trường theo định hướng Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ông Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cam kết thực hiện các giải pháp bảo đảm việc chấp hành pháp luật đối với các dự án đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: KĐ
Trong đó, UBND tỉnh cũng định hướng từng bước hạn chế, tiến tới chấm dứt tiếp nhận các dự án sản xuất công nghiệp nhỏ, lẻ ngoài khu, cụm công nghiệp trừ một số ngành nghề đặc thù thực sự phù hợp với điều kiện địa phương.
"Với định hướng sắp xếp lại các dự án sản xuất ngoài khu, cụm công nghiệp sẽ từng bước thực hiện tái cấu trúc không gian phát triển công nghiệp, nâng cao chất lượng tăng trưởng, bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn, an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh”, ông Huỳnh Văn Sơn nói.
Với động thái mạnh tay từ các cơ quan chức năng, Long An đang từng bước lập lại trật tự trong quản lý đất đai hướng tới phát triển bền vững và trách nhiệm.
Trong giai đoạn 2020–2024, Sở Nông nghiệp và Môi Trường tỉnh Long An đã tiến hành 179 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 179 doanh nghiệp có sử dụng đất thực hiện các dự án ngoài ngân sách.
Qua kiểm tra phát hiện có 58 dự án với diện tích 2.962,76 ha đã được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách chậm đưa đất vào sử dụng, vi phạm quy định.
Từ kết quả xử lý, số tiền thu nộp vào ngân sách nhà nước lên đến 50,159 tỉ đồng. Trong đó, 7 dự án với tổng diện tích 1.394,48 ha đang trong quá trình bị thu hồi theo đúng quy định pháp luật.