Lòng tự hào dân tộc 'rực cháy' trong triệu triệu trái tim
Đến với TP.HCM vào những ngày tháng Tư lịch sử, hành trang của mỗi một người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc là những kỷ vật gắn liền với Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Cựu chiến binh Lê Bá Ấp trở lại TP.HCM sau 50 năm với hành trang là cuốn nhật ký
Với CCB Lê Bá Ấp, năm nay đã 91 tuổi, đang sống tại thôn Trường Xuân, xã Đông Ninh, TP Thanh Hóa, hành trang trở lại TP.HCM sau 50 năm là cuốn sổ nhật ký được ông gìn giữ như “báu vật” từ lúc lên đường chiến đấu, đến tận hôm nay.
Đó là cuốn nhật ký mà ông Ấp luôn trân trọng, gìn giữ như tài sản vô giá không chỉ của riêng mình, mà còn của các đồng đội mình, những người đã anh dũng hy sinh trong từng chiến dịch.
Bởi trong đó, ông tỉ mỉ ghi lại từng chiến dịch mình đã tham gia, và cả tên tuổi của chỉ huy cấp trên cùng thông tin của đồng đội đã ngã xuống, hy sinh trong từng trận đánh.
Ở tuổi xưa nay hiếm, ông Ấp vẫn còn rất minh mẫn, lật từng trang nhật ký đọc cho thế hệ trẻ hôm nay về hành trình gian khổ, chiến đấu anh dũng, hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước.
Ông Ấp kể lại, năm xưa ông chiến đấu ở Trung đoàn 3, Sư đoàn 9; cách đây 50 năm, ông cùng đồng đội tham gia các chiến dịch giải phóng Phước Long (Bình Phước), đến Xuân Lộc (Đồng Nai) rồi tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Sau 50 năm được các con đưa từ Thanh Hóa vào thăm TP.HCM trong những ngày diễn ra đại lễ, chứng kiến sự thay đổi của thành phố, ông rất vui và tự hào về sự phát triển ngoạn mục của thành phố mang tên Bác kính yêu.
“Thế mới xứng đáng với sự hy sinh của các đồng đội đã ngã xuống vì nền hòa bình, độc lập của dân tộc”, ông Ấp bộc bạch.
Dịp này, ông cũng ở lại TP.HCM nguyên cả tuần để các con đưa đi thăm lại chiến trường xưa, thắp nén hương cho những đồng đội đã kề vai, sát cánh cùng ông chiến đấu năm xưa, và đã hy sinh để giải phóng quê hương, thống nhất nước nhà.

TS Nguyễn Thị Ngọc Thanh mong muốn ghi lại những gì đẹp nhất của ngày hội lớn non sông
Thực hiện bộ ảnh, thành kính dâng tặng người cha thân yêu
Mặc dù đã đến TP.HCM rất nhiều lần nhưng đây là lần mang đến cho TS Nguyễn Thị Ngọc Thanh (66 tuổi, đang sống tại Hà Nội) cảm xúc đặc biệt nhất, mà cả cuộc đời sẽ không có lần thứ hai.
Vào TP.HCM từ sớm nên bà may mắn được xem diễu binh, diễu hành từ ngày sơ duyệt, đến tổng duyệt rồi tới ngày lễ chính thức 30.4. Tận mắt chứng kiến tinh thần hào hùng, khí thế hiên ngang của các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam qua từng động tác diễu binh và tập luyện bắn đại bác, lòng yêu nước trong sâu thẳm con tim bà càng dâng trào hơn bao giờ hết.
Điều khiến bà ngạc nhiên nhất chính là tinh thần quan tâm đến sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc của giới trẻ. Đây cũng là điều mà bà suy ngẫm và tự hào về giới trẻ ngày nay, luôn ghi nhớ công ơn trời biển của các thế hệ cha ông đã không tiếc xương máu, hy sinh giành độc lập, hòa bình cho Tổ quốc hôm nay và mãi về sau.
Bà nói, “nhìn thế hệ trẻ cổ vũ tinh thần cho những chiến sĩ tham gia diễu binh, diễu hành với một tâm lý sẵn sàng, một cách vô tư với lòng nhiệt thành và khí thế hào hùng… càng thắp lên trong tôi lòng tự hào, phấn khởi về giới trẻ hôm nay”.
Tự nhủ với lòng sau khi trở về Hà Nội, bản thân sẽ là một “đại sứ” lan tỏa tinh thần hào hùng, bất diệt hôm nay đến những người thân yêu, bạn bè không có cơ hội vào TP.HCM dịp này, và cả những sinh viên của mình để mỗi chúng ta càng thêm tự hào và yêu Tổ quốc mình hơn.
Đặc biệt, bà Thanh hiện là hội viên Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật TP Hà Nội, vì thế vào TP.HCM dịp này, đây là cơ hội đặc biệt để ghi lại cho mình những tác phẩm mang cảm xúc đặc biệt về sự kiện trọng mà cả cuộc đời bà sẽ không có lần thứ hai.
Đặc biệt hơn, điều thôi thúc lớn nhất đối với bà là mong muốn ghi lại khí thế hào hùng của những ngày tháng Tư lịch sử ở miền Nam để dâng lên người bố kính yêu của mình, khi tròn 18 tuổi, đã được đứng vào hàng ngũ “Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân”.
Bay từ Hàn Quốc về Việt Nam, đưa mẹ đi xem đại lễ

Bạn Đào Thị Quỳnh cùng mẹ đến TP.HCM
Trong số các bạn trẻ hòa mình vào đại lễ hôm nay, câu chuyện ấn tượng đặc biệt về tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc trong chúng tôi, đó là em Đào Thị Quỳnh (sinh năm 1997) đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc.
Quỳnh cho biết, mặc dù đang làm việc tại xứ sở “Kim chi”, cách TP.HCM hơn 3.600 km theo đường hàng không, thế nhưng Quỳnh vẫn tạm gác công việc để bay về quê hương, đưa mẹ ruột từ Gia Lai đến TP.HCM để hòa mình vào những ngày đại lễ hào hùng của đất nước.
“Vì sao ở xa thế mà em vẫn không ngại tốn kém để bay về nước và đưa mẹ đến đây”, không ngần ngại, Quỳnh cho biết “vì em rất yêu quê hương, đất nước Việt Nam mình. Em đã học tập và làm việc tại Hàn Quốc được 8 năm nhưng chưa bao giờ em đi xem một Concept giải trí nào tại nước bạn, mặc dù Hàn Quốc là đất nước của những Concept đình đám”.
“Tinh thần yêu nước anh ạ. Những ngày này, khi xem trên mạng xã hội về các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; đặc biệt là sự kiện lễ diễu binh, diễu hành, tim em cứ bồn chồn, rạo rực, lòng em háo hức hướng về Tổ quốc, không làm được việc gì anh ạ”, Quỳnh tâm sự.
Quỳnh nói, “anh biết không, nhìn từng động tác dứt khoát của các anh, chị bộ đội trong lúc diễu binh, mẹ em bảo đấy là hiện thân của sức mạnh quân đội Bác Hồ. Đặc biệt là khi xem màn trình diễn kéo cờ Tổ quốc của các trực thăng và màn bay lượn của các máy bay chiến đấu”.
Đây không phải lần đầu Quỳnh về nước dự sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Năm ngoái (2024) Quỳnh cũng bay từ Hàn Quốc về Hà Nội, rồi lên Điện Biên để được sống lại ký ức lịch sử hào hùng của dân tộc trong những ngày diễn ra Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Quỳnh cho biết thêm.
Tháng 9 sắp tới, Quỳnh cũng sẽ tiếp tục bay về Việt Nam và đưa mẹ ra Hà Nội để hòa mình vào các hoạt động của Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh của Tổ quốc.
Rồi cùng nắm tay nhau hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng…” để được sống trong cảm giác tự hào và cảm nhận tinh thần bất diệt của dân tộc.