Long An triển khai quyết liệt trong sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy
Sáng 12/12, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An - Nguyễn Văn Được chủ trì Hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Kế hoạch của Ban Chỉ đạo tỉnh về định hướng đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị của tỉnh.
Nhiều kết quả nổi bật
Hội nghị đã được nghe Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy - Lê Thanh Nghiêm báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ theo chỉ đạo của Trung ương.
Hơn 7 năm qua, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung triển khai, quán triệt, cụ thể hóa, tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 18-NQ/TW. Sau sắp xếp đã giảm 123 đầu mối cấp tỉnh (giảm 10,8%); giảm 119 đầu mối cấp phòng và tương đương (giảm hơn 24%); giảm 3 cấp trưởng đơn vị cấp tỉnh, 73 trưởng phòng và tương đương, 186 phó trưởng phòng và tương đương (giảm 17,3%).
Các đơn vị hành chính cấp xã, ấp, khu phố đều được rà soát, sắp xếp lại. Theo đó, giảm 6 đơn vị hành chính cấp xã và 42 ấp, khu phố. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, đã sắp xếp giảm 124/813 đơn vị sự nghiệp công lập, đạt 15,25%; giảm 3.225 biên chế, đạt 10,91% so với năm 2015. Việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, giảm chi thường xuyên, góp phần phát triển KT-XH, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Định hướng sắp xếp, tinh gọn bộ máy
Trên tinh thần vừa khẩn trương, vừa thận trọng, Ban Chỉ đạo tỉnh đã rà soát, cân nhắc nội dung định hướng sắp xếp tổ chức bộ máy của tỉnh trình, thông qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy ngày 11/12/2024 về một số nội dung cụ thể để xây dựng Đề án. Tại hội nghị, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã báo cáo các nội dung định hướng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy tỉnh.
Đối với mô hình tổ chức Đảng, kết thúc hoạt động của 8 Đảng Đoàn (HĐND tỉnh, UBMTTQ Việt Nam tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh) và 3 Ban cán sự Đảng (UBND tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh); chuyển nhiệm vụ về Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy.
Kết thúc hoạt động của Đảng bộ khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh; thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc cấp ủy tỉnh gồm Đảng bộ Cơ quan Đảng, đoàn thể, HĐND, tư pháp tỉnh, dự kiến có 19 tổ chức cơ sở Đảng và Đảng bộ chính quyền tỉnh trực thuộc Tỉnh ủy, dự kiến có 40 tổ chức cơ sở Đảng.
Đối với khối các cơ quan Đảng, hợp nhất Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Dân vận Tỉnh ủy; đối với cấp ủy cấp huyện hợp nhất Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận và Trung tâm chính trị cấp huyện. Tiếp tục thực hiện mô hình Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm như hiện tại theo Hướng dẫn số 07-HD/BTCTW, ngày 20/8/2021 của Ban Tổ chức Trung ương về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Bảo vệ chăm sóc, sức khỏe cán bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đối với khối Chính quyền địa phương, cấp tỉnh sẽ hợp nhất Đài Phát thanh và Truyền hình Long An và Báo Long An thành Trung tâm Báo chí, Phát thanh và Truyền hình Long An. Hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính; tên gọi sau sắp xếp dự kiến là Sở Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Sở Kinh tế phát triển (tên gọi có thể thay đổi theo quy định của Trung ương).
Hợp nhất Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng; tên gọi sau sắp xếp dự kiến là Sở Phát triển hạ tầng hoặc Sở Giao thông và Xây dựng đô thị, nông thôn.
Hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tên gọi sau sắp xếp dự kiến là Sở Nông nghiệp, Tài nguyên và Môi trường.
Hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ; tên gọi sau sắp xếp dự kiến là Sở Khoa học, Công nghệ và Chuyển đổi số hoặc Sở Khoa học, Công nghệ, Chuyển đối số và Truyền thông.
Hợp nhất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ thành Sở Nội vụ và Lao động; chuyển chức năng về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp về Sở Giáo dục và Đào tạo; chuyển chức năng về lĩnh vực bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội về Sở Y tế.
Tổ chức lại các Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế trên cơ sở tiếp nhận các chức năng nhiệm vụ của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.
Chuyển chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác dân tộc từ Văn phòng UBND tỉnh về Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ; đổi tên thành Ban Tôn giáo - Dân tộc thuộc Sở Nội vụ.
Từng cơ quan, đơn vị, hoàn thành phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy chậm nhất ngày 20/12/2024.
Đối với cấp huyện, hợp nhất Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội và Phòng Nội vụ thành Phòng Nội vụ và Lao động, chuyển chức năng về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp về Phòng Giáo dục và Đào tạo; chuyển chức năng về lĩnh vực bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội về Phòng Y tế.
Hợp nhất Phòng Tài nguyên và Môi trường và Phòng Kinh tế (ở thị xã Kiến Tường, TP.Tân An); tên gọi sau sắp xếp dự kiến là Phòng Kinh tế và Tài nguyên, môi trường; thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường và Phòng Kinh tế.
Hợp nhất Phòng Tài nguyên và Môi trường và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (ở huyện); tên gọi sau sắp xếp dự kiến là Phòng Nông nghiệp, Tài nguyên và Môi trường; thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đồng thời, nghiên cứu điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của Phòng Quản lý đô thị, Phòng Kế hoạch và Tài chính thuộc UBND thị xã, thành phố và Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Phòng Kế hoạch và Tài chính và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND huyện (Trung tâm Văn hóa Thông tin và truyền thanh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp) cho phù hợp mô hình hoạt động của tỉnh. Tiếp nhận các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc Đảng ủy khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh là các doanh nghiệp có trụ sở chính trên địa bàn.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, các cơ quan, đơn vị còn lại, nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập, giải thể, chuyển đổi loại hình hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng có lộ trình tự chủ (đến năm 2025 giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập, có tối thiểu 20% đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính), giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước (đến năm 2025, giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước) nhằm nâng cao hiệu quả cung ứng các dịch vụ công của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Đồng thời, thành lập Ban Quản lý dự án tỉnh trực thuộc UBND tỉnh (trên cơ sở sáp nhập Ban Quản lý dự án nông nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý dự án công trình giao thông thuộc Sở Giao thông vận tải vào Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh).
Rà soát, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Tỉnh Đoàn (Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu niên, Nhà Thiếu nhi tỉnh) và Hội Nông dân tỉnh (Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh) bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả hoạt động không trùng lắp chức năng, nhiệm vụ với các đơn vị khác.
Công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy được định hướng gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ mới. Thời gian hoàn thành đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của tỉnh và báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương trước 15/01/2025.
“Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”
Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị của tỉnh là nhiệm vụ quan trọng. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được yêu cầu, từng cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu phải thông suốt tư tưởng, thể hiện quyết tâm chính trị cao nhất, hành động quyết liệt đúng theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư - Tô Lâm: “Tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là vấn đề rất cấp bách, bắt buộc phải làm, càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước”; “bỏ lỡ thời cơ, là có lỗi với nhân dân”.
Ông Nguyễn Văn Được nhấn mạnh, về quan điểm "Tư tưởng phải thông suốt - Quyết tâm chính trị phải cao nhất - Hành động phải thật sự quyết liệt". Quá trình thực hiện phải giữ vững, phát huy tinh thần: "Đoàn kết - ổn định và phát triển". Việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy phải được triển khai theo hướng “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”. Do đó, cần thực hiện khẩn trương “địa phương không chờ Trung ương, huyện không chờ tỉnh” nhưng phải thận trọng, chắc chắn, bảo đảm nguyên tắc “Người đi theo việc, một việc chỉ một cơ quan làm và chịu trách nhiệm”.
Ông Nguyễn Văn Được cũng quán triệt, đây là chủ trương lớn, trúng và đúng của Trung ương Đảng. Quá trình thực hiện sẽ ảnh hưởng đến lợi ích, tâm tư, tình cảm, khó làm nhưng không thể không làm, không thể muộn hơn được nữa. Từng cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương rà soát chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy; đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới để đề xuất phương án sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong phạm vi lãnh đạo quản lý và thực hiện tinh giản biên chế để bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy, phù hợp với tình hình, đặc điểm của cơ quan, đơn vị.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy chủ trương tạm dừng việc tuyển dụng, tiếp nhận công chức cấp tỉnh, cấp huyện; tạm dừng bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử giữ chức vụ cao hơn hoặc cho chủ trương kiện toàn các chức danh lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc diện dự kiến phải sắp xếp, tinh gọn.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được yêu cầu, việc triển khai sắp sếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ phải gắn với bảo đảm thực hiện tốt đồng thời cả 2 nhiệm vụ quan trọng là: Tăng tốc, bứt phá thực hiện các nhiệm vụ KT-XH năm 2025, góp phần “về đích” thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp trong tỉnh tiến tới Đại hội XIV của Đảng.
Đồng thời, ông yêu cầu bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay; không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân./.