Lớp dạy chữ miễn phí giúp gìn giữ bản sắc văn hóa người Dao Tiền
Thông qua lớp dạy chữ Nôm Dao miễn phí, bà con người dân tộc Dao Tiền ở Hòa Bình được thấu hiểu hơn từ đó giúp bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc.
Lớp dạy chữ Nôm Dao miễn phí
Ở xóm Dướng (xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, Hòa Bình), ông Bùi Văn Thân (người dân tộc Dao Tiền, 80 tuổi) vẫn được mọi người gọi bằng cái tên thân mật là "thầy giáo U80". Tính đến thời điểm hiện tại, ông Thân đã có gần 15 năm dạy chữ Nôm Dao cho bà con người dân tộc thiểu số ở vùng lòng hồ Hòa Bình.
Ông Thân kể, từ khi còn nhỏ, ông đã được bố truyền dạy chữ viết, văn hóa, tập tục truyền thống của dân tộc Dao Tiền. Khi trưởng thành và công tác ở xã, ông Thân đã thông thạo chữ viết, các làn điệu dân ca, các câu thành ngữ, tục ngữ của dân tộc Dao Tiền.
Sau khi nghỉ hưu, ông lại cùng các cao niên trong xóm sưu tầm, biên soạn và phổ biến các cuốn sách dạy chữ viết Nôm Dao, sách về tâm linh, tập tục của người Dao Tiền để truyền dạy cho con cháu.
"Năm 2009, nhận thấy người dân xóm Dướng ngày càng ít người biết chữ Dao, có nguy cơ mai một văn hóa truyền thống nên tôi đã nhờ sự trợ giúp của những thành viên mạng lưới bảo tồn tri thức bản địa dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình, lập tờ trình đề nghị UBND xã Vầy Nưa cho dạy phổ biến chữ Nôm Dao cho cán bộ và người dân địa phương", ông Thân chia sẻ.
Từ đó đến nay, cứ vào thứ 7 hằng tuần, bất kể mưa nắng, ông Thân cần mẫn điều khiển chiếc xe máy cũ kỹ vượt quãng đường rừng ngoằn ngoèo gần 20km đến các điểm dạy chữ Nôm Dao ở xóm Dướng, xóm Lau Bai (xã Vầy Nưa); xóm Ngù (xã Hiền Lương) để "gieo chữ" cho bà con người Dao Tiền vùng lòng hồ Hòa Bình.
Trong mỗi lớp học ấy của ông Thân, có khoảng từ 25 - 30 học viên, già có, trẻ có nhưng ở họ có một điểm chung là ai nấy đều tích cực đến lớp, chăm chỉ học chữ với mong muốn biết thêm được chữ viết và bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Theo ông Thân, mỗi một cuốn sách dạy chữ Nôm Dao đều chứa đựng những câu chuyện về ý nghĩa lịch sử, văn hóa của người Dao Tiền, từ thuở du canh, du cư đi tìm vùng đất tốt để sinh sống. Những con chữ Nôm Dao như sợi dây gắn kết cộng đồng, tình làng nghĩa xóm của người Dao Tiền, kết nối tâm linh và trong đó chứa đựng những giá trị văn hóa, đạo đức lưu truyền mãi với thời gian.
"Chữ Nôm Dao còn giáo dục con người về đạo đức, nhân nghĩa, sự hướng thiện…, cách đối nhân xử thế, cách làm ăn và đoàn kết cùng với nhau. Đến nay, hầu hết bà con người Dao Tiền ở vùng lòng hồ Hòa Bình đều am hiểu rõ về ngôn ngữ, chữ viết, tập tục của người Dao Tiền và có thể truyền dạy các tri thức văn hóa của người Dao cho con cháu và những người xung quanh", ông Thân phấn khởi chia sẻ.
Góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa người Dao Tiền
Là một trong những học viên gắn từ đầu với lớp học của thầy giáo Thân, chị Đặng Thị Chung (35 tuổi, người dân tộc Dao Tiền ở xóm Dướng) cho biết khi biết được những mục đích tốt đẹp của lớp học do thầy Thân mở ra nên chị đã mạnh dạn đăng ký tham gia. Cũng kể từ đó đến nay, không buổi học nào trên lớp chị vắng mặt.
Chị Chung bảo rằng, là người dân tộc Dao Tiền nên bản thân chị mong muốn được nắm được những nét văn hóa, bản sắc dân tộc và chữ viết của người dân tộc mình. "Theo tôi, mỗi dân tộc trên đất nước Việt Nam đều có đặc trưng riêng, từ đó tạo nên nét đa dạng về văn hóa của nước ta nên những lớp học như của thầy Thân là hết sức cần thiết trong thời điểm hiện nay", chị Chung cho hay.
Còn theo anh Anh Đặng Văn Bình (lớp trưởng lớp học chữ Nôm Dao ở xóm Dướng) cho biết, người Dao Tiền ở xóm Dướng đều có ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Người đàn ông Dao Tiền phải biết ngôn ngữ, chữ viết của người Dao Tiền để thờ cúng tổ tiên. Lớp học của thầy Thân mở ra ai cũng vui mừng, phấn khởi. Người lớn cùng thế hệ con em trong xóm được học chữ, học lễ nghi, phong tục tập quán của cha ông đi trước.
"Tôi tham gia lớp học chữ Nôm Dao của thầy Thân ở xóm Dướng từ năm 2015, lớp học có 30 người ở độ tuổi từ 15 - 50 tuổi. Ban đầu tuy còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng nhờ sự am hiểu và lòng tận tâm dạy dỗ của thầy Thân mà mọi người trong lớp cơ bản đã "đọc thông, viết thạo" chữ Nôm Dao. Đến nay, lớp học chỉ còn 28 người, nhưng ai nấy đều cố gắng tiếp tục theo học chữ Nôm Dao để truyền lại kiến thức cho con cháu sau này", anh Bình cho hay.
Chia sẻ về lớp học của thầy Thân, anh Bàn Văn Linh (Trưởng xóm Dướng) cho biết, ở xóm Dướng có 79 hộ với 333 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Dao Tiền. Tuy nhiên, số người biết đọc, viết chữ Nôm Dao rất ít, nhất là thế hệ trẻ. Lớp học chữ Nôm Dao do ông Thân mở ra đã góp phần xóa mù chữ cho một bộ phận đồng bào Dao nơi đây. Mỗi tuần, bà con học chữ vào ngày thứ 7; dự kiến học trong 1- 2 năm thì biết đọc và biết viết. Giáo trình học là 2 cuốn sách tiếng Dao do ông Thân cùng các cao niên ở xóm Dướng biên soạn.
"Khó khăn lớn nhất cho các lớp học chữ Nôm Dao của thầy Thân là địa điểm mở lớp học cũng như kinh phí cho hoạt động giảng dạy. Người dân địa phương mong muốn chính quyền, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, các mạnh thường quân quan tâm hỗ trợ, ủng hộ các lớp học chữ Nôm Dao được duy trì ổn định, nhân rộng thêm tại các xóm, xã khác có người Dao Tiền sinh sống", anh Linh bộc bạch.
Phấn khởi trước những kết quả mà lớp học chữ Nôm Dao của thầy giáo Thân đạt được, ông Xa Văn Si (Chủ tịch UBND xã Vầy Nưa) cho biết, từ khi có lớp học chữ Nôm Dao của ông Thân, số người biết chữ Dao cũng tăng lên đáng kể. Việc mở lớp chữ Dao giúp ngôn ngữ, chữ viết, văn hóa người Dao được phổ biến rộng rãi, góp phần giữ gìn, bảo tồn nét đẹp văn hóa của dân tộc. "Chính quyền xã sẽ luôn tạo điều kiện để hỗ trợ cho ông Thân và các lớp học của thầy được tiếp tục mở rộng, phát triển hơn nữa trong thời gian tới", ông Si nhấn mạnh.