'LÒNG TỐT QUANH TA': Mái ấm của mẹ Hoàn
Chị Đào Thanh Hoàn tư vấn, phổ biến kiến thức cho phụ huynh, cộng đồng về phương pháp chăm sóc, giáo dục cho trẻ tự kỷ
Từ tình thương và sự thấu hiểu của một người mẹ có con tự kỷ, chị Đào Thanh Hoàn đã sáng lập Trung tâm Ngọc Ân để tạo một môi trường học tập, hỗ trợ tạo sinh kế cho hàng trăm trẻ tự kỷ trong suốt hơn 4 năm qua.
Mái trường xoa dịu nỗi đau
Trong số 10 Công dân thủ đô ưu tú năm 2024 vừa được vinh danh nhân kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng thủ đô (10.10.1954 - 10.10.2024), có một phụ nữ rất đặc biệt, đó là chị Đào Thanh Hoàn - sinh năm 1976, người sáng lập, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục Ngọc Ân. Chị Hoàn hiện là Phó chánh Văn phòng Báo Kinh tế và Đô thị.
Chị Hoàn có nụ cười rạng rỡ và phong thái luôn tràn đầy năng lượng. Nhiều người bảo trông chị khác với ngày xưa rất nhiều, đặc biệt là giai đoạn đầu làm mẹ của một em bé tự kỷ. Chị Hoàn hiện đã là người mẹ thứ hai của hàng trăm trẻ tự kỷ, khuyết tật trí tuệ ở mái ấm Ngọc Ân.
Chị kể 18 năm trước, sinh con trai đầu lòng, vất vả nuôi con đến tháng thứ 13, chị cảm thấy có điều gì đó không bình thường ở con. Con không biết bắt chước, mẹ gọi không quay ra nhìn, chỉ thui thủi một mình chơi xếp hình dàn hàng ngang… Mọi sinh hoạt của con đều không giống đứa trẻ bình thường thì chị mới nhận ra con chị bị mắc chứng tự kỷ. Chị Hoàn đã dành phần lớn thời gian để tìm hiểu tâm lý, theo dõi từng cử chỉ, hành vi hoạt động của con để tìm ra cách chăm sóc, chữa trị cho con. Và rồi cuộc đời không phụ công sức của người mẹ, sức khỏe con chị đã được cải thiện rõ rệt.
Cũng xuất phát từ nỗi vất vả, đồng cảm với các phụ huynh có con sinh ra bị thiệt thòi, chị Hoàn đã nung nấu ý tưởng thành lập một trung tâm giáo dục đặc biệt để giúp những trẻ kém may mắn hòa nhập tốt hơn, giảm gánh nặng cho các bậc làm cha, làm mẹ. "Tôi mong muốn tất cả bạn nhỏ tự kỷ có một môi trường giáo dục phù hợp. Mái trường đó sẽ xoa dịu nỗi đau của rất nhiều bà mẹ có con tự kỷ như tôi" - chị Hoàn cho biết.
Vào lúc đại dịch COVID-19 đang bùng phát, tháng 9-2020, chị Hoàn đã thành lập Trung tâm Ngọc Ân có địa chỉ tại phường Dương Nội, quận Hà Đông, TP Hà Nội với tiêu chí "kiến tạo môi trường học tập suốt đời cho các con".
Chị Hoàn cũng quyết tâm xây dựng mái ấm Ngọc Ân thành địa chỉ nghiên cứu ứng dụng thành tựu của khoa học tâm lý, giáo dục để can thiệp sớm, hỗ trợ cho trẻ bị rối loạn phát triển về thể chất, trí tuê,̣ cải thiện kỹ năng tự lập cơ bản và năng lực học tập. Đồng thời, Ngọc Ân sẽ tư vấn phổ biến kiến thức cho phụ huynh và cộng đồng về phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ, giúp trẻ thực nghiệm hướng nghiệp, bồi dưỡng kỹ năng xã hội cho trẻ rối loạn phát triển.
Mẹ phải cố gắng gấp năm, gấp mười
Công việc tại cơ quan báo chí tuy bận rộn nhưng chị Hoàn đã dành mọi thời gian còn lại để chăm sóc "đứa con tinh thần" - mái ấm Ngọc Ân. Chị cho biết vai trò của can thiệp sớm đối với trẻ tự kỷ cực kỳ quan trọng, đó là giai đoạn vàng giúp trẻ giảm thiểu những khó khăn sau này.
Chị Hoàn chia sẻ chăm sóc trẻ tự kỷ, những người thân, nhất là người mẹ, phải hy sinh nhiều thứ, ai cũng có lúc chán nản, mệt mỏi. Chị phải cố gắng gấp 5, gấp 10 lần vì con và cũng là vì chính mình.
Vì vậy, chị đã dồn hết cả tâm huyết và kinh nghiệm chăm sóc trẻ tự kỷ để xây dựng Trung tâm Ngọc Ân. "Tôi mơ ước sẽ phát triển Ngọc Ân trở thành trung tâm đầu tiên của TP Hà Nội với mô hình giáo dục đặc biệt toàn diện, ở đó các con được sàng lọc đánh giá, can thiệp sớm, bồi dưỡng kỹ năng xã hội, hỗ trợ hòa nhập, thực nghiệm hướng nghiệp. Khi các con đủ tuổi lao động, trung tâm sẽ hướng nghiệp nghề và cho các con làm việc mang lại thu nhập bằng chính sức lao động của mình. Tôi muốn truyền tải năng lượng và kinh nghiệm của bản thân tới các trung tâm giáo dục đặc biệt trong TP Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung có mô hình chuyên nghiệp, nơi mà các bé tự kỷ, người khuyết tật chỉ muốn đến mà không muốn về; cán bộ, giáo viên chỉ muốn gắn kết làm việc mà không muốn rời xa" - chị Hoàn trải lòng.
Khi đi sâu vào tìm hiểu, chị Hoàn nhận thấy các trung tâm giáo dục đặc biệt đang thiếu mảng hướng nghiệp cho thanh thiếu niên tự kỷ, người khuyết tật. Nếu phát triển tốt mảng này sẽ tận dụng được khả năng, tư duy của những trẻ khiếm khuyết để tạo công ăn việc làm cho các trẻ, góp phần giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Chị đã thành lập xưởng thực nghiệm hướng nghiệp Thiên Ngọc - chuyên cung cấp oản nghệ thuật, đồ lễ và quà tặng do chính các trẻ khiếm khuyết làm ra. Chị đã kết nối đưa sản phẩm vào siêu thị, các hội chợ để tạo đầu ra thường xuyên, đem lại thu nhập ổn định cho nhiều trẻ. Ngoài ra, chị Hoàn cũng tham gia vào Mạng lưới phát triển nghề cho người khuyết tật Việt Nam, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng quản trị vận hành cho các chủ cơ sở giáo dục đặc biệt.
Tạo thu nhập cho trẻ
Chị Đào Thị Kim Oanh, phụ huynh có con học tại Ngọc Ân, chia sẻ: "Thấy con có những hành vi bất thường, tôi cho con đi khám thì được bác sĩ thông báo bé tăng động tự kỷ giai đoạn 1. Sau đó, tôi tìm rất nhiều trung tâm và biết đến Trung tâm Ngọc Ân. Tôi bắt đầu cho con học ở đây từ năm 2021, lúc đó cháu được 2 tuổi rưỡi. Qua 3 tháng đầu học tại đây, bé đã bật âm gọi bà, gọi mẹ khiến tôi rất hạnh phúc".
Theo chị Tạ Thị Thủy, Trưởng Phòng Chuyên môn Trung tâm Ngọc Ân, trẻ tự kỷ có đặc điểm chung là khiếm khuyết về giao tiếp và không thích người lạ, dễ bị kích động, nếu không đủ tâm huyết, kiên nhẫn và thấu hiểu thì rất khó có thể đồng hành với các em. "Khi lựa chọn công việc này, tôi biết sẽ có rất nhiều khó khăn, tuy nhiên sau khi tiếp xúc với các bé, tôi cảm thấy các bé rất cần người giúp đỡ, tôi nhủ lòng phải cố gắng và theo đuổi công việc. Chúng tôi cũng lấy tấm gương của chị Hoàn để phấn đấu, trở thành một cô giáo có tình thương đặc biệt với những đứa trẻ đặc biệt" - chị Thủy chia sẻ .
Vẫn còn chút rụt rè, ngượng ngùng, bé Lê Quang Huy (ngụ quận Hà Đông) nói với chúng tôi: "Con rất thích đến Ngọc Ân vì con được học rất nhiều thứ, con rất yêu quý các cô giáo ở đây".
Tại mái ấm Ngọc Ân, nhiều trẻ cựu học viên giờ đã thành nhân viên của trung tâm, hỗ trợ người "mẹ cả Hoàn" và các giáo viên giúp các em nhỏ hơn hòa nhập, giao tiếp.
Các bạn được trả thù lao và dùng chính đồng tiền lao động chính đáng đó để phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Có bạn trước đây được cô giáo đưa đón tận nhà đi học, sau đó các cô hướng dẫn bạn tự đi xe buýt, giờ có tiền dành dụm, các bạn mua xe đạp điện và tự đi đến trung tâm làm việc, giúp đỡ các trẻ khác.
Triển khai mô hình thực nghiệm nghề
Chia sẻ về dự định tương lai, chị Hoàn cho biết chị muốn phát triển mô hình thực nghiệm nghề cho người khuyết tật, yếu thế trong xã hội. Chị cũng đã có kế hoạch triển khai và đây sẽ là mô hình không thu phí. "Sự đồng hành của cha mẹ, sự cố gắng của các con mới là yếu tố quan trọng để trẻ vượt qua những trở ngại. Tôi rất mong muốn các mẹ có con bị tự kỷ như tôi hãy luôn tự hào về con của mình" - chị Hoàn nhắn gửi.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/long-tot-quanh-ta-mai-am-cua-me-hoan-19624110820031215.htm