Long Biên: Triển khai mô hình 'Chợ an toàn' phòng, chống dịch bệnh lây lan
Đi chợ là một hoạt động thiết yếu của đời sống dân sinh. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, việc đi chợ có nguy cơ cao lây lan dịch bệnh. Chính vì vậy, tại nhiều phường trên địa bàn quận Long Biên, mô hình 'Chợ an toàn' là một trong những biện pháp hữu hiệu góp phần ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh
Hiện trên địa bàn quận có 25 chợ truyền thống đang hoạt động, 4 Trung tâm Thương mại và 4 điểm bán hàng lưu động bán các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân (Đức Giang, Thượng Thanh, Gia Thụy và Ngọc Thụy). Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, các chợ, Trung tâm thương mại và 4 điểm bán hàng lưu động đều thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Theo Phó trưởng phòng Kinh tế quận Nguyễn Ngọc Vĩnh: “Với phương châm chống dịch như chống giặc, phòng Kinh tế đã tham mưu UBND quận ban hành nhiều văn bản chỉ đạo trong đó yêu cầu 100% các chợ xây dựng Phương án phòng, chống dịch Covid-19 trình UBND phường phê duyệt triển khai thực hiện. Đồng thời thành lập nhiều đoàn kiểm tra, giám sát hoạt động chợ dân sinh nhằm kịp thời phát hiện những khó khăn, bất cập từ đó điều chỉnh, bổ sung các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả”.
Chính quyền 14 phường trên địa bàn cũng đã chủ động, phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 được triển khai hiệu quả tại các chợ. Căn cứ chỉ đạo của các cấp về phòng, chống dịch Covid-19, các phường đã tập trung thực hiện một số giải pháp. Tập trung tuyên truyền về diễn biến tình hình dịch, về các quy định thực hiện giãn cách nói chung và các quy định tại các chợ nói riêng; duy trì hường xuyên kiểm tra việc thực hiện của các đơn vị. Đồng thời bố trí các lực lượng công an, dân phòng, bảo vệ dân phố phối hợp với Ban quản lý chợ triển khai các biện pháp đảm bảo giãn cách và giám sát việc thực hiện của người dân”.
Tại các chợ, ngay sau khi nhận được hướng dẫn của các cấp, Ban quản lý các chợ đều khẩn trương xây dựng phương án, chủ động triển khai nhiều giải pháp hiệu quả như: tuyên truyền, vận động, ký cam kết; thực hiện thông điệp 5K theo khuyến cáo của Bộ y tế…
Ông Lê Ngọc Thêm, đại diện đơn vị quản lý chợ Thượng Thanh, phường Thượng Thanh cho biết: “Ngay đợt dịch bùng phát đầu tiên năm 2021, chúng tôi đã tập trung tuyên truyền, vận động tiểu thương và người dân đi chợ thực hiện thông điệp 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trong đó tập trung thực hiện: Đo thân nhiệt, sát khuẩn tay nhanh, khai báo y tế, giữ khoảng cách… Đến khi dịch diễn biến phức tạp, toàn TP thực hiện giãn cách theo chỉ đạo, ban quản lý đã thiết lập 3 chốt tại cửa ra/vào để hướng dẫn người dân đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, khai báo y tế và kiểm soát việc người dân đi chợ bằng thẻ, lắp đặt các tấm chắn để giữ khoảng cách giữa người bán và người mua hàng”. Không chỉ triển khai các biện pháp theo hướng dẫn của ngành Y tế, đơn vị quản lý chợ Thượng Thanh còn tăng cường công tác tuyên truyền, nhắc nhở người dân và tiểu thương chấp hành các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 thông qua hoạt động của đội tình nguyện viên.
Cùng quan điểm trên, Công ty Cổ phần Trọng Nghĩa, đơn vị quản lý chợ Gia Lâm, phường Ngọc Lâm xác định: “Việc triển khai nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 là yêu cầu bắt buộc của chợ vào thời gian này”.
Chia sẻ về các biện pháp hiệu quả trong phòng, chống dịch mà đơn vị đã triển khai, bà Phùng Thị Thanh Hà - Cán bộ quản lý chợ Gia Lâm nhấn mạnh: “Chợ Gia Lâm trước kia có lượng khách rất lớn do nằm ở vị trí trung tâm của một số phường trên địa bàn. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát, ban quản lý chợ đã phối hợp với phường kiểm soát chặt chẽ thẻ đi chợ theo đúng đối tượng quy định để giảm bớt số người tập trung và đảm bảo giãn cách. Toàn bộ cán bộ, nhân viên của ban quản lý chợ đều được huy động tham gia trực chốt, kiểm soát, phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cho chợ”. Nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan, ban quản lý chợ yêu cầu 100% các gian hàng sử dụng tấm chắn, căng dây theo nguyên tắc cách 2m giữa người với người, đeo kính chắn giọt bắn khi bán hàng.
Chợ Kim Quan, phường Việt Hưng đã có nhiều thay đổi đáng kể khi triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Bà Nguyễn Thị Hồng Xiên - Trưởng ban quản lý chợ Kim Quan chia sẻ: “Chúng tôi có 170 hộ kinh doanh. Nhằm đảm bảo quy định giãn cách, ban quản lý chợ đã vận động 34 hộ thuộc ngành hàng không thiết yếu tạm dừng kinh doanh. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, các tiểu thương chỉ được kinh doanh khi đảm bảo các tiêu chí: có giấy đi đường (đối với người trong tỉnh), thêm giấy test nhanh SARS CoV-2 âm tính (đối với người ngoài tỉnh) và đảm bảo các quy định phòng dịch khác”.
Để nâng cao trách nhiệm, ban quản lý chợ Kim Quan đã ký cam kết với 100% các tiểu thương về thực hiện các biện pháp cấp bách về phòng, chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, ban quản lý cũng kiểm soát chặt chẽ số lượng người vào chợ, với phương châm không vượt quá 200 khách/giờ.
Đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân
Bên cạnh việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, thì đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân là mục tiêu quan trọng được đặt ra khi cả Hà Nội tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 và Công điện 18, 19 của TP.
Để thực hiện được mục tiêu này, quận Long Biên đã bám sát tình hình, chỉ đạo các an quản lý các chợ tuyên truyền, vận động, giám sát, hỗ trợ các tiểu thương bán hàng đúng giá, không tăng giá bất thường và tăng cường thêm nguồn cung cấp hàng hóa.
Cùng với đó, quận chỉ đạo các phường tăng cường tuyên truyền người dân không tích trữ hàng hóa, mua đủ dùng. Mặt khác, nhằm mục đích giảm tải cho các chợ dân sinh, Quận cũng gấp rút triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các cửa hàng tiện ích, siêu thị, trung tâm thương mại,… đảm bảo không để người dân không thiếu hàng hóa, an tâm thực hiện giãn cách xã hội.
Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, hoạt động chợ dân sinh gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, chợ dân sinh trên địa bàn quận vẫn duy trì hoạt động ổn định, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và trên hết là đảm bảo an toàn. Thời gian tới, cùng với các giải pháp linh hoạt, chủ động phòng, chống dịch thì việc duy trì thực hiện “Chợ an toàn” sẽ tiếp tục là biện pháp quan trọng, không thể thiếu trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.