Long An: Tập trung thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới
Ngày 10.3, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Mai Văn Nhiều và Đoàn công tác của HĐND tỉnh đến khảo sát, làm việc tại thị xã Kiến Tường và huyện Vĩnh Hưng về việc thực hiện công tác cải cách giáo dục.
Theo báo cáo của UBND thị xã Kiến Tường, việc đầu tư cho giáo dục luôn được địa phương đặc biệt quan tâm. Đến nay, đã có 18/22 (chiếm 81,8%) trường đạt chuẩn quốc gia; 100% các trường mầm non, tiểu học, THCS có máy tính, máy chiếu phục vụ quản lý và giảng dạy tin học; 14/14 trường tiểu học, THCS đều được trang bị bảng tương tác và ti vi thông minh để dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Chất lượng giáo dục các cấp học ngày càng được nâng cao. Qua 5 năm 2016-2021, chất lượng giáo dục của các trường cấp tiểu học luôn đạt chỉ tiêu đề ra và giữ vững ở mức cao (đạt trên 99,60%). Năm học 2020-2021, cấp THCS có tỷ học sinh giỏi khá cao, đạt 42,27% và tốt nghiệp đạt 100%. Thị xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, xóa mù chữ đạt mức 2, phổ cập giáo dục tiểu học và THCS đạt mức 3.
Đối với huyện Vĩnh Hưng, hiện có 17/22 (chiếm 77,27%) trường đạt chuẩn quốc gia. Giai đoạn 2016-2021, cấp mần non và tiểu học hoàn thành chương trình đạt 100%; năm 2021, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt 96,6%. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, huyện đã mở 18 lớp với 376 học viên là trẻ di cư tự do từ nước bạn Vương quốc Campuchia về sinh sống trên địa bàn tham gia các lớp xóa mù chữ từ lớp 1 đến lớp 5.
Khó khăn hiện nay của các địa phương là việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực giáo dục còn hạn chế; công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS chưa đạt hiệu quả toàn diện; vẫn còn tình trạng thiếu về số lượng, cơ cấu giáo viên ở một số trường học, cấp học; việc dạy và học trực tuyến trong thời gian trước đây để phòng, chống dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn, bất tiện cho giáo viên, học sinh và cả phụ huynh.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Mai Văn Nhiều đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của các địa phương trong thực hiện công tác cải cách giáo dục thời gian qua. Đề nghị các địa phương và ngành giáo dục rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường lớp khoa học, lớp lý theo hướng giảm dần phân điểm phụ, tập trung nâng cao chất lượng điểm chính; có giải pháp căn cơ, lâu dài để giải quyết tình trạng thừa, thiếu về số lượng, cơ cấu giáo viên; thực hiện tốt quy trình xử lý F0 trong trường học để bảo đảm thật sự an toàn cho giáo viên và học sinh khi đến lớp.
Đồng thời, tạo điều kiện tốt nhất để các giáo viên cấp mầm non và tiểu học học nâng cao trình độ đạt chuẩn theo quy định mới hiện nay; đẩy mạnh việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS theo hướng vừa kết hợp dạy văn hóa, vừa dạy nghề phù hợp nhu cầu xã hội; quan tâm động viên, hỗ trợ kịp thời để học sinh, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, khó khăn, biên giới được đến trường đầy đủ, không bỏ học. Tập trung đầu tư, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo theo Chương trình giáo dục phổ thông mới đúng với tinh thần xem phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu.
Trước đó, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã khảo sát thực tế, làm việc với Ban Giám hiệu một số Trường Tiểu học và Trường THPT trên địa bàn hai địa phương. Ghi nhận các khó khăn cụ thể của đơn vị về việc đầu tư cơ sở vật chất, nhà công vụ; việc điều chỉnh Nghị quyết của HĐND tỉnh về mức thu học phí bán trú 2 buổi/ ngày đối với cấp tiểu học vùng biên giới, khó khăn; việc đào tạo, bồi dưỡng trình độ đạt chuẩn cho giáo viên và chế độ, chính sách thu hút, giữ chân đội ngũ giáo viên; tình trạng thiếu biên chế giáo viên, nhân viên y tế học đường, thư viện, văn thư… để xem xét, trình HĐND tỉnh và kiến nghị UBND tỉnh giải quyết theo thẩm quyền.