Long An: Thực hiện các giải pháp chủ động phòng, chống lũ lên nhanh kết hợp triều cường rằm tháng 9 Âm lịch

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh vừa có văn bản yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thị xã, thành phố chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống lũ lên nhanh kết hợp triều cường rằm tháng 9 Âm lịch.

Kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh

Kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh

Theo bản tin số 21-SLA, ngày 10/10/2022 của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Long An về việc cảnh báo triều cường các huyện vùng hạ của tỉnh, đến 7 giờ ngày 10/10/2022, mực nước cao nhất ngày lúc 3 giờ 30 phút tại trạm Tân An trên sông Vàm Cỏ Tây là 1,57m (thấp hơn báo động III là 0,03m); lúc 4 giờ tại trạm Bến Lức trên sông Vàm Cỏ Đông là 1,58m (cao hơn báo động II là 0,08m).

Đỉnh triều đợt này có khả năng xuất hiện vào ngày 13 - 14/10 (nhằm ngày 18 - 19 tháng 9 Âm lịch) và có thể lên mức như sau: Trạm Tân An có khả năng lên mức 1,65 - 1,70m (Cao hơn báo động III là 0,05 - 0,10m); Trạm Bến Lức có khả năng lên mức 1,60 - 1,65m (Cao hơn báo động III là 0,10 - 0,15m).

Đây là thời gian lũ bắt đầu đạt đỉnh kết hợp với đợt triều cường cao xuất hiện trong năm, do đó nhiều khả năng sẽ gây ngập úng cục bộ ở các vùng trũng thấp, ven sông của tỉnh.

Để chủ động phòng, chống, ứng phó với các tình huống bất lợi có thể xảy ra do tác động của lũ tràn về kết hợp mưa to, triều cường rằm tháng 9 Âm lịch, Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh) yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thị xã Kiến Tường và TP.Tân An tăng cường theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng, thủy văn về diễn biến thông tin dự báo lũ đầu nguồn sông Cửu Long, lũ nội đồng và triều cường thông qua bản tin của các cơ quan chuyên môn trên các website của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (https://www.nchmf.gov.vn/kttv); Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ (http://kttv-nb.org.vn); Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (http://www.siwrr.org.vn); Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Long An (http://pctt.longan.gov.vn; https://www.facebook.com/ThongtinPCTTLongAn) nhằm kịp thời thông tin đến các cấp chính quyền và người dân chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống, ứng phó, phù hợp với tình hình của địa phương.

Đối với các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa và thị xã Kiến Tường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức khẩn trương kiểm tra, rà soát, xác định cụ thể vị trí các tuyến đê bao, bờ bao xung yếu, các trạm bơm tiêu úng để có kế hoạch tu bổ, sửa chữa, gia cố, tôn cao kịp thời đảm bảo an toàn phòng, chống ngập lũ và tiêu úng cho khu vực; đồng thời, rà soát, hướng dẫn người dân thực hiện và tuân thủ theo lịch gieo sạ của tỉnh, khuyến khích người dân không nên gieo sạ tại những vùng trũng thấp, khu vực chưa có đê bao, bờ bao bảo vệ.

Đối với các huyện: Đức Huệ, Đức Hòa, Bến Lức, Thủ Thừa tổ chức rà soát, khoanh vùng diện tích sản xuất vùng chanh, cây ăn trái, cây trồng có giá trị kinh tế cao,… thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát và khẩn trương xử lý, gia cố, tôn cao các tuyến đê bao, bờ bao xung yếu, đảm bảo chống lũ cộng hưởng với triều cường dâng cao, đồng thời Hồ Dầu Tiếng xả lũ.

Đối với các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Châu Thành và TP.Tân An tăng cường huy động các lực lượng PCTT cấp xã; vận động các hộ dân nuôi trồng thủy sản cùng tuần tra, kiểm tra, rà soát phát hiện sớm các khu vực xung yếu, có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, sạt lở để kịp thời gia cố, tôn cao các tuyến đê bao, bờ bao cao trình thấp không đảm bảo ngăn triều, không để xảy ra sự cố tràn đê, vỡ đê. Triển khai cắm các biển cảnh báo ngập sâu, sạt lở nguy hiểm và có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, ngập lụt tại các khu vực xung yếu, nhất là khu vực dân cư, khu vực ven sông, kênh, rạch đảm bảo an toàn các khu dân cư, khu đô thị ven sông. Có kế hoạch thường xuyên kiểm tra các cửa cống đầu mối, các trạm bơm tiêu chống ngập úng, phát hiện, xử lý ngay giờ đầu các hư hỏng, rò rỉ, vận hành hợp lý các cống đầu mối và tránh tình trạng ngập úng kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân.

Triển khai các giải pháp nhằm tuyệt đối đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân, các giải pháp phòng, chống điện giật, đuối nước cho trẻ em; sẵn sàng huy động, bố trí lực lượng xung kích trực canh theo dõi, kiểm tra, sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn tại các điểm xung yếu, đảm bảo theo phương châm "4 tại chỗ”; và vận động người dân di chuyển đến nơi an toàn, bố trí lực lượng phân luồng giao thông hợp lý tại các đoạn đường có khả năng bị ngập sâu, tránh tình trạng chủ quan, lơ là để không xảy ra thiệt hại đáng tiếc do ngập úng, sạt lở đất gây ra nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân.

Phối hợp các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về công tác PCTT và hướng dẫn người dân cách nhận biết và nắm rõ các biện pháp phòng tránh, ứng phó với các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn để có biện pháp chủ động phòng tránh hiệu quả.

Tổ chức trực ban nghiêm túc; thống kê, báo cáo sự cố, thiệt hại do ngập lũ, triều cường, mưa to,… (nếu có) về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh (qua Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh - Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi, email: vppcttla@longan.gov.vn hoặc điện thoại 02723.521.750) để tổng hợp báo cáo Trung ương, tỉnh theo dõi, chỉ đạo./.

Minh Tuệ

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/long-an-thuc-hien-cac-giai-phap-chu-dong-phong-chong-lu-len-nhanh-ket-hop-trieu-cuong-ram-thang-9--a142949.html