Lòng tin là vô giá

Niềm tin là thứ mà chúng ta phải tạo dựng mới có được. Trong bất kỳ mối quan hệ nào, niềm tin là giá trị quan trọng nhất

Thời gian đầu khi sang Thụy Sĩ, tôi làm việc trong một nhóm khoảng 40 người đến từ nhiều quốc gia. Chúng tôi phụ trách một dự án lớn gồm nhiều dự án nhỏ có tổng kinh phí gần nửa tỉ USD. Hai tuần một lần, chúng tôi có cuộc họp với sếp về tình hình triển khai dự án, thảo luận về những khó khăn và tìm giải pháp khắc phục.

Bài học hữu ích

Điều khiến tôi khá bất ngờ là không phải ý kiến nào của sếp cũng được nhóm tán thành, thậm chí còn bị chỉ trích tả tơi. Song, ông luôn đón nhận sự phân tích từ các thành viên một cách bình tĩnh và có tính xây dựng.

Không ít lần, sếp chấp nhận việc ý kiến của mình bị bác bỏ nhưng nhiều khi ông cãi tới cùng. Ông không bao giờ cãi cùn hoặc dùng quyền làm sếp ra lệnh cả. Nếu đủ lý lẽ, ông đưa ra để thuyết phục chúng tôi. Có khi, ông dừng cuộc họp để gọi điện thoại cho một chuyên gia cấp cao khác về vấn đề đang tranh luận để hỏi ý kiến, nhằm bảo vệ quan điểm của mình.

Tôi đặc biệt nhớ có lần, sếp bất đồng ý kiến với một thành viên trong nhóm dự án nhỏ gồm 4 người của tôi. Nói mãi trong cuộc họp chính không mang lại kết quả, ông hẹn chúng tôi ra nhà hàng ăn trưa để bàn tiếp. Cuối cùng, ông nhượng bộ người lãnh đạo nhóm tôi.

Cách xử lý của sếp khiến tôi thật sự ngạc nhiên. Chiều hôm đó, tôi có một cuộc gặp riêng với ông để báo cáo tình hình học tập. Báo cáo xong, tôi không kìm được, liền thắc mắc: "Anh là sếp, sao lại nhượng bộ người dưới quyền? Sếp không lo làm thế họ sẽ lờn mà coi thường anh sao?’’.

Sếp cười, cho rằng có thể đó là sự khác biệt văn hóa giữa các thứ bậc trong công việc cũng như trong gia đình giữa người phương Đông với phương Tây. Trong một tập thể, ông đề cao nhất giá trị của lòng tin.

Sếp tôi phân tích: "Dù có chức vụ cao hơn nhưng tôi không phải là người ra lệnh, mà là người tạo điều kiện tốt nhất cho nhóm làm việc hiệu quả để đạt kết quả cao nhất. Vì vậy, chúng ta cần phải có lòng tin với nhau. Tôi tin nhóm và nhóm cũng tin tôi. Muốn xây dựng lòng tin, người ta phải được phép từ chối, phải biết nói "không’’ với người khác nếu họ không muốn và có lý do chính đáng. Quan điểm của tôi là nếu một tập thể làm việc cùng nhau mà không có niềm tin thì không thể cùng đi xa được".

Đây là một trong những trải nghiệm hữu ích về lòng tin mà tôi học được trong thời gian làm việc cùng người nước ngoài. Khi có được lòng tin, chúng ta sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí. Tất nhiên, xây dựng lòng tin cũng cần "chi phí" và tầm nhìn xa.

Ở Thụy Sĩ, nhiều hoạt động được vận hành dựa trên niềm tin vào giá trị trung thực của công dân. Trong ảnh: Khách hàng tự tính tiền khi mua sản phẩm ở siêu thị, cửa hàng. Ảnh: T.L

Ở Thụy Sĩ, nhiều hoạt động được vận hành dựa trên niềm tin vào giá trị trung thực của công dân. Trong ảnh: Khách hàng tự tính tiền khi mua sản phẩm ở siêu thị, cửa hàng. Ảnh: T.L

"Trust is earned"

Nếu sống ở châu Âu, Mỹ hay Canada, người ta thường dùng một trong những trang bán hàng điện tử rất phổ biến là Amazon. Trang này có rất nhiều sản phẩm, cho phép khách hàng dùng thử 20-30 ngày, nếu không vừa ý có thể trả và được hoàn tiền đầy đủ, nhanh chóng.

Tôi từng thắc mắc với một người bạn - có cửa hàng trên Amazon - rằng người ta có lợi dụng chính sách nêu trên để lấy sản phẩm về dùng, xong mục đích của họ thì trả lại, khỏi mất tiền mua không? Bạn tôi cho biết cũng có kẻ lợi dụng nhưng theo anh, chính sách này rất cần thiết.

Anh giải thích: "Sau khi dùng thử một thời gian, người ta mới cảm nhận đầy đủ về sản phẩm. Nếu họ từ chối sản phẩm, tôi tôn trọng. Tôi cần phải chấp nhận điều đó để xây dựng lòng tin, để có được lòng tin của khách hàng. Bởi lẽ, lòng tin là điều vô giá’’.

Ở châu Âu, nhiều hoạt động thường ngày được vận hành dựa trên niềm tin. Đi xe buýt, tàu điện… hiếm khi có nhân viên soát vé; vô siêu thị, cửa hàng… không có người niêm phong túi xách, thậm chí khách có thể tự thanh toán tại máy rồi mang sản phẩm về mà không ai kiểm tra xem họ có trả tiền hết mọi món đồ đã mua chưa. Việc này tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí cho cả người mua lẫn người bán. Song, để làm được vậy, đời sống xã hội phải được xây dựng dựa trên niềm tin vào sự trung thực của công dân.

Sau khoảng thời gian dài sống trong những giá trị của niềm tin, tôi luôn có tâm thế đặt niềm tin và mở ra cơ hội để xây dựng niềm tin với người khác. Dù không ít lần thất vọng, trả giá bằng cả tình cảm lẫn vật chất nhưng tôi vẫn không mất đi niềm tin mà mình muốn đặt vào người khác hoặc mối quan hệ khác. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng trong một mối quan hệ, ai đánh mất niềm tin mà người khác đặt vào mình mới là kẻ mất thật sự.

"Trust is earned" - thành ngữ phổ biến ở phương Tây - nghĩa là niềm tin là thứ mà chúng ta phải tạo dựng mới có được. Để gầy dựng được niềm tin, trong mọi mối quan hệ lành mạnh, chúng ta cần phải thành thật, thẳng thắn với nhau một cách văn minh. Kể cả khi không đồng ý với nhau về điều gì đó, chúng ta vẫn có thể chia sẻ những giá trị chung quan trọng của một đội nhóm, một tập thể.

Cùng nhau giải quyết mâu thuẫn

Trong bất kỳ mối quan hệ nào - dù trong công việc, gia đình hay ngoài xã hội - theo tôi, niềm tin là giá trị quan trọng nhất. Bởi lẽ, nếu không có niềm tin thì mối quan hệ ấy còn có ý nghĩa gì?

Niềm tin chỉ có thể xây dựng được khi chúng ta có khả năng cùng nhau giải quyết mâu thuẫn. Vậy nên, nếu không dám, không có khả năng bày tỏ sự bất đồng ý kiến, để nhận thức về các mâu thuẫn cần giải quyết, thì không thể có niềm tin. Trong mối quan hệ ở công sở hay gia đình, nếu một bên không có khả năng nói "không’’ với bên kia thì đó là mối quan hệ mang tính thao túng và thiếu tích cực.

Chu Hoài Phương

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/van-nghe/long-tin-la-vo-gia-20230923203630506.htm