'Lòng tốt của con người là món quà của thượng đế'

Một sáng chớm hạ, chúng tôi hẹn nhà viết kịch Chu Thơm tại một quán café mang phong cách bao cấp, uống chén trà thơm và trao đổi với nhau những câu chuyện về lòng tốt, về tình người.

PV: Thưa ông, chúng ta nên định nghĩa thế nào về lòng tốt và sự tử tế?

Nhà viết kịch Chu Thơm: Đối với tôi, lòng tốt của con người là món quà của thượng đế. Nhà văn Mark Twain đã từng nói: “Lòng tốt là thứ ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe, người mù có thể thấy” và tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Nó là những hành động, việc làm cao đẹp xuất phát từ tấm lòng nhằm giúp đỡ người khác mà chẳng đòi trả ơn.

Người có lòng tốt là người có tâm nhàn, luôn hướng thiện nên sẵn sàng cảm thông, chia sẻ, nhường nhịn, hi sinh; không bao giờ tranh giành quyền lợi hay ghen ghét, đố kị, cũng không nghĩ xấu, nói xấu cho ai… Biểu hiện của lòng tốt rất dễ nhận thấy, nhỏ là dắt người già qua đường, nhặt được của rơi trả người đánh mất; lớn là cứu người bị nạn, mở lòng từ bi dành cả đời mình làm việc thiện. Nói lòng tốt là của cải nghĩa là lòng tốt được so với của cải, quý giá, quan trọng và cần thiết như của cải.

Nhà viết kịch Chu Thơm

Nhà viết kịch Chu Thơm

Lòng tốt còn là tài sản tinh thần nên khi đem tặng người nhận đã thật mừng mà người cho cũng thấy hân hoan. Lòng tốt tiếp thêm cho con người lòng tin, hi vọng, nghị lực. Vì bao nhiêu người tốt ở trên đời sẵn lòng giúp đỡ nên những trẻ em nghèo không nản chí, nản lòng đã cố gắng phấn đấu học hành; những phạm nhân từng một thời lầm lỗi yên tâm cải đổi trên hành trình về với nhân tâm.Trong cuộc sống, lòng tốt khiến con người thông cảm với nhau, giúp đỡ nhau cùng vươn lên, cùng tiến bộ và cùng thay đổi thế giới.

Tôi cho rằng lòng tốt giữa người với người chính là món quà mà Thượng đế ban tặng và bản thân nó không có tội, không có lỗi. Nó như một con dao, nếu rơi vào tay người có ý thức thì sẽ trở thành phương tiện cứu người; nếu rơi vào tay người quá khích lại trở thành hung khí giết người. Rõ ràng lòng tốt trong chúng ta ai ai cũng có, nhưng sử dụng nó như thế nào cho hợp lý mới là điều đáng bàn.

Thế nhưng càng ngày, lòng tốt lại đi cùng với căn bệnh a dua. Chỉ cần động một chuyện gì đó, nhiều người sẵn sàng nhao lên phán xét trong khi chưa chắc đã biết rõ lý do. Đơn cử như vừa biết tin NSND Lan Hương rời khỏi tàu Hải quân ngay trước chuyến đi Trường Sa gần đây, nhiều người, thậm chí không hề biết một chút nào về chuyện đó đã nhân danh lòng tốt, muốn làm trong sạch đội ngũ nghệ sỹ nên phán xét thậm chí “ném đá”, đòi “tước danh hiệu NSND”… Đó là một kiểu lòng tốt a dua, thiếu suy xét và thiếu khách quan.

PV: Những câu chuyện lòng tốt, sự tử tế không hề thiếu và chúng ta có thể bắt gặp nó ở bất cứ đâu, từ việc nhỏ tới việc lớn. Thế nhưng những hiện tượng như “tập đoàn ăn xin” hay “ăn xin lừa đảo”, “dàn cảnh xin tiền”… cũng không hiếm hoi. Liệu chúng ta làm từ thiện như vậy có đúng không? Lòng tốt của con người có đang trở thành thứ mà những kẻ cơ hội lợi dụng không, thưa ông?

Nhà viết kịch Chu Thơm: Rõ ràng những hiện tượng chúng ta đang nhắc đến như “tập đoàn ăn xin”, “ăn xin lừa đảo”, “dàn cảnh xin tiền” … vẫn đang từng ngày từng giờ hiện hữu trong cuộc sống. Có một câu châm ngôn hiện đại tôi thấy rất đúng: “Người tốt thì nhiều, người biết điều thì ít”. Thật vậy, lòng tốt của chúng ta đang bị một bộ phận những kẻ không lương thiện lợi dụng để trục lợi, thậm chí là làm giàu. Nhiều lúc lòng tốt của chúng ta không làm họ tốt lên, mà trở thành “miếng mồi” của hành vi bất chính, bất thiện, trở nên ỷ lại, dựa dẫm.

Ví dụ trường hợp cậu bé Hào Anh - nạn nhân của chủ đầm tôm Huỳnh Thanh Giang - Mã Ngọc Thơm nhiều năm về trước, được dư luận xã hội cứu ra khỏi hang ổ ma quỷ, để đoàn tụ với cha mẹ, thậm chí giúp tiền bạc để em và gia đình ổn định cuộc sống. Nhưng chính lòng tốt ấy lại gián tiếp biến Hào Anh trở thành một người ỷ lại, chỉ biết ăn chơi đua đòi bằng những đồng tiền từ thiện. Vì vậy, giờ cậu ta không còn là cậu bé đáng thương bị bạo hành năm nào, mà chỉ là một thanh niên hư và bị bắt giam vì trộm cắp tài sản. Vậy là, vô tình lòng tốt của những người “giải cứu” cậu bé này đã tạo ra gánh nặng cho xã hội.

Sinh viên làm từ thiện cho trẻ em vùng cao

Sinh viên làm từ thiện cho trẻ em vùng cao

Nhìn thấy người ăn xin cơ khổ, chúng ta cho họ chút tiền lẻ làm phúc, đó là điều đúng đắn. Nhưng có không ít đứa trẻ, cụ già bị các “má mì” của những “tập đoàn ăn xin” lợi dụng trở thành những công cụ kiếm tiền cho chúng, giúp chúng làm giàu trên lòng tốt của người đời. Hay những người cung tiến công đức cho nhà chùa, xây chùa dựng tượng, đúc chuông… nhưng không vì mục đích phát tâm làm phúc, mà vì muốn “đòi hỏi”, “mặc cả” với thánh thần, mong được thần phật trả lại công danh, lợi lộc …liệu có phải là những người Thiện căn?

Thế nhưng không phải vì một cá nhân, một câu chuyện trái tai mà chúng ta hoài nghi hay sợ hãi lòng tốt. Bởi trong cuộc đời, có 5 điều không thể giấu, đó là “giỏi, dốt, giàu, nghèo và sự chân thật”. Vì thế, chúng ta đừng nên mắc căn bệnh hoài nghi và phải sử dụng sự tỉnh táo để nhìn nhận mọi chuyện và để làm việc thiện một cách hữu ích nhất.

PV: Đồng ý rằng không nên vì những câu chuyện “trái tai gai mắt” mà không làm từ thiện, không chia sẻ lòng tốt với mọi người. Theo ông, chúng ta nên làm từ thiện ra sao để lòng tốt ấy không bị lợi dụng, khiến người khác ỷ lại?

Nhà viết kịch Chu Thơm: Có một câu nói tôi cho rằng rất phù hợp cho câu hỏi này, đó là “Cho cần câu, đừng cho cá”. Thế nhưng bản thân người làm việc thiện cũng cần chia sẻ lòng tốt một cách không vụ lợi, không a dua, không quá khích… trước những số phận đang gặp khó khăn. Chỉ cần có tâm thiện thì những trường hợp nào cần giúp, chúng ta vẫn sẽ giúp đỡ hết lòng.

Theo tôi, chúng ta hãy tiếp tục chia sẻ lòng tốt, hãy tiếp tục làm việc thiện trong khả năng của mình, đừng phán xét một cách quá nhẫn tâm nhưng cũng nên tỉnh táo trước những trường hợp khó khăn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Vương Tâm (thực hiện)

Nguồn PetroTimes: http://petrotimes.vn/long-tot-cua-con-nguoi-la-mon-qua-cua-thuong-de-420956.html