Long An: Số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài còn khiêm tốn
Sáng 02/11, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Long An giám sát chuyên đề 'Thực hiện chính sách, pháp luật về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng' tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
Qua gần 2 năm triển khai Đề án Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tỉnh Long An, giai đoạn 2020 – 2025, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ Việc làm Long An phối hợp các doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tổ chức tư vấn, tuyên truyền về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được 75 cuộc, có 10.409 người dự.
Sở đã phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Long An trong việc hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục vay vốn đi làm việc ở nước ngoài; triển khai các nội dung liên quan chính sách hỗ trợ vay vốn cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài; tư vấn trực tiếp cho người lao động tại các buổi hội thảo, hội nghị,...
Từ ngày 01/01/2020 đến ngày 30/9/2021, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Long An tiếp nhận và giải ngân vốn cho 10 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài với tổng số tiền là 807 triệu đồng.
Thời gian qua, toàn tỉnh có 417 người lao động đi làm việc ở nước ngoài (tính đến ngày 20/10/2021), trong đó, thị trường Nhật là 376 lao động, thị trường Đài Loan 38 lao động, các nước khác là 3 lao động.
Như vậy, chỉ tiêu đưa lao động của tỉnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài chưa đạt kế hoạch đề ra. Số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài còn khiêm tốn so với tiềm năng của lực lượng lao động và nhu cầu đi làm việc nước ngoài tại địa phương.
Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, trình độ tay nghề, ngoại ngữ của người lao động còn thấp, khó tham gia vào thị trường lao động có yêu cầu cao. Hình thức đi làm việc nước ngoài chưa đa dạng, chủ yếu là do các doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thực hiện, thông qua việc trực tiếp ký hợp đồng với người lao động.
Tại cuộc giám sát, Phó Giám đốc Công ty TNHH ESUHAI (đơn vị có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài) - Nguyễn Xuân Lanh, đề xuất mô hình gắn kết mang tính đồng bộ, lâu dài, đó là tiếp cận sớm với đối tượng học sinh THPT, sau khi tốt nghiệp lớp 12 để các em vào học tiếng Nhật, học nghề khoảng 3 năm tại Trường Cao đẳng Long An.
Khi có bằng, các em sẽ được đi thực tập tại các công ty trong nước khoảng 3 tháng để làm quen với môi trường làm việc; kết nối đưa các em chính thức đi làm việc tại Nhật Bản để tiếp cận với khoa học, kỹ thuật, tác phong công nghiệp.
“Khi các em có nhu cầu về nước làm việc thì sẵn sàng hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi. Với cách làm này, sẽ tạo ra đội ngũ lao động có tay nghề cao, kinh nghiệm sâu, tác phong chuẩn công nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển của xã hội” – ông Nguyễn Xuân Lanh nói.
Qua kết quả giám sát, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, các trường nghề, Trung tâm Dịch vụ Việc làm phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội và địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu, rộng, phong phú, đa dạng để người lao động, nhất là thanh niên nắm được đầy đủ thông tin về đề án, từ đó mạnh dạng đăng ký tham gia đi làm việc ở nước ngoài.
Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong quản lý lao động, việc làm để chia sẻ thông tin, kết nối giữa cơ quan nhà nước, nhà tuyển dụng và người có nhu cầu đi làm việc; tìm hiểu, dự báo chính xác nhu cầu thị trường lao động, nhất là lao động nước ngoài để gắn kết với các chương trình, kế hoạch đào tạo nguồn lao động tại địa phương;...Kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung đề án và đưa ra các định hướng mới phù hợp với nhu cầu thị trường và thực tiễn lao động trong bối cảnh hiện nay./.