Long Phú quan tâm chăm lo đời sống đồng bào Khmer
Huyện Long Phú có gần 30% dân số là đồng bào Khmer. Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể huyện Long Phú đã có nhiều việc làm cụ thể, thiết thực chăm lo đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho đồng bào Khmer. Ðồng thời, cùng với sự nỗ lực vươn lên, nhiều gia đình đã thoát nghèo, góp phần cùng với địa phương xây dựng làng quê ngày thêm đổi mới.
Đến thăm vùng đồng bào Khmer ấp KoKô, xã Tân Hưng (Long Phú), đi trên những con lộ bêtông thẳng tắp được tô điểm thêm bởi những hàng rào cây xanh, trồng hoa hai bên đường, chúng tôi cảm nhận được sự khởi sắc của vùng quê này. Ông Lâm Sa Riêng, ở ấp KoKô, xã Tân Hưng (Long Phú) chia sẻ: “Những năm trước đây, khu vực này không có lộ nông thôn, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Khi địa phương phát động làm đường, bà con nơi đây hưởng ứng rất nhiệt tình, nhiều hộ sẵn sàng hiến đất, ngày công lao động. Từ khi có tuyến lộ mới, bà con trong ấp rất mừng, diện mạo làng quê đổi thay hơn trước”.
Bên cạnh việc đầu tư, nâng cấp lộ giao thông nông thôn, cấp ủy, chính quyền các cấp còn quan tâm nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào Khmer trên địa bàn ấp. Hiện nay, 100% hộ dân trên địa bàn ấp đã có điện thắp sáng và được cấp bảo hiểm y tế, có nước sạch sử dụng. Bà Liêu Thị Sôna, ở ấp KoKô, xã Tân Hưng phấn khởi cho biết: “Nhờ được chính quyền địa phương hỗ trợ 6 triệu đồng xây dựng cây nước ngầm mà gia đình có nguồn nước sạch để sử dụng. Giờ đây mọi sinh hoạt, nấu nướng của gia đình đều sử dụng nguồn nước sạch nên tôi rất an tâm và không phải lo việc thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô”.
Còn anh Sơn Chanh The, ở ấp Tân Qui A, xã Tân Hưng rất phấn khởi khi được chính quyền địa phương xét hỗ trợ nhà ở. Anh Chanh The bộc bạch: “Tôi được hỗ trợ 25 triệu đồng cất nhà ở, từ nay không còn lo nhà dột nữa, vợ chồng tôi cố gắng làm ăn đã vươn lên thoát nghèo và lo được cho đứa con gái học hành đến nơi, đến chốn”. Còn anh Lâm Sơn Hải, ở ấp Khoan Tang, thị trấn Long Phú (Long Phú), gia đình anh không có đất sản xuất, anh xa quê đi TP. Hồ Chí Minh làm thuê được 10 năm nhưng cũng không dư dả gì. Nhờ được hỗ trợ vay vốn 30 triệu đồng từ ngân hàng chính sách xã hội mua 2 con bò nuôi, hàng ngày hai vợ chồng anh Hải cắt cỏ cho bò ăn, đến nay đàn bò đã phát triển được 5 con bò cái, anh Hải xây dựng thêm chuồng trại để phát triển đàn bò trong thời gian tới.
Nhiều năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Long Phú đặc biệt quan tâm đến đồng bào Khmer bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực như ưu tiên đầu tư các nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Khmer; làm đường giao thông, trường học, trạm y tế; đầu tư vốn, giống cây trồng, vật nuôi, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con… Ngoài ra, Huyện ủy có chính sách quan tâm dành cho người có uy tín trong đồng bào Khmer. Ðây là những người góp phần vận động, tuyên truyền người dân và cộng đồng dân cư thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của chính quyền địa phương. Từ đó, nhiều người có uy tín trong đồng bào Khmer ngày càng có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của địa phương, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư…
Theo đồng chí Thạch Hoàng Tha - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Long Phú, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã đầu tư nhiều chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó đời sống được nâng lên rõ rệt, năm 2020, từ các chính sách hỗ trợ đồng bào Khmer, đã có gần 300 hộ Khmer vươn lên thoát nghèo, hiện toàn huyện còn 309 hộ Khmer nghèo, chiếm 3,9%. Trong thời gian tới, Phòng Dân tộc huyện tiếp tục tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh ủy về công tác dân tộc, tôn giáo, đặc biệt là đồng bào Khmer trên địa bàn huyện, Phòng Dân tộc huyện sẽ phối hợp với đảng ủy, UBND các xã, thị trấn rà soát về thực hiện các chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025…