Lòng tốt và lòng tin
Cộng đồng mạng tuần qua dấy lên câu chuyện một người đàn ông ly dị vợ hàng ngày đi bán kẹo kéo nuôi hai con nhỏ bị bại não.
Đặng Hữu Nghị xuất hiện trên báo chí từ mấy năm trước nhưng anh được biết đến nhiều hơn sau khi tham dự một cuộc thi hát trên show truyền hình giải trí gần đây với bài ca “Gà trống nuôi con” phù hợp hoàn cảnh một người chồng bị vợ bỏ như lời bộc bạch công khai của anh trong chương trình truyền hình. Anh kiếm được tiền thưởng 50 triệu đồng của nhà tổ chức, sau đó hàng chục người đã tìm đến nhà tặng quà và hỗ trợ thêm những khoản tiền tình nghĩa khá lớn.
Chuyện anh Nghị sẽ chẳng có gì mà ầm ĩ và cũng chóng trôi qua như bao nhiêu người nghèo khó nhận được sự giúp đỡ của những tấm lòng tốt trong xã hội. Nhưng không. Vợ anh sau bao nhiêu năm chịu sự trách móc của người đời đã trở về nhà để thanh minh rằng “tôi không bỏ con như chồng tôi nói”. Anh đành công khai xin lỗi và mong được mọi người cảm thông vì hoàn cảnh nghèo khó mà đã nói lên những lời lẽ sai trái. Câu chuyện Đặng Hữu Nghị quay sang một chiều hướng khác với vô số tiếng nói phẫn nộ lẫn một vài chia sẻ trên mạng xã hội và cả trên báo chí. Và thế là việc làm xuất phát từ lòng nhân ái nhìn qua lăng kính của một số trường hợp hãn hữu đã được khái quát như là một thứ bệnh thời đại bằng lời lẽ cay đắng như “trúng số từ thiện” hay “những cơn lên đồng từ thiện”, mà trong chừng mực chẳng khác nào chê bai cách làm từ thiện của một số người “lâu lâu đến dúi tiền một lần rồi biến mất”. Hiện tượng và bản chất lẫn lộn có thể làm cho những khoảnh đất từ thiện chưa nhiều trong xã hội chúng ta trở nên khô cằn, trong khi biết bao nhiêu tổ chức và cá nhân đang chắt chiu từng hạt mầm nhân ái để chia sớt gánh nặng áo cơm, chia sớt hoàn cảnh khắc nghiệt của số đông người chứ không phải chỉ một số người.
Một doanh nhân cả chục năm nay lặng lẽ làm từ thiện nói rằng, việc anh làm cũng bình thường, đơn giản chỉ là giúp đỡ cho người gặp khó khăn khi mình có điều kiện và cũng đừng trông chờ một sự đáp trả đúng với suy nghĩ của mình. Thỉnh thoảng anh đến vài quán cơm dành cho người nghèo và nhận ra ở đây một xã hội thu nhỏ, cái được và chưa được đan chen, cái tốt cái xấu lẫn lộn, nhưng trên tất cả đây là nơi lòng tốt được nuôi dưỡng. Có anh chạy xe ôm chỉ đến quán ăn một lần rồi thôi, vì nhìn quanh thấy quá nhiều những người cần hơn mình một bữa ăn giá rẻ. Người tự trọng như anh ấy không hiếm. Thấy chị bán vé số chảy dài nước mắt vì bị giựt dọc “mất cả gia tài” trên đường đi đến quán, thế là của ít lòng nhiều dù chẳng bù đắp được bao nhiêu, nhưng điều quan trọng chính là tấm lòng chia sẻ của những người ăn cơm trong quán hôm đó. Được như vậy là đã quý rồi, nếu có ai đó ở tầng đáy của xã hội suy nghĩ theo đạo lý bình thường thì lại càng quý hơn mà thôi.
Nhà hảo tâm thì chẳng mấy ai đem tiền bạc của mình làm chuyện vô bổ cho nên nếu mỗi người có mục đích khác nhau trong việc từ thiện cũng là chuyện bình thường. Người thì làm từ thiện chỉ vì nghĩ rằng mình đem được niềm vui cho người khác, người thì vì mua lấy bình yên trong hiện tại và mai sau, người thì muốn “để đức cho con cháu” như chính niềm tin của họ, người thì muốn mua chút hư danh hoặc được nhiều người biết đến... Muôn hình vạn trạng là như thế, nhưng trên tất cả đó là lòng tốt, cho đi mà không lấy lại điều gì kể cả một lời cám ơn. Và cho dù đằng sau việc làm từ thiện là gì đi nữa thì những khoản tiền ấy cũng tốt hơn nhiều lần ném vào những nơi ăn chơi sa đọa.
Ở nhiều nơi làm từ thiện cũng thường nhận được những khoản đóng góp không hề nhỏ của các nhà hảo tâm “lâu lâu đến dúi tiền một lần rồi biến mất” mà không chịu cầm cả tờ giấy biên nhận. Coi rẻ đồng tiền hay là sự khinh mạn? Không hẳn, mà chẳng qua đó là biểu hiện khiêm tốn và trao trọn niềm tin, điều không dễ tìm trong một xã hội còn nhiều dối trá.
Anh Thái
Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/160405/long-tot-va-long-tin.html/