Lồng nuôi cá bằng nhựa chống chịu thiên tai
Lồng nuôi cá bằng nhựa HDPE có thể thay thế sản phẩm lồng nuôi cá truyền thống, có độ bền tới 40 - 50 năm, khả năng chống chịu được với thiên tai.
Giá rẻ hơn lồng nhập khẩu
Thông qua việc thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm cấp quốc gia: “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất lồng nuôi cá bằng vật liệu nhựa HDPE nhằm thay thế sản phẩm lồng nuôi cá truyền thống và phát triển nghề nuôi cá lồng của Việt Nam”, ThS Hoàng Văn Hợi và các cộng sự đã hoàn thiện dây chuyền sản xuất phụ kiện lồng nuôi cá bằng nhựa HDPE công suất 500 lồng/năm, chất lượng tương đương sản phẩm nhập khẩu nhưng giá chỉ bằng 1/2; xây dựng thành công 3 mô hình ứng dụng lồng nuôi cá bằng nhựa HDPE.
ThS Hoàng Văn Hợi cho biết, nuôi trồng thủy sản trên biển ở nước ta hàng năm tạo ra khối lượng hải sản rất lớn, tập trung chủ yếu nuôi theo kiểu truyền thống nên thời gian sử dụng ngắn (do vật liệu làm lồng thường là tre, gỗ, kim loại... được kết nối bằng dây cước, bu lông; vật liệu nổi để nâng đỡ hệ thống ô lồng chủ yếu là phao xốp hoặc thùng nhựa).
Do cấu trúc lồng chưa phù hợp với một số đối tượng nuôi cụ thể cũng như các loại hình thủy vực; chưa chịu được các tác động của môi trường như sóng gió, bão lụt... dẫn đến chi phí khấu hao nhiều, lợi nhuận từ hoạt động nuôi trồng thủy sản còn thấp.
Để phát triển nghề nuôi biển, một số doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản lớn đã đầu tư hệ thống lồng nhựa HDPE nhập khẩu từ Na Uy, Đan Mạch... Tuy nhiên, hệ thống lồng này có giá cao (từ 20.000 - 60.000 USD/lồng), thời gian thi công lắp đặt dài, việc duy tu, sửa chữa và bảo hành khó khăn...
Từ năm 2012, ThS Hoàng Văn Hợi và cộng sự đã sản xuất được hệ thống lồng nuôi cá bằng nhựa HDPE với giá thấp hơn lồng nhập ngoại khoảng 40 - 50%. Tuy nhiên, sản phẩm còn có một số hạn chế như chưa tính toán được kết cấu hệ thống lồng nuôi (hệ thống khung lồng, phụ kiện, hệ thống neo, hệ thống điều khiển chìm nổi tránh bão...) phù hợp với từng loại hình thủy vực. Một số phụ kiện như giá đỡ khung lồng, bộ gá phải nhập từ nước ngoài, tỷ lệ nội địa hóa thấp nên giá thành sản phẩm cao.
Để cải tiến sản phẩm này, nhóm tác giả đã đề xuất và được Bộ KH&CN phê duyệt thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm cấp quốc gia nêu trên. Sau 4 năm triển khai thực hiện (9/2020 - 9/2023), dự án đã hoàn thiện công nghệ và hệ thống thiết bị phù hợp để sản xuất lồng nuôi cá bằng vật liệu nhựa HDPE, công suất 500 lồng/năm, chất lượng tương đương sản phẩm nhập khẩu.
Độ bền lên đến 50 năm
ThS Hoàng Văn Hợi cho biết, sau quá trình nghiên cứu, nhóm đã sản xuất được 20 lồng nuôi cá và xây dựng thành công 3 mô hình nuôi cá trên biển, trên sông và trên hồ sử dụng lồng bằng vật liệu nhựa HDPE; hoàn thiện 3 bộ hồ sơ thiết kế và quy trình công nghệ sản xuất lồng nuôi cá bằng vật liệu nhựa HDPE trên các loại thủy vực (biển, sông, hồ); xây dựng được 1 bộ tiêu chuẩn cơ sở của lồng nuôi cá bằng vật liệu nhựa HDPE trên các thủy vực...
Khung lồng bằng nhựa HDPE được kết cấu có khung lồng chính gồm phao nổi và định hình lồng; Khung lồng phụ có lan can đều bằng chất liệu nhựa HDPE; Giá đỡ khung lồng là đai nhựa gồm trụ và chốt chuyên dụng có khả năng chống chịu với sóng gió, chống tia cực tím, không bị lão hóa và độ bền cao.
Trong khung lồng là túi lưới dệt không gút tránh gây tổn thương cho cá bằng chất liệu polyetyeln, chỉ khâu, chì lưới. Đây là loại lưới có khả năng chống tia cực tím, không bị lão hóa, có khả năng chống vi sinh vật bám và độ bền lên đến 10 năm. Toàn bộ túi lưới được thiết kế tính toán phù hợp với lưu tốc dòng chảy, độ sâu và từng đối tượng nuôi.
Hệ thống neo bằng sắt hoặc bê tông, dây neo chất liệu polyetylen và dây xích đúc. Phao neo bằng nhựa HDPE. Hệ thống neo tự động điều chỉnh cho lồng lên xuống theo mực nước thủy triều và độ cao của sóng.
Hiện nay, sản phẩm của dự án đã được cung cấp cho nhiều/tỉnh thành phố trong cả nước như: Kiên Giang, Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Kon Tum, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hòa Bình… cũng như các doanh nghiệp, tập đoàn trong nước.
Việc áp dụng kết quả của dự án vào sản xuất, giúp tối ưu hóa kết cấu lồng phù hợp với các loại hình thủy vực, giảm thiểu chi phí nhập khẩu và vận chuyển. Bên cạnh đó, lồng nuôi có độ bền lên tới 40 - 50 năm, đã góp phần hạn chế nạn chặt phá rừng lấy gỗ, tre, nứa để làm lồng truyền thống.
Đặc biệt, dự án tạo ra sản phẩm lồng nuôi cá có khả năng chống chịu được với thiên tai, giúp ngư dân và doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản Việt Nam an tâm vươn ra vùng biển ngoài khơi, đảo xa để phát triển kinh tế biển; góp phần ổn định an ninh - quốc phòng, chủ quyền biển đảo.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/long-nuoi-ca-bang-nhua-chong-chiu-thien-tai-post667306.html