Lớp học đầu tiên thời dựng Đảng - Giá trị lý luận và thực tiễn

Phát biểu của đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương tại Hội thảo quốc gia 'Lớp học đầu tiên thời dựng Đảng - giá trị lý luận và thực tiễn'.

Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng phát biểu. Ảnh: TTXVN

Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng phát biểu. Ảnh: TTXVN

Thưa các đồng chí,

Trên hành trình ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, khác với các nhà yêu nước, sĩ phu Việt Nam đương thời, với trí tuệ mẫn tiệp và tầm nhìn thời đại, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sớm nhận ra rằng: Làm cách mạng trước hết phải có những con người am hiểu lý luận-thực tiễn, có phẩm chất đạo đức cách mạng. Đến với chủ nghĩa Mác-Lênin và con đường cách mạng vô sản, Người đã tích cực chuẩn bị cho mình một lộ trình “trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”(1). Sớm nắm bắt được hoàn cảnh thực tiễn cách mạng Việt Nam, khi các phong trào yêu nước, phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân ta thất bại do có những “nguyên nhân là vì họ còn thiếu tổ chức, thiếu người lãnh đạo” cho nên Người thấy rằng: “cần phải giúp đỡ họ tổ chức lại, cần phải cung cấp cán bộ lãnh đạo cho họ và chỉ cho họ con đường đi tới cách mạng và giải phóng” (2).

Tháng 11/1924, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tới Quảng Châu, Trung Quốc - một trung tâm cách mạng thời đó được mệnh danh là “Mátxcơva ở phương Đông”, địa bàn đứng chân tin cậy của các nhà yêu nước Việt Nam và nhiều nước châu Á. Tại đây, Người đã hình thành được nhóm trung kiên là một số thanh niên đầy chí khí yêu nước và cách mạng từ trong nước sang để thành lập tổ chức Cộng sản Đoàn. Trên cơ sở Cộng sản Đoàn là hạt nhân, tháng 6/1925, Người sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đồng thời xuất bản tờ báo Thanh Niên - cơ quan của Tổng bộ Thanh niên, để truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, lý luận cách mạng về trong nước.

Dưới sự lãnh đạo của Người, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã “tổ chức một trường tuyên truyền”, với mục đích huấn luyện, đào tạo những thanh niên Việt Nam yêu nước thành những người mở đường và tổ chức lãnh đạo nhân dân Việt Nam thực hiện thắng lợi công cuộc cứu nước, giải phóng dân tộc; trong đó, nhiệm vụ trước hết là đóng vai trò thiết lập các đường dây liên lạc cách mạng ở trong nước và nước ngoài, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, lý luận và phương pháp hoạt động cách mạng về trong nước, gây dựng cơ sở cách mạng, làm chuyển biến phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam từ tình trạng tự phát lên trình độ tự giác.

Cuối năm 1925, tại Quảng Châu, lớp huấn luyện chính trị chính thức đầu tiên được tổ chức, mở ra một bước ngoặt mới trong quá trình tập hợp, xây dựng lực lượng cách mạng; chuẩn bị cho việc thành lập Đảng và công cuộc cứu nước, giải phóng dân tộc. Vượt qua mọi khó khăn, trong giai đoạn 1925-1927, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã mở được 10 lớp huấn luyện, mỗi lớp kéo dài một tháng rưỡi, cho khoảng 250-300 học viên. Đây có thể được coi là những khóa huấn luyện cán bộ “chính quy” đầu tiên, với cách thức tổ chức quản lý lớp, huấn luyện học viên rất hệ thống, bài bản, toàn diện, thiết thực, không ham nhiều, cốt “mở lớp nào cho ra lớp ấy”. Đích thân lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng một số cán bộ chủ chốt của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và cán bộ Xô-viết trong phái đoàn đại diện của Chính phủ Liên Xô bên cạnh Chính phủ Trung Hoa Quốc dân Đảng, cán bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc trực tiếp tham gia huấn luyện, giảng dạy.

Các học viên tham gia chương trình huấn luyện đã được khai mở tri thức về lịch sử cách mạng thế giới, lý luận Mác-Lênin, quan điểm cách mạng của Quốc tế cộng sản và của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc; được chú trọng trang bị kiến thức lý luận đi đôi với phương pháp tư duy và phương thức hoạt động cách mạng, từ đó hình thành thế giới quan và nhân sinh quan cách mạng đúng đắn. Kể từ đây, phong trào cách mạng Việt Nam đã bước sang một trang mới, phát triển cả về chất và lượng, được trang bị về vũ khí lý luận-tư tưởng và về xây dựng đội ngũ, công tác tổ chức-cán bộ, tiền đề hết sức quan trọng tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào mùa xuân năm 1930.

Nhìn lại 100 năm đã trôi qua, chúng ta càng thấy rõ tầm vóc, giá trị, ý nghĩa và đúc kết được những bài học vô cùng quý báu từ những lớp học đầu tiên thời dựng Đảng, cứu quốc, mở đầu cho truyền thống đào tạo, bồi dưỡng cán bộ vẻ vang, rất đỗi tự hào của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là người thày đầu tiên trong công tác huấn luyện cán bộ của Đảng, người đã đặt nền móng vững chắc cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Tại những lớp huấn luyện cán bộ, phương pháp của Người vừa đơn giản, dễ hiểu nhưng lại rất thiết thực và khoa học, tập trung vào những nội dung thuyết trình, thảo luận theo nhóm, phân vai thực hành... giúp người học vừa nắm chắc lý thuyết, vừa có khả năng vận dụng ngay những điều được huấn luyện vào hoạt động thực tiễn. Đặc biệt, cùng với việc mở lớp huấn luyện chính trị, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc còn lựa chọn, cử những học viên xuất sắc đi học tại Trường đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Mátxcơva (Liên Xô), Trường Quân sự Hoàng Phố và Trường Huấn luyện cán bộ Nông vận ở Quảng Châu (Trung Quốc); và theo đó, Người đã đào tạo được một đội ngũ cán bộ đa dạng, có những kỹ năng chuyên sâu, đáp ứng được yêu cầu của phong trào cách mạng.

Trong những bài giảng hết sức sinh động và dễ hiểu, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã quán triệt sâu sắc và thể hiện sự vận dụng sáng tạo lý luận Mác-Lênin phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam; coi đó là “nguyên tắc vàng” ngay từ buổi ban đầu mở lớp. Nhờ đó, học viên được trang bị những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, đường lối chiến lược và sách lược của Quốc tế cộng sản; nghiên cứu, tìm hiểu chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn, tư tưởng của cách mạng Pháp, về tình hình thế giới, lịch sử tiến hóa của nhân loại; được lý giải tường tận “đường cách mạng” là gì, tại sao phải làm “cách mạng”?, “cách mạng” trước hết cần những điều kiện tối quan trọng nào? v.v. Đồng thời, người học còn được vũ trang về những nguyên tắc hoạt động bí mật, kỹ năng thực hành công tác vận động quần chúng, liên lạc, làm truyền đơn, báo chí; phương pháp tổ chức các cuộc đấu tranh, huấn luyện tự vệ,…

Những bài giảng của Người tại các lớp huấn luyện cán bộ ở Quảng Châu đã được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông xuất bản thành tác phẩm Đường Kách mệnh (1927) - có thể coi đây là cuốn Giáo trình đầu tiên cho công tác huấn luyện cán bộ của Đảng, trở thành một “bảo vật quốc gia”, tạo nên nền tảng tư tưởng cho đường lối cách mạng Việt Nam. Trong đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc luôn nhấn mạnh tới rèn luyện “Tư cách của người cán bộ cách mạng”, với 23 điều bao hàm cốt lõi những chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, điều mà về sau, Người đã ghi vào Sổ vàng truyền thống của Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc tại Định Hóa, Thái Nguyên (tháng 9/1949), với quan điểm hết sức đúng đắn và độc đáo rằng: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”.

Cũng chính người thầy Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp lựa chọn những học viên đầu tiên từ những học viên đầu tiên là những thanh niên nhiệt huyết yêu nước và giác ngộ lý tưởng cách mạng, có chí khí, có hoài bão, khát vọng đấu tranh cho độc lập, tự do. Sau khi được đào luyện, lớp cán bộ ấy được phái về nước, thâm nhập vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, thông qua phong trào Vô sản hóa - một môi trường được ví như “lửa thử vàng” đối với cán bộ cách mạng thời dựng Đảng, cứu quốc. Trong điều kiện muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, đội ngũ cán bộ đó đã chứng tỏ được tài năng xuất chúng, trở thành lực lượng rường cột, những “hạt giống đỏ” trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam; gây dựng các tổ chức cộng sản tiền thân của Đảng, đó là: An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Đảng, Đông Dương cộng sản Liên đoàn và đi tới thống nhất thành một chính đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam, được thành lập vào mùa xuân năm 1930.

Những lớp huấn luyện cán bộ đầu tiên đã cho thấy tư tưởng, nội dung, nguyên tắc, phương pháp huấn luyện cán bộ cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đặt cơ sở nền tảng về lý luận và thực tiễn cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng và để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu:

(1)- Bài học về quan điểm của Đảng đối với công tác huấn luyện cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là: “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”; “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết” (3).

(2)- Bài học về cách thức Đảng tuyển chọn đối tượng đào tạo, bồi dưỡng, nhất là đối với cán bộ cấp chiến lược; về xây dựng nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp người học và đòi hỏi của thực tiễn cách mạng Việt Nam. Các lớp huấn luyện cán bộ đầu tiên đã trở thành một hình mẫu về sự lựa chọn đối tượng huấn luyện, để hình thành nên đội ngũ cán bộ cách mạng có đức, có tài thời dựng Đảng, phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và cho cả tiến trình của cách mạng Việt Nam về sau.

(3)- Bài học về kết hợp học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn; về phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ được đào tạo, huấn luyện trong thực tiễn cách mạng; phát huy tối đa giá trị của công tác huấn luyện cán bộ, xây dựng được hình mẫu cán bộ cách mạng giỏi về lý luận, am tường thực tiễn, có năng lực lãnh đạo và xử lý các tình huống trong thực tế lãnh đạo, tuyệt đối trung thành với Đảng, với lý tưởng cách mạng, xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Kế thừa, phát huy truyền thống và những bài học kinh nghiệm trong công tác huấn luyện cán bộ qua các thời kỳ cách mạng, qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đặc biệt trong những năm gần đây, Đảng ta tiếp tục đẩy mạnh đổi mới toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; trong đó, tập trung đổi mới, đa dạng hóa nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực của cán bộ; thực hiện các phương châm: “người học là trung tâm, giảng viên là động lực, nhà trường là nền tảng”, bảo đảm tính “cơ bản, hệ thống, thực tiễn, hiện đại”, thực hành thi đua “dạy tốt, học tốt, rèn luyện tốt”; đổi mới mạnh mẽ công tác đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng; chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên có bản lĩnh, lập trường chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, sâu sắc về lý luận, am tường về thực tiễn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số và tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là hệ thống trường Đảng trong cả nước, đang được xây dựng, kiện toàn tổ chức theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với vai trò là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của toàn hệ thống chính trị, tiếp tục khẳng định vị thế là ngôi trường “bản sắc, hiện đại, hội nhập”, ngôi trường Đảng cao cấp nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu; đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Những lớp học đầu tiên thời dựng Đảng đã ghi một mốc son trong pho sử vàng của Đảng Cộng sản Việt Nam, đánh dấu 100 năm sự ra đời của “cơ quan đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng” và sự khởi đầu của một phương thức huấn luyện cán bộ mới thời dựng Đảng, cứu nước và về sau là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phục vụ sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Với ý nghĩa quan trọng đó, thông qua những tư liệu và bằng chứng lịch sử, chúng ta có trách nhiệm làm rõ và sâu sắc hơn luận cứ về 100 năm truyền thống vẻ vang của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng, gắn liền với truyền thống của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ngôi trường do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập.

Năm tháng qua đi, chúng ta càng thấm nhuần các bài học kinh nghiệm vẫn còn nguyên giá trị của các lớp học đầu tiên đã trở thành cẩm nang trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng để tiếp tục kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo trong giai đoạn mới; càng biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - Người đã cho thấy tầm nhìn chiến lược về công tác cán bộ thời dựng Đảng, từ việc khai mở những lớp huấn luyện cán bộ đầu tiên, biên soạn cuốn giáo trình đầu tiên “Đường Kách mệnh” và trở thành người thầy đầu tiên của những thế hệ học viên đầu tiên mà nhiều người trong số đó đã trở thành lớp cán bộ tiền bối tiêu biểu thời dựng Đảng.

Trong không khí chào đón mùa Xuân mới - Xuân Ất Tỵ 2025, kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng quang vinh, hướng tới kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Hội thảo “Lớp học đầu tiên thời dựng Đảng - Giá trị lý luận và thực tiễn” là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm tự hào về truyền thống vẻ vang, pho lịch sử bằng vàng của Đảng, trong đó có công tác huấn luyện cán bộ - công việc gốc của Đảng; nỗ lực tăng tốc, về đích thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; chuẩn bị thật tốt tiến hành tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; tự hào, tự tin, tự chủ, tự lực, tự cường, vững vàng bước vào kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn!
________________
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.1, tr.209.
(2) Nguyễn Ái Quốc phát biểu ý kiến tại Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản họp phiên thứ 25.
(3) Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố năm 1969.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/lop-hoc-dau-tien-thoi-dung-dang-gia-tri-ly-luan-va-thuc-tien-post857037.html