Lớp học ghép đặc biệt ở Tả Khoa Pá

Tại một góc xa xôi của vùng biên giới thuộc xã Sen Thượng (huyện Mường Nhé), điểm trường bản Tả Khoa Pá có lớp học ghép của 10 em nhỏ thuộc ba độ tuổi khác nhau: 3 tuổi, 4 tuổi và 5 tuổi. Đây không chỉ là nơi tiếp nhận tri thức đầu đời mà còn là không gian ấm áp giữa thiên nhiên khắc nghiệt và điều kiện thiếu thốn.

Lớp học ghép đặc biệt được phụ trách bởi 2 cô giáo: Lò Thị Hà và Lỳ Phì De. Dù xuất phát điểm khác nhau, nhưng cả hai cô chung lòng nhiệt huyết vì tương lai của các em nhỏ nơi đây. Cô giáo Lỳ Phì De đã gắn bó với điểm trường khoảng một năm, trong khi cô giáo Lò Thị Hà mới đến nhận công tác gần một tháng. Trước khi cô Hà lên hỗ trợ, cô De một mình đảm nhận tất cả: Vừa dạy học, vừa nấu cơm và chăm sóc các cháu.

Mỗi ngày, hai cô vượt quãng đường hơn 10km từ trung tâm xã Sen Thượng đến điểm trường. Những sáng đông lạnh giá, con đường chênh vênh vách núi như thử thách ý chí của các cô. Cô giáo Hà tâm sự: “Nhiều hôm trời rét quá, tôi và cô giáo De phải mặc nhiều lớp áo, cố gắng xuất phát từ mờ sáng để kịp giờ đón các cháu”.

Lớp học phải dựa vào 100% ánh sáng tự nhiên do khu vực bản Tả Khoa Pá chưa có điện lưới quốc gia

Lớp học phải dựa vào 100% ánh sáng tự nhiên do khu vực bản Tả Khoa Pá chưa có điện lưới quốc gia

Dạy học tại lớp ghép đòi hỏi sự kiên nhẫn và kỹ năng tổ chức cao. Với 3 độ tuổi khác nhau, 2 cô giáo phải chia nhóm các trẻ để giảng dạy. Từ nhóm tập tô chữ cho trẻ 3 tuổi đến dạy chữ cái, số đếm cho trẻ lớn hơn. "Điều khó khăn nhất là phải cân bằng giữa việc dạy học cho 3 lứa tuổi trong cùng một lớp. Mỗi độ tuổi có bài học khác nhau, đòi hỏi chúng tôi phải lên kế hoạch chi tiết và chia nhóm học phù hợp" - cô Hà chia sẻ.

Khó khăn không chỉ nằm ở chuyên môn mà còn ở rào cản ngôn ngữ. Cô giáo Hà, người dân tộc Thái, đôi lúc gặp khó khăn khi giao tiếp với các em nhỏ dân tộc Hà Nhì. Khi ấy, cô De cũng là người Hà Nhì, trở thành cầu nối ngôn ngữ. Cô De cho biết: “Nhiều khi các em không hiểu, tôi phải dùng cả tiếng Kinh lẫn tiếng Hà Nhì để phiên dịch. Có lúc bất đồng nhưng chúng tôi luôn cố gắng”.

Phòng học tuy nhỏ nhưng được 2 cô tận dụng tối đa. Góc này là nơi học chữ, góc kia dành cho các em chơi đồ chơi. Buổi sáng, các em học tập, tô màu và nghe cô kể chuyện. Trưa đến, sau khi cho trẻ ăn và ngủ trưa xong xuôi, hai cô mới tranh thủ ăn cơm và dọn dẹp. Buổi chiều, các cô tổ chức trò chơi vận động cho trẻ rèn luyện sức khỏe.

Ngoài việc dạy học, hai cô còn chuẩn bị bữa ăn bán trú cho học sinh trong căn lán vách nứa.

Ngoài việc dạy học, hai cô còn chuẩn bị bữa ăn bán trú cho học sinh trong căn lán vách nứa.

Do điều kiện hạn chế, các em không có đồng phục hay giày dép đầy đủ. Những ngày trời rét, lớp học trở nên lạnh hơn bởi gió lùa qua khe cửa, hay những lần mưa lớn, nước tràn vào lớp khiến không gian học tập trở nên ẩm ướt và nguy hiểm. Tuy vậy, không khí học tập vẫn luôn sôi động bởi tiếng ê a đọc bài, tiếng cười đùa của các em.

Cơ sở vật chất tại điểm trường Tả Khoa Pá vẫn còn nhiều thiếu thốn. Khu vực điểm trường chưa có điện lưới quốc gia, toàn bộ lớp học phải dựa vào ánh sáng tự nhiên. Những ngày trời âm u, lớp học tối tăm, việc dạy học bị gián đoạn.

Dù đối mặt với vô vàn khó khăn, 2 cô giáo luôn tìm cách cải thiện chất lượng học tập. Các cô tự làm đồ chơi từ nguyên liệu tái chế, trang trí lớp học bằng giấy màu và họa tiết vẽ tay. "Chúng tôi tận dụng những vật liệu sẵn có như tre, nứa hay giấy bìa để làm đồ chơi. Dù đơn giản nhưng các con đều rất thích" - cô De chia sẻ.

Một góc nhỏ với những đồ dùng được các cô giáo làm từ nguyên liệu tái chế

Một góc nhỏ với những đồ dùng được các cô giáo làm từ nguyên liệu tái chế

Mạng di động tại khu vực này cũng chập chờn, gây khó khăn trực tiếp cho việc tổ chức hoạt động giảng dạy. Những bài giảng trực quan qua trình chiếu không thể thực hiện tại điểm trường vì không có điện. Thay vào đó, các cô phải đi ra trung tâm huyện Mường Nhé để in tài liệu giảng dạy. Dù tốn kém thời gian và công sức, nhưng với họ, mọi nỗ lực đều xứng đáng nếu giúp các em học sinh hiểu bài. Sự hỗ trợ từ phụ huynh và các tổ chức thiện nguyện phần nào giúp giảm bớt gánh nặng. Cô giáo Lỳ Phì De chia sẻ thêm: Rất mong nhận được sự giúp đỡ để cải thiện điều kiện học tập cho các cháu.

Hiện tại, Đồn Biên phòng Sen Thượng đã và đang phối hợp với một số tổ chức thiện nguyện hỗ trợ điểm trường. Những trang thiết bị dạy học, bàn ghế và đồ chơi sẽ sớm được bổ sung, mang lại điều kiện học tập, vui chơi tốt hơn cho trẻ. Thượng tá Lò Văn Ván, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sen Thượng cho biết: “Chúng tôi hy vọng sự chung tay của cộng đồng sẽ giúp điểm trường khang trang hơn, để các cháu có môi trường học tập tốt nhất”.

Niềm vui của các cô giáo và học sinh thường đến từ những điều nhỏ bé. Đó là khi các em hào hứng khoe bức vẽ, hay khi cả lớp đồng thanh hát bài học mới. “Chỉ cần nhìn thấy các cháu tiến bộ từng ngày, tôi cảm thấy mọi khó khăn đều xứng đáng”, cô Hà nói với ánh mắt tự hào.

Phụ huynh tại bản Tả Khoa Pá cũng hết sức trân trọng công sức của các cô giáo. Một số phụ huynh dù bận rộn vẫn cố gắng đưa con đến lớp mỗi ngày. Những em nhà gần thì tự đi bộ tới trường, đôi khi mang theo chút quà từ nhà tặng cô giáo.

Điểm trường bản Tả Khoa Pá không chỉ là nơi các em học chữ mà còn là nơi các cô giáo gieo mầm hy vọng

Điểm trường bản Tả Khoa Pá không chỉ là nơi các em học chữ mà còn là nơi các cô giáo gieo mầm hy vọng

Dù cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, niềm vui của các cô giáo và trẻ nhỏ ở lớp học ghép nơi biên giới vùng cao vẫn được tìm thấy trong từng khoảnh khắc giản dị. Đó là khi một em nhỏ biết viết chữ đầu tiên, hay khi các em cùng nhau hoàn thành bức tranh vẽ về bản làng của mình.

Điểm trường bản Tả Khoa Pá không chỉ là nơi các em học chữ mà còn là nơi các cô giáo gieo mầm hy vọng, xây dựng nền tảng đầu tiên cho tương lai. Những lớp học như thế này là minh chứng cho tinh thần tận tâm của những người mang sứ mệnh giáo dục vùng cao, và cũng là lời nhắc nhở rằng ở bất cứ nơi đâu, tri thức luôn là ánh sáng dẫn đường. Sự chung tay của cộng đồng, cùng với tình yêu nghề và nhiệt huyết của các thầy, cô giáo sẽ mang đến những thay đổi tích cực, giúp các em học sinh nơi đây có một tương lai tươi sáng hơn.

Bài, ảnh: Thu Thảo

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/giao-duc/lop-hoc-ghep-dac-biet-o-ta-khoa-pa