Lớp học cạnh hầm trong ký ức con gái ông Lê Thanh Nghị
'Khoa học là then chốt', 'học tập suốt đời' là tư tưởng của ông Lê Thanh Nghị còn truyền lại đến tận ngày nay. Năm người con của ông đều theo tư tưởng đó mà có những thành công trong ngành nghề khoa học, nghiên cứu.
Năm nay thật đặc biệt, 110 năm ngày sinh của nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Lê Thanh Nghị, nếu không phải vì dịch Covid-19 có lẽ giờ này, con cháu, những cố nhân đã tụ họp đông đủ ở quê nhà Hải Dương để ôn lại cuộc đời của nhà lãnh đạo tài ba của đất nước, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong căn nhà ba tầng ở phố Đội Cấn (quận Ba Đình), bà Lê Thanh Bình (con gái út ông Lê Thanh Nghị) cùng chồng đã hơn 60 tuổi bê ra các kỷ vật giới thiệu cho khách tới thăm. Từng chồng sách, báo, bằng khen, hồi ký về nguyên Phó Chủ tịch nước được ông bà nâng niu, trân trọng như báu vật. Bức ảnh cũ kỹ đã phai màu, bà Bình lau nhẹ lớp bụi, những kỷ niệm trẻ thơ “hiện về”.
Xuất thân là một công nhân điện, tham gia cách mạng từ những năm 1930, ông Lê Thanh Nghị hoạt động nhiều ở Hải Dương và Hải Phòng. Mùa xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ông Lê Thanh Nghị trở thành đảng viên lớp đầu tiên của Đảng.
Ông Đào Ngọc Vĩnh (ông ngoại bà Bình) ở Hải Phòng làm ăn buôn bán khá giả, thời kỳ giành chính quyền ông nuôi giấu cán bộ cách mạng trong nhà. Sau hơn 10 năm tù Côn Đảo và Sơn La, chiến sĩ cộng sản Lê Thanh Nghị về lãnh đạo hoạt động cách mạng ở vùng duyên hải đồng bằng Bắc Bộ và sống tại nhà ông Vĩnh.
Con gái ông Vĩnh khi đó là nữ sinh Đào Thị Hậu cũng tham gia cách mạng, biểu tình, bãi khóa học sinh sinh viên. Những năm 1944 - 1945 hai ông bà gặp nhau và nên duyên vợ chồng.
Nhỏ tuổi hơn hẳn các anh, chị, bà Bình được bố yêu thương, chăm sóc. Ông Lê Thanh Nghị ít nói, điềm tĩnh, bà lại nhỏ tuổi nên những hiểu biết trực tiếp về công việc của ông trong tâm trí bà rất hạn chế. Những gì bà biết chủ yếu qua hồi ký, nghe gia đình, những người cùng làm việc kể lại. Cảm nhận này cũng được người anh trai của bà Bình ghi lại trong hồi ký: “Bố là người của công việc…”.
Tuy bận nhiều công việc vì phải gánh trọng trách do Đảng và Nhà nước giao phó nhưng trong gia đình, ông là người cha rất quan tâm đến con cái. Khi các con còn nhỏ, những lúc đi làm về đêm khuya, ông bao giờ cũng qua phòng các con, kéo chăn, sửa màn cho từng người, lo lắng chu đáo cho sức khỏe của các con. Khi người chị thứ ba của bà Bình bị viêm cầu thận cấp rất nguy kịch, Bệnh viện Việt Xô trả về thì ông đã cố gắng tìm được một người bạn cùng trong tù là thầy thuốc nam, người sáng lập Trường thuốc Nam mang tên Tuệ Tĩnh về chữa khỏi cho con.
“Có những tối hè, nằm cùng mẹ trên chiếc sập gụ của ông bà ngoại cho trong nhà công vụ gần hồ Thiền Quang, tôi được nghe mẹ hát bài Côn Đảo của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Tôi nghe nhiều lần đến thuộc. Tôi chưa hiểu được ý nghĩa bài hát, đến khi lớn lên có điều kiện đọc, nghe nhiều hơn. Năm 1975, tôi theo bố và mẹ vào thăm Côn Đảo, tận mắt thấy nơi bố đã bị đày với mức án tù chung thân, tôi mới hiểu được. “Đến bây giờ tôi vẫn hát ru con, ru cháu bằng bài hát đó”, bà bồi hồi nhớ lại. Đọc thêm hồi ký những ngày ở tù, bà Bình càng thương và khâm phục tinh thần quật cường, lạc quan của cha.
Sau hòa bình năm 1955, ông Lê Thanh Nghị được Đảng và Nhà nước giao phụ trách khối Công nghiệp (gồm công nghiệp xây dựng cơ bản, giao thông vận tải, vật tư…) chịu trách nhiệm chính trong khôi phục nền kinh tế sau chiến tranh, phát triển kinh tế miền Bắc, làm hậu phương vững chắc và chi viện cho Miền Nam chống Mỹ.
Khi Mỹ ném bom miền Bắc, các anh chị lớn đi học xa, bà Bình được bố mẹ gửi đi sơ tán cùng gia đình ông Tố Hữu ở Hưng Yên. Cuộc sống xa gia đình của cô bé 10 tuổi bắt đầu từ đó. Nhớ lại kỷ niệm xưa, bà chia sẻ: “Đôi khi tôi hơi buồn vì thỉnh thoảng chỉ được bố ghé thăm nhanh trên đường đi công tác, không được chơi lâu với bố như các bạn. Sau này tôi mới biết ông được giao chủ trì phát triển kinh tế thời chiến nên phải đi công tác ở nhiều địa phương và ông đã có những đóng góp rất quan trọng trong việc khôi phục và phát triển kinh tế của Việt nam”:
Ông đã lãnh đạo thành công việc khôi phục nền công nghiệp què quặt do thực dân Pháp để lại, xây mới nhiều cơ sở công nghiệp, đẩy mạnh phát triển kinh tế, giúp miền Bắc chuyển mình, “tiến những bước dài chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc” như nhận định của Bác Hồ trong đánh giá những chuyển biến của miền Bắc, tại Hội nghị Chính trị đặc biệt ngày 27/3/1964.
Ông đã dành toàn bộ thời gian và sức lực cho công cuộc khôi phục kinh tế của đất nước bằng nhiều phương thức khác nhau như đưa Việt Nam tham gia khối Hội đồng tương trợ Kinh tế các nước XHCN (SEV), tranh thủ viện trợ, hợp tác toàn diện với Liên Xô để khai thác dầu khí, tập trung chỉ đạo xây dựng, đặt nền móng cho các công trình lớn.
Không thể kể tên hết hàng trăm công trình cơ sở hạ tầng, công nghiệp, văn hóa, khoa học lớn, nhỏ mang dấu ấn của ông như nhà máy dệt Nam Định, cao su Sao Vàng, đường Vạn Điểm, gang thép Thái Nguyên, cầu Thăng Long, thủy điện Hòa Bình,…
Trong đó có những công trình ít người biết đến như xây lại thành phố Vinh năm 1974, hay ông đi đàm phán với Liên Xô từ năm 1967 để được hỗ trợ toàn diện từ xây dựng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đào tạo và kỹ thuật gìn giữ lâu dài thi hài Bác.
Bên cạnh việc xây dựng kinh tế ở miền Bắc, ông còn là Chủ tịch Hội đồng chi viện tiền phương từ năm 1967, chịu trách nhiệm việc chi viện cho chiến trường miền Nam, từ quân trang, quân dụng, thóc, gạo nuôi quân, súng ống, đạn dược, xe cơ giới, thiết bị mở đường, thiết bị y tế, thuốc men, xăng dầu…
Ông cũng là người trực tiếp chỉ đạo B29 - “Ngân hàng ngoại hối đặc biệt”, chuyên trách chi viện tiền tệ cho miền Nam để đảm bảo hoạt động tài chính của bộ máy kháng chiến.
Được Bác Hồ trực tiếp lựa chọn phụ trách đàm phán viện trợ quốc tế, ông Lê Thanh Nghị nổi tiếng là người có quan hệ quốc tế uy tín, tranh thủ được sự ủng hộ to lớn về vũ khí, lương thực, quân trang quân dụng...
Ông như con thoi đi lại giữa Việt Nam và các nước XHCN bấy giờ để tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ về kinh tế, quân sự. Những người đã giúp việc ông thời kỳ này cho biết, ông có lòng kiên nhẫn lạ kỳ trong đàm phán viện trợ! Ông chỉ chấp nhận ký thỏa thuận viện trợ khi đã đạt được các mục tiêu đề ra. Nếu chưa đạt được mục tiêu, ông có thể ngồi đến đêm khuya để đàm phán hoặc "đòi" đàm phán bổ sung.
Nhắc đến hồi ký của nguyên Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại thương Hoàng Trọng Đại, bà Bình kể về sự kiên trì, mềm dẻo của cha bà khi làm Trưởng đoàn trong một lần đàm phán viện trợ với Liên Xô.
Bằng phong cách nhẹ nhàng, chậm rãi, ông Nghị trình bày kiến nghị của phía Việt Nam. Khi ông trình bày 2/3 bài thuyết trình của mình thì trưởng đoàn Liên Xô ngắt lời, “Đồng chí nói thế tôi hiểu hết rồi, không cần nói thêm nữa”. Tuy nhiên, ông Nghị không dừng lại, vẫn tiếp tục trình bày đến hết phần ý kiến của mình. Thực ra, phía Liên Xô đã có những phương án viện trợ trước bàn đàm phán, song, ông Nghị cũng vẫn kiên trì, cố gắng đạt được viện trợ tối đa, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và đấu tranh chống Mỹ của đất nước.
Kết quả, bạn dành sự giúp đỡ tốt nhất cho nước ta. Trong buổi 2 đoàn gặp nhau tiếp theo, Trưởng đoàn Liên Xô đánh giá: “Đồng chí Lê Thanh Nghị là một người đàm phán rất kiên trì, cương quyết, tôi rất khâm phục!”.
Ông cũng đã “lấy được cảm tình” của nhiều lãnh đạo cấp cao của các nước, được xem như bạn bè, thân tình. Chỉ vào bức ảnh phóng to được treo trang trọng trong phòng khách, bà Bình tự hào đọc: “Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị cùng Chủ tịch Fidel Castro thăm trại bò ở Cuba 7/1967”.
Đó là lần Chủ tịch Cuba đã dành hơn nửa ngày để đích thân lái xe đưa và hướng dẫn Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị thăm trang trại chăn nuôi bò nổi tiếng Picadura ở Thủ đô La Habana. Chủ tịch Fidel đã dẫn ông Lê Thanh Nghị đi thăm tất cả các cơ sở của trang trại, say sưa nói về kỹ thuật và kinh nghiệm chăn nuôi bò như một chuyên gia thực thụ.
Đặc biệt, ông nói với Phó Thủ tướng, sau ngày thắng lợi, Việt Nam cần phát triển chăn nuôi bò, gà để có sữa và trứng – loại thực phẩm tốt cho trẻ em và người cao tuổi. Chuyến đi đó của ông đặt cơ sở cho việc Cu Ba hỗ trợ Việt nam trang bị cho trang trại bò giống Ba Vì sau này.
Bà kể: “Vì sự quý mến bố tôi, Thủ tướng Bulgaria đã nhận chị gái lớn của tôi làm con nuôi khi chị là sinh viên y khoa bên đó. Gia đình tôi cũng từng nhận nuôi cháu Măng Vàng 3 tuổi, cháu nội Hoàng thân Xuphanuvong (Lào) hơn 1 năm, sau khi bố cháu - con trai cả của Hoàng thân hy sinh”.
Ngày đó, mỗi khi sang Việt Nam, Hoàng thân ở nhà khách của Trung ương Đảng trên đường Nguyễn Du. Nhà bà ở phố Thiền Quang, cạnh đó, gia đình bà và ông bà Hoàng Thân thường qua thăm nhau, các con Hoàng Thân (cô chú của Măng Vàng) cũng thường xuyên qua thăm cháu.
Ông Lê Thanh Nghị là người luôn ủng hộ cho phát triển khoa học. Từ việc xây dựng Đại học Bách khoa Hà Nội đến thành lập Viện hàn lâm khoa học Việt Nam, Viện Đông y Tuệ Tĩnh đến đầu tư trang thiết bị cho các bệnh viện lớn như Bạch Mai, Việt Đức, Quân Y 108, Bệnh viện Uông Bí…. đều có dấu ấn của ông.
“Bố tôi học tập không ngừng nghỉ cả cuộc đời. Là con thứ 4 trong một nhà nho nghèo đông con, ông được học từ nhỏ nhưng sớm phải bỏ học để đi làm. Khi đi làm thợ điện, ông chắt chiu tiền đi học thêm, để đọc được sách kỹ thuật bằng tiếng Pháp.Trong tù, ông cũng học, nâng cao trình độ tiếng Pháp, học văn hóa, lý luận chính trị cách mạng, học làm lựu đạn”, bà Bình cho hay.
Trong giai đoạn 1973-1976, khi đã làm Phó Thủ tướng, ông theo học lớp bồi dưỡng Kinh tế - Kỹ thuật tại chức 3 năm của Đại học Bách Khoa. Bằng tấm lòng cảm phục bà kể: “ông yêu cầu tất cả Ban thư ký, cán bộ giúp việc ông, những người đã học bổ túc hết lớp 10 thời bấy giờ đều phải tham dự học. Lớp học được tổ chức buổi tối ở ngay miệng hầm trú ẩn”. Mỗi khi đi qua, bà Bình thấy bố học rất chăm chú. Tại Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng hiện nay còn lưu giữ rất nhiều giáo trình của khóa học đó: toán, lý, hóa, cơ khí, điện tử, luyện kim, hóa chất…
Niềm đam mê nghiên cứu khoa học, học tập suốt đời từ người cha đã “ngấm” vào các con. Trong số 5 người con của ông Lê Thanh Nghị, có đến 4 người làm khoa học. “Tôi luôn nhớ ngày đó, bố phụ trách kinh tế, với quan điểm khoa học là then chốt, ông định hướng cho chúng tôi theo khoa học để sau này có thể đóng góp cho đất nước được nhiều nhất”- bà Bình cho biết.
Sau này, sức khỏe của ông Lê Thanh Nghị yếu đi nhanh chủ yếu do bị tra tấn trong 5 năm tù ở Côn Đảo và 5 năm tù ở Sơn La. Hàng đêm, mẹ và anh trai bà Bình phải thay nhau nằm ngủ cùng để đánh thức ông dậy khi mê sảng do ảnh hưởng của các trận đòn tra tấn lúc trong tù. Dù vậy, ông vẫn đọc và nghiên cứu.
Bà Bình làm nghiên cứu khoa học tại Viện Khoa học Việt Nam. Năm 1993 do sức khỏe yếu, bà chuyển sang công tác quản lý nhà nước tại Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư, nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho đến khi về hưu vào đầu năm 2011. Ngoài vui thú điền viên với con cháu, nhớ lời dạy của cha học tập, nghiên cứu suốt đời, hiện nay bà đang giảng dạy thêm tại Đại học Thăng Long.
Trần Thường
Thiết kế: Phạm Luyện