Long An và ngành Công Thương phía Nam: Tìm phương án 'giải cứu' thanh long
Diễn biến phức tạp của dịch bệnh do chủng mới virus corona đang xảy ra ở Trung Quốc đã ảnh hưởng đến việc thu mua thanh long của tỉnh Long An nói riêng và các tỉnh trồng thanh long xuất khẩu nói chung. Theo lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh thành phía Nam, giải pháp trước mắt để giải cứu tiêu thụ thanh long hiện nay là cần kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị Sở Công Thương các tỉnh và TP. Hồ Chí Minh tìm giải pháp tiêu thụ thanh long tỉnh Long An, tổ chức tại Long An ngày 5/2.
Tỉnh Long An hiện có 11.836ha thanh long, đạt 110% kế hoạch (10.800ha), bằng 105% so cùng kỳ năm 2019, trong đó, diện tích cho trái khoảng 10.281ha, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành, Tân Trụ. Hiện tình hình tiêu thụ thanh long gặp nhiều khó khăn, phần lớn các cơ sở thu gom, kho thanh long trên địa bàn tỉnh không thu mua thanh long hoặc thu mua với giá thấp.
Ông Lê Minh Đức - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An – cho biết: Do tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc nên một số khách hàng Trung Quốc đã hủy đơn hàng mua thanh long ruột đỏ của Hiệp hội Thanh long Long An. Hiện thanh long đang vào đợt thu hoạch, khoảng 20.000 tấn, cộng với lượng tồn kho không mua vào, giá thanh long thấp (các kho phát giá 4.000-5.000 đồng/kg), nhà vườn gặp khó khăn.
Hiện Trung Quốc đóng giao dịch tại các cửa khẩu biên giới nên tình hình tiêu thụ thanh long của Long An và các tỉnh rất khó khăn. Nhằm hỗ trợ kết nối tiêu thụ thanh long của tỉnh, Sở Công Thương Long An kiến nghị Bộ Công Thương hỗ trợ giới thiệu, kết nối các doanh nghiệp tiêu thụ thanh long của tỉnh Long An nói riêng và các tỉnh có thanh long nói chung.
Ông Nguyễn Quốc Trịnh - Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An cho biết: Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông sản chủ yếu ở Long An với khoảng 80% thanh long đều xuất ở thị trường này, chính vì vậy, hiện nay thị trường Trung Quốc đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh một số khách hàng đã hủy các đơn hàng thu mua thanh long đối với các kho là thành viên của Hiệp hội thanh long, ước tính là 500 container với giá giao động từ 40.000 - 50.000 nghìn đồng/kg từ thời gian 27/1/2020 đến 31/1/2020.
Theo ông Trịnh, hiện nay, hàng đang vào thu hoạch ước tính toàn tỉnh là 3.000 tấn và dự tính thanh long tới đợt thu hoạch vào tháng 2 là khoảng 20.000 tấn. Hiệp hội cũng đã có cuộc họp với các nhà kho và thống nhất giảm giá thu mua xuống mức 10.0000 nghìn đồng/kg nhằm giảm thiệt hại thấp nhất cho nhà kho, thương lái và nhà vườn. Tuy nhiên, do lượng hàng tồn kho và lượng thu hoạch khá nhiều các kho không thể dự trữ nên một số nhà kho phải đóng cửa không thu mua, dẫn đến thanh long ở một số vườn trái vẫn treo trên cây, gây thiệt hại cho nhà vườn.
Để có những giải pháp tiêu thụ thanh long tại tỉnh Long An và các tỉnh ĐBSCL, ông Nguyễn Minh Toại - Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ - cho rằng: Các đơn vị có điều kiện thu mua trên địa bàn các tỉnh trong khu vực cần điều phối các cơ sở có điều kiện thương mại giúp bà con thu mua tiêu thụ thanh long. Các Sở Công Thương các tỉnh thành trong khu vực cần vận động hỗ trợ, liên kết các DN địa phương để thu mua tiêu thụ thanh long của tỉnh Long An và các tỉnh thành có trồng thanh long nói chung. Riêng Sở Công Thương Cần Thơ sẽ kết nối, giới thiệu một số DN thu mua ở thành phố đến thu mua thanh long ở Long An về tiêu thụ ở địa phương.
Ông Toại đề nghị, Long An cần tính toán lại chuỗi tiêu thụ nông sản, xây dựng chuỗi nông sản bền vững, đẩy mạnh sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap để nâng cao chất lượng cũng như tiêu chuẩn nông sản nói chung và thanh long nói riêng. Ngoài ra tỉnh cũng cần chỉ đạo hỗ trợ một nguồn kinh phí cho bà con nông dân làm chương trình VietGap, GlobalGap giúp nông sản nói chung và thanh long nói riêng đáp ứng nhu cầu tiêu chuẩn từ các nhà thu mua.
Đại diện Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang cho rằng, để giải cứu thanh long, các ngành Công Thương cần tập trung vào thị trường nội địa, liên kết các Sở Công Thương, liệt kê địa chỉ mua hàng, tập kết thu mua thanh long, kết nối doanh nghiệp kho bãi tiêu thụ thị trường nội địa.
“Chúng ta cần tự lực cánh sinh là chính, trước mắt là hỗ trợ tiêu thụ thanh long trong tỉnh tại các hệ thống như Big C, Coop mart, Bách hóa xanh… Đưa sản phẩm thanh long xuống các xã nông thôn, các khu công nghiệp, để thiêu thụ. Ngoài ra, chúng ta cần nghiên cứu hỗ trợ phí vận chuyển, chí phí lưu kho, gửi hàng để giúp DN và nông dân đỡ thiệt hại hơn” - đại diện Sở Công thương Tiền Giang nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh – cho rằng: Long An cần phải nâng cao chất lượng thanh long, giảm số lượng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, có thể từ 75% xuống còn 50 ; 40% để chúng ta không phụ thuộc vào thị trường này mà có thể xuất khẩu qua thị trường khác. Thời gian tới, TP. Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ kết nối các DN xuất khẩu thanh long để thu mua tiêu thụ sản phẩm thanh long của tỉnh Long An và các tỉnh trồng thanh nói chung.