Long Phú thực hiện tốt các chính sách trong vùng đồng bào Khmer
Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 14-2-2017 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ đối với công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) (gọi tắt là Nghị quyết số 11), thời gian qua các cấp ủy, chính quyền, mặt trận và đoàn thể các cấp huyện Long Phú đã tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách đối với đồng bào DTTS, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, nhất là đời sống vật chất, tinh thần của bà con Khmer không ngừng được cải thiện.
Huyện Long Phú chú trọng phát huy vai trò người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc. Ảnh: H.LAN
Long Phú có tỷ lệ đồng bào Khmer sinh sống chiếm 28,56% tổng dân số toàn huyện. Để cụ thể hóa Nghị quyết số 11, Huyện ủy ban hành Chương trình số 21-CTr/HU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ đối với công tác ở vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, tổ chức quán triệt đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, tạo sự thống nhất trong thực hiện. Qua đó, cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp và đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên đã có sự chuyển biến về nhận thức đối với công tác dân tộc, quan tâm triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc.
Trong 3 năm qua, toàn huyện đã xây dựng được 426 căn nhà cho hộ dân tộc Khmer nghèo; phối hợp đào tạo, bồi dưỡng gần 18.000 lao động người DTTS; các ấp ở vùng có đông đồng bào DTTS đều có đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, bêtông hóa đạt 91,27%; số đồng bào DTTS có điện sử dụng đạt tỷ lệ 99,88%; số hộ gia đình người DTTS sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh chiếm 97,28%. Toàn huyện có 94,23% con em người DTTS trong độ tuổi được đến trường.
Theo đồng chí Huỳnh Đức - Phó Bí thư Huyện ủy Long Phú, tính đến cuối năm 2018, toàn huyện có 4/5 xã, thị trấn có đông đồng bào DTTS đạt chuẩn quốc gia về y tế; có 3 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 1 xã có đông đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, từ các nguồn lực, huyện tập trung hỗ trợ hộ nghèo là người DTTS được vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, xây dựng nhà ở… góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS qua từng năm. Năm 2015, toàn huyện Long Phú có hộ Khmer nghèo 2.254 hộ, chiếm 27,24%. Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết số 11, số hộ Khmer nghèo giảm 1.125 hộ, chiếm 13,01%, bình quân giảm 4,34% so với chỉ tiêu nghị quyết. Bên cạnh đó, huyện Long Phú chú trọng xây dựng lực lượng người có uy tín trong đồng bào DTTS. Hiện toàn huyện có 36 người có uy tín trong đồng bào DTTS. Lực lượng này đã trở thành cầu nối quan trọng giúp cấp ủy đảng, chính quyền nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào DTTS. Từ đó, xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, góp phần đảm bảo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS theo Quyết định số 402/QĐ-TTg, ngày 14-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức DTTS trong thời kỳ mới cũng được huyện quan tâm thực hiện tốt và dần đi vào nền nếp. Đến nay cơ bản thực hiện được những mục tiêu, quan điểm về chiến lược cán bộ, góp phần làm chuyển biến rõ nét chất lượng đội ngũ cán bộ của huyện. Các cấp ủy, lãnh đạo các địa phương, đơn vị hiện nay đã quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn và lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ kế cận và cán bộ dự nguồn của các địa phương, đơn vị. Trong công tác cán bộ, nhất là khâu đề bạt, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển đội ngũ cán bộ DTTS, các cấp ủy đã chú ý nhiều hơn đến cơ cấu, tiêu chuẩn, chức danh cán bộ. Tính từ năm 2017 đến nay, có 20 cán bộ người DTTS tham gia cấp ủy, lãnh đạo cơ quan đảng, nhà nước, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể. Trong đó có 19 cán bộ chủ chốt các cấp, cụ thể cấp huyện 6 người (có 1 cán bộ chủ chốt là Chủ tịch UBND), 10 người giữ chức vụ trưởng, phó đơn vị sự nghiệp công lập; cấp xã 3 người giữ các chức danh cán bộ chủ chốt.
Ban Thường vụ Huyện ủy luôn quan tâm chỉ đạo xây dựng, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở nói chung, trong đó có các cơ sở vùng có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo. Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là phát triển đội ngũ đảng viên người dân tộc để đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển về cơ sở công tác. Hiện nay, số đảng viên người dân tộc toàn huyện 570 đồng chí, chiếm 18,4% đảng viên toàn huyện. Thông qua lực lượng này, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc thật sự đi vào cuộc sống của các đồng bào DTTS trên địa bàn huyện, tăng cường sự tin tưởng của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới của Đảng.
Những kết quả mà Long Phú đạt được đã khẳng định Nghị quyết số 11 là chủ trương đúng đắn, đã và đang tác động tích cực, làm thay đổi bộ mặt vùng đồng bào DTTS. Vì vậy, nghị quyết này cần phải được tiếp tục triển khai thực hiện trong thời gian tới nhằm củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc… góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện và vùng đồng bào DTTS huyện Long Phú.