Lồng ghép các chỉ tiêu phát triển bền vững và tăng trưởng xanh
CIEM đề xuất các giải pháp lồng ghép các mục tiêu chương trình nghị sự 2030 liên quan đến trẻ em, phụ nữ và tăng trưởng xanh.
Trong khuôn khổ Dự án cải cách kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng xanh do Chính phủ Đức tài trợ qua Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), sáng 15/12, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo "Nghiên cứu lồng ghép mục tiêu Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Viện trưởng CIEM Nguyễn Hoa Cương cho biết, mục tiêu của nghiên cứu góp phần đảm bảo các Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm cấp tỉnh giai đoạn sau năm 2020 là những Kế hoach phát triển kinh tế - xã hội bền vững và tăng trưởng xanh.
Để lồng ghép các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển bền vững và tăng trưởng xanh cho Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội hàng năm, 5 năm giai đoạn 2021-2025 cấp tỉnh trên cơ sở xác định chức năng, nhiệm vụ của chính quyền cấp tỉnh; đồng thời, đề xuất các chính sách, định hướng giải pháp nhằm lồng ghép chỉ tiêu, mục tiêu phát triển bền vững và tăng trưởng xanh vào kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội hàng năm, 5 năm giai đoạn 2021-2025 cấp tỉnh.
Tại hội thảo, ông Trần Trung Hiếu, đại diện Ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội (CIEM) đã trình bày kết quả chính của báo cáo; trong đó, tập trung vào 3 nhóm mục tiêu của phát triển bền vững liên quan đến trẻ em, phụ nữ và tăng trưởng xanh.
Theo đó, về trẻ em sẽ bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi; đạt được bình đẳng về giới, tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái và đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người.
Về phụ nữ gồm đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi; đạt được bình đẳng về giới; tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái.
Liên quan đến tăng trưởng xanh, các mục tiêu xem xét là sản xuất công nghiệp xanh, giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp và xanh hóa lối sống.
Từ những nghiên cứu, phân tích về quá trình thực hiện, đại diện CIEM cho rằng, thực trạng chung hiện này là còn thiếu vắng khung pháp lý cho công tác kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội.
Tư duy, nhận thức chưa đúng đắn về vai trò của kế hoạch cấp tỉnh và việc lồng ghép các mục tiêu chương trình nghị sự 2030 và chiến lược tăng trưởng xanh; chưa xác định được nội dung kế hoạch cấp tỉnh trong thực hiện chương trình nghị sự 2030 và chiến lược tăng trưởng xanh; cơ sở dữ liệu chưa đáp ứng yêu cầu theo dõi và đánh giá kế hoạch cấp tỉnh trong thực hiện các mục tiêu của chương trình nghị sự 2030 và chiến lược tăng trưởng xanh.
Trên cơ sở đánh giá tổ chức thực hiện, CIEM đề xuất các giải pháp lồng ghép các mục tiêu chương trình nghị sự 2030 liên quan đến trẻ em, phụ nữ và tăng trưởng xanh vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Theo đó, cần đổi mới nhận thức, tư duy mạnh mẽ về nhiệm vụ của chính quyền các tỉnh trong thực hiện, nhất là đội ngũ lãnh đạo. Bên cạnh đó, hình thành khung pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lồng ghép các mục tiêu của chương trình nghị sự 2030 và chiến lược tăng trưởng xanh vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cấp tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Diệu Trinh, Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá cao những khuyến nghị của báo cáo đưa ra. Đặc biệt là nhắc tới vai trò của trẻ em và phụ nữ trong tăng trưởng bền vững và đánh giá về sản xuất xanh, sạch trong nông nghiệp và nông nghiệp. Báo cáo nên có sự đánh giá kết nối về phụ nữ, trẻ em với phát triển xanh.
“Đề nghị nhóm nghiên cứu về vấn đề huy động nguồn tài chính của quốc tế cũng như nguồn lực của khu vực tư nhân; đồng thời, cần nghiên cứu đánh giá về thể chế, đánh giá từ chính quyền tới các cấp, cập nhật, nâng cao kiến thức về tăng trưởng xanh”, bà Nguyễn Thị Diệu Trinh đề xuất.
Ông Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia đề xuất, để đánh giá và theo dõi được tốt hơn thì cần có bộ chỉ tiêu chuẩn.
Về vấn đề trẻ em và phụ nữ, môi trường thì cũng là một trong những thách thức khi đi vào thực thi ở cấp địa phương bởi, chính quyền địa phương thường quan tâm tới vấn đề kinh tế nhiều hơn. Do vậy, nên có sự đánh giá việc lồng ghép đó có thực hiện được tốt hơn không.
Tại hội thảo các chuyên gia cho rằng, để thực hiện cần lựa chọn những chỉ tiêu cụ thể, lượng hóa để thực hiện. Bên cạnh đó, cần có nguồn ngân sách để thực hiện được mục tiêu đã đề ra./.