Lớp dạy hẹn hò lệch lạc khi nói 'phụ nữ cảm tính, đàn ông lý trí'
'Con gái không nên chủ động trong tình yêu, khi họ đòi chia tay, có thể chỉ là bộc phát' là những quan điểm lệch lạc được dạy trong lớp học về hẹn hò ở Trung Quốc.
Trong những năm qua, các trường đại học ở Trung Quốc tăng cường đưa vào chương trình các lớp học về tình yêu, được gọi chung là “khóa học về mối quan hệ”. Đây là những lớp tự chọn không chính thức, với mục tiêu “thúc đẩy quan điểm lành mạnh về tình yêu” trong sinh viên, bằng cách hướng dẫn họ cách xây dựng và duy trì các mối quan hệ tốt đẹp.
Theo một báo cáo được chia sẻ trên China Youth Daily, gần 90% sinh viên được khảo sát ủng hộ việc xây dựng các khóa học tình yêu. Tuy nhiên, có rất ít sự giám sát đối với các giáo viên về nội dung giảng dạy, những thứ họ truyền đạt cho học viên về tình yêu và giới tính.
Trên thực tế, rất nhiều lớp học dạng này đang lan truyền định kiến giới độc hại, Sixth Tone đưa tin. Nhiều giáo viên không có cơ sở về nghiên cứu giới tính, thiếu kiến thức và chuyên môn, dẫn đến việc truyền đạt kiến thức lệch lạc hay các quan điểm mang nặng định kiến giới.
Phụ nữ cảm tính, còn đàn ông lý trí
"Sự khác biệt lớn nhất giữa hai giới là phụ nữ sống cảm tính, còn đàn ông thì lý trí”, Hong Yafei - người dạy khóa học có tên gọi "Nghệ thuật của tình yêu và chiến tranh", được mở tại Đại học Sư phạm Hoa Đông (Thượng Hải) - nói.
Không chỉ Hong, các giảng viên khác cũng thường dùng "khuôn mẫu" để giải thích cách đàn ông và phụ nữ tiếp cận mối quan hệ. Trong khóa học Tâm lý cảm xúc tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, Hu Deng nói với các sinh viên rằng sự khác biệt về giới tính là bẩm sinh, chúng ảnh hưởng đến cách tương tác lãng mạn của nam và nữ.
“Các cô gái sẽ phàn nàn khi bạn trai của mình ngoái nhìn những người phụ nữ khác trên đường”, ông nêu ví dụ.
“Đàn ông không hiểu vì sao con gái muốn nghe những lời ngọt ngào, thực ra là bởi phụ nữ yêu bằng tai và dễ rung động hơn bởi những thứ họ nghe”, Hu nói thêm.
Theo cách hiểu này, những vướng mắc trong mối quan hệ là từ hiểu lầm, do không biết về sự khác biệt khách quan giữa hai giới. Nếu những người trẻ tuổi nhận ra điều này và thực hiện đúng vai trò của mình, mọi thứ sẽ tốt đẹp.
“Phụ nữ cũng có người chủ động. Nhưng nếu vốn ưa chủ động, bạn gái cần trở nên thụ động khi bước vào một mối quan hệ”, Hong nói.
Trong khi đó, ông lại cho rằng đàn ông không nên xem những điều phụ nữ nói là nghiêm túc. “Khi con gái đòi chia tay, có thể chỉ là cảm xúc bộc phát. Khi đó, điều họ muốn nghe từ bạn trai là: ‘Anh không thể sống thiếu em’. Nếu chàng trai có thể bày tỏ sự buồn bã và đau lòng sẽ càng tốt hơn”.
Những khuôn mẫu giới tính sáo rỗng được dạy trong các khóa học về tình yêu thường dựa trên thực tế xã hội của Trung Quốc hiện đại. Tuy nhiên, mục đích của giáo dục phải là đặt câu hỏi, suy nghĩ và biến đổi thực tế, chứ không phải hợp lý hóa nó.
Khi người dạy giải thích ghen tuông, ngoại tình và ly hôn là kết quả của "sự khác biệt bẩm sinh giữa hai giới", họ đang củng cố tư tưởng rằng đạo đức trong tình dục, và nhiều thứ hơn thế, ở mỗi giới là khác nhau.
Khi làm như vậy, họ không thể chỉ cho học viên thấy vấn đề giới tồn tại trong xã hội, hay những quan niệm truyền thống, cứng nhắc về giới tính đã dẫn đến các mối quan hệ chai lì về mặt cảm xúc và cả bạo lực.
Mục tiêu sai lệch
Một số giáo viên còn tận dụng lớp học để thử tài mai mối của mình. Người tổ chức khóa học có tiêu đề "Nghiên cứu Mối quan hệ: Thực hành và Lý thuyết", được sắp xếp bởi một hiệp hội sinh viên tại Đại học Thiên Tân, nói rằng những sinh viên tìm thấy một “đối tác tốt” trong khóa học có thể nhận được điểm cao hơn.
Như vậy, thay vì hướng người trẻ tới mục tiêu xây dựng một mối quan hệ lành mạnh, giáo viên lại đặt cao mục đích giúp họ tìm được bạn trai hay bạn gái. Điều này vô tình tạo nên sự phân cấp giữa những người độc thân và người có đôi có cặp.
Việc lựa chọn độc thân hay có một mối quan hệ mà không kỳ vọng tiến tới hôn nhân cũng không được khuyến khích.
Các khóa học về mối quan hệ còn nhiều sai sót khi đề cập tới khuynh hướng tình dục. Nội dung của lớp khá kỳ dị, và những người tham gia đều được giả định đang tìm kiếm một người bạn khác giới.
Trong một khóa học về tình yêu tại Đại học Sư phạm Hà Nam, giáo viên họ Liu hỏi những người đàn ông có mặt xem họ có bạn gái hay không. Khi các học viên trả lời “không”, nữ giáo viên đề nghị họ thêm nhiều bạn gái vào tài khoản WeChat. Rõ ràng các sinh viên là người đồng tính nam và đồng tính nữ chẳng thể thu nhận được điều gì từ những bài học như vậy.
Mối quan hệ đồng giới chỉ là một trong rất nhiều khía cạnh hiếm khi được đề cập trong các khóa học về mối quan hệ. Tình yêu giữa những người khác chủng tộc, giữa phụ nữ lớn tuổi với đàn ông trẻ, sự thiếu chung thủy, hay rào cản trong quan hệ thân mật của những người yếu thế (chuyển giới hay khuyết tật) cũng bị tránh nhắc tới.
Khoảng cách lý thuyết và thực tế
Trước thực tế giới trẻ ngày càng lười hẹn hò, từ chối kết hôn, nhiều trường đại học ở các quốc gia châu Á như Hàn Quốc hay Singapore cũng mở các lớp đào tạo về giới tính, dạy cách yêu đương, hẹn hò.
Tại Hàn Quốc, từ năm 2017, một số trường như Đại học Dongguk hay Đại học Hyung Hee đã mở khóa học kỹ năng sống liên quan chủ đề giới tính, hẹn hò, cách thiết lập các mối quan hệ lành mạnh.
Theo International Business Times, Đại học Dongguk gọi khóa học này là "Hôn nhân và gia đình", mọi sinh viên phải tham gia. Mỗi tháng, họ phải hẹn hò với 3 người bạn cùng lớp, kéo dài đến hết học kỳ. Trong khi đó, khóa học của Đại học Kyung Hee mang tên "Tình yêu và Hôn nhân".
Theo một bài viết trên Koreaboo, khóa học tương tự cũng xuất hiện tại Đại học Inha. Sinh viên được dạy cách suy nghĩ sâu sắc về những gì làm cho cuộc sống có giá trị và lựa chọn giữa thành công, tình yêu và hôn nhân.
Các khía cạnh khác nhau từ hướng dẫn cách lựa chọn đối tác phù hợp cho đến trải qua giai đoạn chia tay như thế nào, chuyện hẹn hò đơn thuần đến tình dục được đề cập chi tiết.
Người tham gia khóa học bắt buộc phải tiến hành các “bài tập hẹn hò”, trong đó các học viên sẽ bắt cặp với nhau một cách ngẫu nhiên và cùng đi chơi, trò chuyện trong vòng 4 tiếng.
Tuy nhiên, bên cạnh những phản hồi tích cực của những người đã tìm thấy tình yêu, không ít người trẻ tỏ ra chán chường với các lớp học tình yêu.
Kim Jong Huyp vừa có cuộc hẹn đầu tiên sau 3 năm nhờ khóa học hẹn hò. Song với anh, đây đơn thuần là bài tập phải làm, không phải vì mục đích tìm kiếm một cô bạn gái.
Thực tế, những gánh nặng về tiền bạc, sự nghiệp, tương lai, các vấn đề trong gia đình vẫn tồn tại khiến giới trẻ e ngại khi muốn bước vào mối quan hệ lãng mạn. Việc kiếm tìm một tình yêu thực sự vẫn là giấc mộng xa vời với nhiều người.