Lồng ghép sàng lọc lao tại các điểm tiêm phòng COVID-19 ở TP.Hồ Chí Minh
Tại buổi tiêm vaccine phòng COVID-19 ở Quận 6, những người từ 55 tuổi trở lên được mời chụp X-quang phổi miễn phí giúp phát hiện bệnh lao.
Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam thực hiện lồng ghép sàng lọc lao tại các điểm tiêm phòng COVID-19 tại TP.Hồ Chí Minh.
Phòng chống bệnh lao là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế Việt Nam, kể cả trong thời gian dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã triển khai phương pháp mới tích hợp xét nghiệm và điều trị đối với cả 2 loại bệnh truyền nhiễm lao và COVID-19.
Lồng ghép sàng lọc lao tại điểm tiêm phòng COVID-19
Quyền Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh Robert Greenan thăm điểm tiêm phòng COVID-19 tại phường 5, quận 6 ở TP.Hồ Chí Minh
Với sự đồng thuận từ Chương trình Chống lao Quốc gia và hỗ trợ của USAID, trong tháng qua, Việt Nam đã lần đầu tiên triển khai hoạt động lồng ghép sàng lọc lao tại các điểm tiêm phòng COVID-19 tại Hà Nội, cũng như lên kế hoạch mở rộng triển khai tại hai tỉnh Tiền Giang và Cần Thơ.
Ngày 3/11, tại Trạm Y tế Phường 5, Quận 6, Quyền Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh Robert Greenan đã tới thăm hoạt động lồng ghép sàng lọc lao trong chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 toàn quốc của Việt Nam.
Điểm tiêm phòng COVID-19 kết hợp sàng lọc lao tại phường 5, quận 6 ở TP.Hồ Chí Minh
Tại buổi tiêm vaccine phòng COVID-19, người dân Quận 6 được tiêm vaccine COVID-19, trong số đó, những người từ 55 tuổi trở lên sẽ được mời chụp X-quang phổi miễn phí bằng máy X-quang cầm tay - thiết bị giúp phát hiện các dấu hiệu của bệnh lao.
Tất cả những người tham gia sẽ nhận kết quả trong vòng 3 ngày và sẽ được liên hệ để kết nối tới dịch vụ điều trị phù hợp nếu cần thiết.
Xóa bỏ bệnh lao qua sàng lọc và điều trị sớm
Dịch vụ này được hỗ trợ bởi Dự án Xóa bỏ bệnh lao (Erase TB) do USAID tài trợ với ngân sách 2 triệu USD và được thực hiện trong 3 năm với mục tiêu tăng cường phát hiện bệnh lao và tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Hoạt động sàng lọc lao lồng ghép này được thực hiện dưới sự hỗ trợ của Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, UBND Quận 6.
“Mặc dù COVID-19 đã gây ra những thách thức đối với việc phát hiện và điều trị lao, nhưng dự án Xóa bỏ bệnh lao do USAID tài trợ đã cho thấy vẫn có những cơ hội mới để thích ứng và lồng ghép các dịch vụ sàng lọc y tế, qua đó duy trì những thành quả mà Việt Nam đã đạt được trong cuộc chiến chấm dứt bệnh lao,” Quyền Tổng lãnh sự Robert Greenan phát biểu.
Việt Nam là một trong số ít quốc gia thực hiện lồng ghép các hoạt động phòng chống lao và COVID-19 và Chính phủ Việt Nam đang nhận thấy có những cơ hội trong cuộc chiến chống COVID-19 giúp hoat động tầm soát lao không bị gián đoạn và mô hình này có thể được xem như một phương pháp hiệu quả để nhân rộng và chia sẻ trên toàn cầu.
Gánh nặng bệnh lao
Bệnh lao là căn bệnh có thể phòng ngừa và chữa khỏi, mỗi năm Việt Nam có tới 170.000 người mắc lao và hơn 11.000 ca tử vong do căn bệnh này, khiến Việt Nam nằm trong danh sách 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới.
Tác động của đại dịch COVID-19 đã khiến cho dịch vụ chăm sóc bệnh lao bị giảm sút nghiêm trọng và trong đợt bùng phát COVID gần đây nhất, số ca bệnh lao được phát hiện ở Việt Nam đã giảm tới 80% trong thời gian từ tháng 6-9/2021.
Mặc dù COVID-19 đã tạo ra những thách thức đối với việc phát hiện và điều trị lao, nhưng dự án Xóa bỏ bệnh lao do USAID tài trợ đã cho thấy vẫn có những cơ hội mới để thích ứng và lồng ghép các dịch vụ sàng lọc y tế, qua đó duy trì những thành quả mà Việt Nam đã đạt được trong cuộc chiến chấm dứt bệnh lao.
Nguyễn Vân