Lớp học đặc biệt và niềm vui của những 'thiên thần nhỏ'
Dường như lớp học đặc biệt đã khiến cho những 'thiên thần nhỏ' có thêm niềm tin, động lực để chiến đấu với căn bệnh quái ác.
Chuyện không may của những "thiên thần nhỏ"
Tại Trung tâm Huyết học – Truyền máu tỉnh Nghệ An (phường Hưng Dũng, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An) là nơi "bơm dầu, lọc dầu" để duy trì sự sống cho nhiều những bệnh nhân nhí mắc các bệnh về máu. Các em đến từ nhiều huyện thị của Nghệ An và các tỉnh lân cận, một lượng lớn là con em tại những huyện miền núi xa xôi.
Từ nhiều năm nay, bà Lô Thị Miệu (52 tuổi) cùng đứa cháu gái tội nghiệp của mình thường xuyên vượt hơn 150 km đường, từ huyện miền núi Con Cuông tới TP. Vinh để điều trị bệnh. Cháu gái bà Miệu là bé Lê Vi Khánh Huyền (5 tuổi) không may bị bệnh tan máu bẩm sinh từ nhỏ. Cũng từ đó bà chính là "bạn đồng hành" của "thiên thần nhỏ" này trong hành trình trị bệnh.
"Cháu gái tôi phát hiện bệnh tan máu bẩm sinh từ khi 6 tháng tuổi. Tuy mới 5 tuổi nhưng đã có 4 năm điều trị tại đây. May mắn là bệnh của cháu được phát hiện sớm, điều trị tốt nên không diễn biến nặng. Bố mẹ cháu bận đi làm chăm lo cho cuộc sống và trang trải tiền điều trị cho cháu nên tôi thường xuyên dẫn cháu xuống điều", bà Miệu cho biết.
"Thiên thần nhỏ" Vi Ngọc Diệp (8 tuổi) đã cũng bố là anh Vi Văn Phú (34 tuổi) dắt díu nhau từ vùng quê nghèo của huyện miền núi Tương Dương tới trung tâm để điều trị chứng bệnh giảm tiểu cầu.
"Con gái tôi đang điều trị chứng bệnh giảm tiểu cầu máu. Những ngày đầu đến đây, cháu hay bị ốm vặt, chảy máu cam. Nhưng khi được các bác sĩ chăm sóc ân cần, sức khỏe của bé đã ổn định và ổn hơn lúc trước", anh Phú cho biết.
Hầu hết những gia đình có con nhỏ bị bệnh máu đang điều trị tại trung tâm đều có gia cảnh không mấy khá giả, một số thì lâm vào cảnh "bĩ cực". Công việc không ổn định, kinh phí cho những đợt chữa trị dài ngày cho con, cháu không khiến những phụ huynh này phải lao lực.
Cũng có con bị tan máu bẩm sinh, chị Lê Thị Lựu (33 tuổi) quê ở Con Cuông cho biết: "Con tôi năm nay được 4 tuổi, cháu bị tan máu bẩm sinh, đã điều trị ở đây được gần 1 năm rồi. Gia đình tôi thuộc diện khó khăn, vợ chồng đều làm nông ở nhà nên chi phí đi lại khá tốn kém".
Vẫn ê a con chữ trong lúc chiến đấu với bệnh tật
Anh Nguyễn Tuấn Anh – Điều dưỡng viên Khoa Bệnh máu tổng hợp II, Phó Bí thư Đoàn Trung tâm Huyết học và Truyền máu tỉnh Nghệ An chia sẻ, trong quá trình các cháu điều trị, các y bác sĩ, nhân viên y tế không chỉ dùng thiết bị y tế, thuốc để điều trị mà cần "làm tâm lý" cho các cháu và phụ huynh. Bởi khi tâm lý tốt, các cháu sẽ có động lực để chiến đấu với bệnh, phụ huynh sẽ an tâm đồng hành cùng con.
Nhận thấy phần lớn các cháu điều đang điều trị bệnh tại trung tâm đều đang độ tuổi đến trường. Các cháu thường xuyên phải nghỉ học để điều trị dài ngày vậy nên rất khó để theo chương trình học. Từ ý tưởng, năm 2020 "Lớp học yêu thương" đã thành hình ở trung tâm, là nơi các cháu học tập, vui chơi cùng bạn bè trong thời giạ chiến đấu cùng bệnh tật.
Những người đứng lớp chủ yếu là các tình nguyện viên đang học tập tại các các trường đại học trên địa bàn TP. Vình như: Y khoa Vinh, Đại học Vinh, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật 3 cùng một số phụ huynh của bệnh nhi.
Chị Nguyễn Thị Thu Trang, sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Vinh - Chủ nhiệm CLB Chắp cánh ước mơ của Trung tâm Huyết học – Truyền máu tỉnh Nghệ An cho biết, vì bệnh tật nên việc học của các cháu đều bị gián đoạn. Vậy nên lượng kiến thức của các em cũng ít hơn các bạn cùng trang lứa, thậm chí còn một số em phải bỏ học giữa chừng.
"Dù bệnh tật nhưng khi tới trung tâm điều trị, các em vẫn luôn tới lớp đều đặn. Có những em không thể tự đi xuống vẫn nhờ người nhà, y bác sĩ, điều dưỡng bế xuống lớp để tham gia học. Lớp được lập nên với mục đích là nơi để các con cùng gặp gỡ, chia sẻ và bù đắp những phần có thể kiến thức nên không quá áp lực cho các con về thành tích", chị Trang chia sẻ.
Nói thêm về lớp học, chị Thu Trang cho biết, số lượng tình nguyện viên trong CLB dao động từ 20 - 25 thành viên, mỗi buổi học sẽ phân công nhóm từ 3 - 4 bạn tham gia giảng dạy. Ngoài công việc giảng dạy trên lớp, CLB còn tổ chức nhiều buổi sinh hoạt ngoại khóa, không chỉ nâng cao kiến thức mà còn tạo không khí thoải mái cho các em.
"Em điều trị ở trung tâm bệnh đỡ chú ạ. Các bác sĩ chữa bệnh rồi còn có các cô chú dạy con học. Khi không học có cô chú còn đến tận phòng để nói chuyện và tặng quà cho chúng em. Em thương bác sĩ và các cô chú nhiều lắm. Con hứa sẽ cố gắng để sớm lành bệnh và về đi học cùng bạn có giấy khen để khoe với mọi người", thiên thần Vi Ngọc Diệp, con gái anh Vi Văn Phú ngây ngô nói.
Thấy cháu gái mình cùng những cháu nhỏ đồng cảnh ngộ được sinh hoạt, học tập khiến cháu có niềm tin, động lực hơn để trị bệnh, Lô Thị Miệu xúc động: "Khi xuống đây trị bệnh, cháu tôi được sinh hoạt cùng các cháu bé bị bệnh khác. Thấy cháu phấn khởi hẳn lên, mỗi buổi tối có lớp học học cháu đều ăn cơm rất nhanh để chạy xuống cùng anh chị tình nguyện viên".
Chị Lê Thị Lựu cũng rưng rưng chia sẻ: "Bé nhà tôi thì đang học mẫu giáo, vì còn điều trị thời gian dài ở đây nên tôi cho bé xuống sinh hoạt cùng anh chị, được mọi người ân cần chỉ bảo tôi vui lắm, nhìn thấy con tôi tươi cười mà tôi khó kìm nước mắt. Cũng sắp đến lứa tuổi đến trường, hi vọng cháu sẽ học được thêm nhiều từ các bạn và anh chị tình nguyện viên".
Dường như lớp học đặc biệt ở nơi tưởng như chỉ có bệnh tật đeo bám đã khiến cho những thiên thần nhỏ có thêm niềm tin, động lực để chiến đấu với những căn bệnh quái ác. Mong sao niềm vui của những buổi học mang lại sẽ giúp các cháu sớm chiến thắng bệnh tật.