Lớp học đặc biệt trên bản Minh Nga

PTĐT - Tổ chức tại nhà văn hóa khu, lớp học tiếng, chữ viết người Dao tại bản Minh Nga (xã Thạch Kiệt, huyện Tân Sơn) mới khai giảng hơn một tháng nay với 36 học viên là người dân trong bản.

Lớp học thu hút đông đảo đồng bào dân tộc Dao đủ các lứa tuổi ở bản Minh Nga.

Lớp học thu hút đông đảo đồng bào dân tộc Dao đủ các lứa tuổi ở bản Minh Nga.

Cũng đủ bảng chống lóa, phấn trắng, sách bút nhưng học viên đủ các lứa tuổi, nghề nghiệp, từ người mái đầu điểm bạc đến trẻ nhỏ đang học tiểu học, từ lão nông chỉ quen với đồi rừng, đồng ruộng quanh năm chân lấm tay bùn cầm bút còn ngượng nghịu đến cán bộ UBND huyện... Lớp học độc đáo, đặc biệt này đã và đang tích cực phát huy vai trò quảng bá, gìn giữ truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc Dao trên địa bàn.

Thầy giáo… mù chữ!
Hạ sơn về khai hoang lập bản tại khu lòng chảo bốn bề núi non bao bọc, nhiều đời nay người Dao ở bản Minh Nga vẫn quen với nếp sống phụ thuộc vào các sản vật từ rừng. Đến lúc tài nguyên rừng bị khai thác cạn kiệt, bà con mới giật mình nhận ra cuộc sống thiếu đói quanh năm giờ càng trở nên khó khăn, khắc nghiệt. Được cán bộ tuyên truyền, vận động, các hộ dân bắt đầu chuyển biến nhận thức, mạnh dạn nhận giao khoán đất lâm nghiệp đầu tư trồng rừng, chăn nuôi đại gia súc, ứng dụng tiến bộ khoa học vào canh tác lúa nước, lựa chọn giống vật nuôi cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, có giá trị hàng hóa cao… Tư duy chủ động, nỗ lực vượt khó, tập trung phát triển kinh tế hộ gia đình bền vững của người dân Minh Nga cộng hưởng với các chương trình, dự án hỗ trợ thiết thực, hữu hiệu của Nhà nước đã phát huy hiệu quả tích cực, diện mạo kinh tế-xã hội của khu mấy năm gần đây có bước phát triển nhảy vọt. Minh Nga hiện có 136 nóc nhà với hơn 600 nhân khẩu. Từ 100% hộ nghèo những năm đầu thành lập huyện, đến nay cả bản người Dao còn 28 hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đã vượt mức 15 triệu đồng/năm. Nhiều hộ dân có cuộc sống sung túc, thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ kinh tế đồi rừng.

Giảng viên Triệu Quý Thành.

Giảng viên Triệu Quý Thành.

Khi chất lượng cuộc sống được nâng lên, miếng cơm manh áo không còn là nỗi lo thường nhật, cũng là lúc người Dao ở bản nhận ra lâu nay do gánh nặng mưu sinh mà việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của tổ tiên bị xem nhẹ, bỏ qua. Tiếng nói dẫu vẫn được sử dụng trong giao tiếp nội bộ làng bản và các gia đình nhưng đã ít nhiều sai âm, lệch ngữ điệu. Số người biết đọc, viết cổ tự đồng bào Dao đếm trên đầu ngón tay. Thực trạng này cứ tiếp diễn sẽ đến lúc con cháu người Dao không hiểu tiếng, không đọc được chữ viết cha ông, truyền thống văn hóa bao đời nay cũng sẽ bị mai một, suy tàn. Như thế là bất hiếu, có tội với tổ tiên người Dao. Đắn đo, cân nhắc mãi, mấy người có uy tín, điều kiện kinh tế gia đình khá giả hơn trong bản mới quyết định mở lớp dạy tiếng, chữ viết người Dao vào buổi tối cho tất cả người dân có nhu cầu, tâm huyết với truyền thống văn hóa cha ông. Ban tổ chức lớp đã họp bàn, xin ý kiến trưởng khu dân cư, lãnh đạo xã và mời thầy giáo là những thầy cúng am hiểu tiếng nói, chữ viết cổ của người Dao đứng lớp truyền đạt…

Trong 4 giảng viên được lựa chọn, ông Triệu Quý Thành là người đặc biệt nhất. Sinh năm 1969 tại xóm bản người Dao mạn Xuân Đài, do hoàn cảnh gia đình, ông Thành không được đến trường theo các bạn cùng trang lứa mà sớm phải vất vả, bươn chải ngược xuôi để mưu sinh. Do đó, đến giờ ông vẫn không biết viết chữ quốc ngữ. Nhìn vào sách như nhìn bức vách, đi làm thủ tục hành chính có yêu cầu ký tên là ông lại ngượng ngập xin… điểm chỉ. Không biết cả con số nhưng ông lại có trí nhớ đáng nể phục. Mấy chục số điện thoại người thân, ông đọc vanh vách. Ngày còn đi làm thợ xây ở Hà Nội, chỉ cần chủ nhà chỉ qua bản vẽ là ông chỉ đạo anh em làm chuẩn xác từng chi tiết nhỏ. Đặc biệt, chỉ mất hơn một năm theo học thầy cúng người Dao ở Xuân Đài, ông đã nhận rõ mặt chữ, phát âm chuẩn xác và viết đúng từng ký tự rắc rối con chữ tượng hình của tổ tiên. Có lẽ, ông Thành là “giảng viên” duy nhất… mù chữ theo đúng nghĩa đen và chưa qua bất cứ khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm nào.!

Cha con chung lớp

Đã thành thông lệ, gần hai tháng nay, nắng cũng như mưa, cứ cơm tối xong là mấy chục đàn ông từ trung niên đến trẻ nhỏ trong bản Minh Nga lại gọi nhau bấm đèn pin, mang sách bút đến nhà văn hóa khu để tham gia học tiếng Dao. Đúng 20h, buổi học bắt đầu. Tấm bảng chống lóa xin được từ trường học đã bong mất góc nẹp kim loại kín đặc các chữ tượng hình gắn trên tường ngang với bàn thờ Tổ người Dao. Giảng viên tề chỉnh trong trang phục truyền thống, tay thước, tay bút. Các học viên tùy theo tuổi tác, bé ngồi trước, lớn ngồi sau kín các dãy bàn ghế cũ xin lại từ trường học, nghiêm túc mở sách, tay cầm bút lông mềm chăm chú theo từng động tác, phát âm mẫu của giảng viên. Ngoài cửa, nhiều bà, chị bế theo con nhỏ đứng theo dõi, miệng cũng mấp máy đọc theo. Tiếng thầy giảng, trò đọc bài râm ran, vui nhộn không khác gì các lớp học… ngoại ngữ thông thường. Giờ giải lao, thầy giáo và mấy học viên đứng tuổi lại túm tụm quanh bàn chè kê cuối lớp, vừa chuyền tay nhau chiếc điếu nứa vừa rôm rả chuyện làng bản bằng tiếng Dao. Thoáng ngượng nghịu khi được gọi là thầy giáo, ông Triệu Quý Thành bộc bạch: “Với người Dao, thầy cúng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện các nghi lễ linh thiêng, cầu cúng tổ tiên. Do đó, yêu cầu bắt buộc đầu tiên đối với một thầy cúng là phải biết tiếng nói, chữ viết cổ của người Dao. Cùng với đó là uy tín, sự kính trọng của dân làng với tư cách, đạo đức thể hiện trong cuộc sống hàng ngày và thêm yếu tố rất khó giải thích là duyên nghiệp hay sự lựa chọn ngẫu nhiên mang màu sắc tâm linh huyền bí. Vinh dự, tự hào, nhưng những thầy cúng của người Dao cũng gánh trên vai trách nhiệm rất lớn với cộng đồng làng bản. Thế nên khi được đề nghị truyền dạy chữ viết cổ cho bà con, tôi đã thu xếp công việc, bàn bạc với các thầy được mời dạy tìm tài liệu, phương pháp truyền dậy... ”. Tổ tiên người Dao vốn từ Trung Quốc lưu lạc sang nên chữ viết là các ký tự tượng hình. Học chữ nào, biết chữ ấy. “Giáo trình” được các thầy sử dụng là 4 cuốn dày 9-15 trang kín đặc chữ. Khóa học dự kiến kéo dài trong 1 năm, đảm bảo cho học viên tiếp cận, làm quen với những câu chữ cơ bản nhất trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Phương pháp truyền dạy “cầm tay chỉ việc”, thầy biết đến đâu, hướng dẫn học viên đến đấy...Bước sang tuổi 46, mái tóc đã điểm bạc, ông Phùng Xuân Đình là một trong những học viên được đánh giá là chăm chỉ, cần mẫn nhất lớp và cũng là thành viên cốt cán trực tiếp đứng ra vận động lớp, chia sẻ: “Lâu không sử dụng đến sách bút, giờ ngồi học thấy khó lắm. Cầm bút lông viết cho đúng chữ đã không mấy dễ dàng, để ghi nhớ được cách phát âm, nhận mặt chữ càng nan giải. Nhưng sống quá nửa đời người mà chữ viết của cha ông vẫn không biết thì nói gì đến chuyện dạy bảo con cháu gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc. Thế nên tôi quyết tâm theo học và bảo cả con trai cùng đến lớp...”. Ngồi cách bố một dãy bàn, cậu con trai 20 tuổi Phùng Xuân Thịnh của ông đang bặm môi đưa từng nét bút lông trên trang vở trắng...

Đang học ớp 5 Trường Tiểu học Thạch Kiệt, cậu bé Dương Quý Khang (người đứng giữa) đã đọc, viết được nhiều ký tự cổ của người Dao.

Đang học ớp 5 Trường Tiểu học Thạch Kiệt, cậu bé Dương Quý Khang (người đứng giữa) đã đọc, viết được nhiều ký tự cổ của người Dao.

Nhỏ tuổi nhất lớp, cậu bé Dương Quý Khang đang học lớp 5 Trường Tiểu học Thu Ngạc cũng đều đặn hàng đêm đến lớp theo học. Không biết do tư chất nhanh nhẹn hay tuổi nhỏ dễ tiếp thu cái mới mà cậu học nhanh hơn hẳn các học viên lớn tuổi. Cậu bộc bạch: “Bố cháu bảo cố gắng theo học để biết chữ của người Dao. Chữ viết này lạ, khó học nhưng rất thích. Lớp toàn các bác, các chú thân quen nên học vui lắm. Cháu học xong bài tập ở trường rồi mới đến học chữ Dao. Giờ cháu đã đọc, viết được một số chữ khó rồi...”.

Nhà ở trung tâm xã Tân Phú nhưng anh Dương Văn Hiệu - Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Tân Sơn vẫn nhiệt tình tham gia lớp học. Theo như lời anh: “Tôi là người Dao nên rất muốn tìm hiểu, học tập chữ viết của dân tộc. Đây là điều kiện thiết yếu để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Cùng với đó, kiến thức học được sẽ giúp tôi rất nhiều trong công tác chuyên môn, thực hiện nhiệm vụ được giao...”.Thường xuyên đến thăm lớp học tiếng Dao, Bí thư Đảng ủy xã Thạch Kiệt Hoàng Minh Úy cho biết: “Điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng những năm qua, Đảng ủy, chính quyền xã luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để bà con bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn. Khi lãnh đạo khu Minh Nga báo cáo, xin phép được tổ chức lớp học, chúng tôi đã đồng thuận cho lớp mượn nhà văn hóa khu dân cư, đồng thời nhắc nhở cần đảm bảo an ninh trật tự, kiểm soát nội dung giảng dạy không để vi phạm quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục. Đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 có nguy cơ bùng phát ra cộng đồng, lớp học phải tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định... Tôi thấy mô hình lớp học như thế này rất thiết thực, ý nghĩa. Nếu không bận công việc, chắc chắn tôi cũng tham gia theo học...”.Hiện tại, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh, lớp học tiếng Dao tạm ngừng tổ chức. Các học viên tự ôn tập tại nhà và gọi điện hỏi các thầy những từ khó.Không dám chắc sau khóa học 1 năm, 100% học viên sẽ sử dụng thành thạo tiếng nói, chữ viết người Dao cổ. Nhưng, như lời ông Triệu Quý Thành: Chỉ cần 10% người học nắm được kiến thức nền tảng, cơ bản là có thêm những “hạt giống” đảm bảo sự tiếp nối, trao truyền cho hậu thế. Quan trọng hơn, việc người dân nhiệt tình theo học là minh chứng rõ nhất khẳng định truyền thống văn hóa của người Dao đã và đang được các thế hệ con cháu nối tiếp giữ gìn, phát huy hiệu quả...

Cẩm Ninh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/202004/lop-hoc-dac-biet-tren-ban-minh-nga-170209