Lớp học của những đứa trẻ 'đặc biệt'

Mang lại niềm vui, kiến thức cho trẻ khuyết tật là hành trình đầy khó khăn và muôn vàn thử thách. Với mỗi giáo viên dạy trẻ khuyết tật rất cần sự kiên nhẫn, nhiệt tình và hơn hết là tình thương, lòng yêu nghề.

Chăm sóc, giáo dục trẻ bình thường đã vất vả, giáo dục những trẻ mắc các bệnh tự kỷ và thiểu năng trí tuệ, down còn khó gấp nhiều lần. Giờ học của những lớp học đặc biệt ấy không đơn thuần chỉ là dạy nghe, nói, phát triển ngôn ngữ, nhận thức, tư duy mà còn là sự kiên nhẫn dạy từng từ, từng chữ cho những em kém may mắn. Có những lớp học chỉ có 8 - 10 học sinh như lớp dạy trẻ khuyết tật của trường Tiểu học Bắc Mục (Hàm Yên) nhưng chưa có tiết học nào được trọn vẹn bởi nhiều khi đang học các em bỗng la hét, khóc rồi đập bàn ghế hay chạy ra khỏi lớp trong giờ chẳng còn xa lạ. Cô giáo Tô Bích Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp tâm sự, đa số các bài giảng chị phải dạy đi dạy lại rất nhiều lần, có khi dạy cả tuần mà các em không hiểu nhưng chị luôn bình tĩnh xử lý và uốn nắn hành vi cho các em. Bởi chị biết, chỉ cần một phút nóng giận, mất bình tĩnh thôi là phương pháp can thiệp sẽ không đem lại kết quả. Không chỉ dạy các em bảng chữ cái, chữ số, dạy đọc, dạy viết, chị còn hướng dẫn các em từ vệ sinh cá nhân đơn giản như rửa mặt, đánh răng... Chị chỉ mong, mỗi ngày trôi qua các em biết thêm được mặt chữ, đếm được chữ số và kiểm soát được hành vi của mình.

Một giờ học của lớp khuyết tật, trường Tiểu học Bình Thuận, thành phố Tuyên Quang do cô giáo Trần Thị Hương chủ nhiệm.

Một giờ học của lớp khuyết tật, trường Tiểu học Bình Thuận, thành phố Tuyên Quang do cô giáo Trần Thị Hương chủ nhiệm.

Đâu đó là niềm vui pha lẫn nước mắt khi học sinh của cô Nông Thị Xuyến, giáo viên trường Tiểu học Sơn Lạc, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) làm được những điều đơn giản như ngồi yên vào ghế 5 - 10 phút, bật ra những ngôn ngữ nói đầu tiên hay tự cầm thìa xúc cơm ăn. Không được đào tạo chuyên môn, chưa từng dạy trẻ khuyết tật nhưng với tình yêu thương, sự đồng cảm với những học sinh đặc biệt của mình mà chị càng cố gắng cống hiến.

Như bao người mẹ khác, chị Phạm Thị Tươi ở xã An Khang (TP Tuyên Quang) luôn khao khát được nghe tiếng gọi "Mẹ ơi!" từ hai cậu con trai của mình. Ngay khi phát hiện các con mình chậm phản ứng với âm thanh, vợ chồng chị đã cho các cháu đi khám và được bác sỹ kết luận cháu có nguy cơ bị điếc. Dù đã đưa con đi chữa trị ở nhiều nơi nhưng kết quả không được như mong muốn, hễ bị ốm sốt là cháu lại bị nặng hơn, từ việc không nghe được nên dần dần cháu không nói được. Gia đình cũng không khá giả gì nên khi cả 2 người con của anh chị được theo học miễn phí tại lớp dành cho trẻ khuyết tật của trường Tiểu học Bình Thuận (TP Tuyên Quang) gia đình rất vui mừng. Chị Tươi bảo, từ khi tới học ở đây con chị có rất nhiều tiến bộ, vui vẻ, hòa đồng, tự làm những việc cá nhân, làm được các phép tính và viết chữ. Những ngày cuối tuần có khi còn đòi mẹ cho đến lớp vì cháu thích được đi học.

Khó khăn là thế nhưng ngày ngày những giáo viên dạy trẻ khuyết tật vẫn hết lòng cống hiến bằng tình yêu thương dành cho các em. Họ chỉ mong có một ngày những đứa trẻ kém may mắn ấy được làm những công việc mình yêu thích. Do đó, công tác giáo dục cho trẻ khuyết tật rất cần sự vào cuộc của các cấp, ngành và đơn vị tổ chức, cá nhân chăm lo, tạo điều kiện cho các em học tập, vui chơi, để “chắp cánh” ước mơ hòa nhập cộng đồng.

Bài, ảnh: Thúy Nga

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/giao-duc/lop-hoc-cua-nhung-dua-tre-dac-biet-137418.html