Đưa CSGDĐH đa ngành về Bộ GDĐT nhằm tinh gọn bộ máy, phù hợp Nghị quyết 18-NQ/TW
Theo chuyên gia, đưa các trường đại học trực thuộc bộ ngành, địa phương khác về Bộ GD&ĐT, sẽ góp phần tạo sự thống nhất trong toàn hệ thống giáo dục đại học.
Nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội cho rằng nên xem xét đưa các cơ sở giáo dục đại học công lập đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực (trừ các trường công an, quân đội) về trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo để vừa tinh gọn bộ máy, vừa tạo sự quản lý đồng bộ, thống nhất.
Đã tới lúc “gom về một mối”
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp chỉ ra rằng: “Theo định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, dự kiến Chính phủ sẽ cơ cấu, sắp xếp và hợp nhất các bộ như: Hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính (giữ nguyên tên Bộ Tài chính); Hợp nhất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng (giữ nguyên tên Bộ Xây dựng); Hợp nhất Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ (giữ nguyên tên Bộ Khoa học và Công nghệ); Hợp nhất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ (giữ nguyên tên Bộ Nội vụ). Tuy nhiên, các bộ này có nhiều trường đại học, học viện trực thuộc.
Vì lẽ đó, nhiều ý kiến đề xuất nên đưa các trường đại học, học viện thuộc các bộ ngành, địa phương về trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, để tạo sự đồng bộ, nhất quán trong hệ thống giáo dục đại học trên toàn quốc.
Tôi cũng cho rằng, khi các cơ sở giáo dục đại học cùng chịu sự quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có thể dễ dàng kiểm soát và điều chỉnh chất lượng đào tạo, kiểm định và đánh giá các trường trên cùng một tiêu chuẩn. Chính vì vậy, tôi ủng hộ đề xuất nên chuyển các trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực về trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo”.
Đồng tình với quan điểm trên, Giáo sư, Tiến sĩ Hà Thanh Toàn - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, Đại biểu Quốc hội khóa XII cũng bày tỏ: “Tôi rất ủng hộ đề xuất chuyển các cơ sở giáo dục đại học thuộc các bộ ngành, địa phương khác về trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đã rất lâu, đã có nhiều chuyên gia đề xuất, mong mỏi như vậy, bởi tình trạng như thời gian qua, không chỉ riêng Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, mà có rất nhiều bộ ngành khác cũng tham gia quản lý, dẫn đến bất hợp lý trong quản lý chỉ đạo và có thể mâu thuẫn trong xây dựng khung chương trình…
Tôi cho rằng, đã tới lúc phải “gom về một mối” về mặt quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học, cao đẳng. Bởi, trên thực tế, thời gian qua, việc quản lý hệ thống giáo dục đại học, cao đẳng vẫn chưa thực sự thống nhất. Điều đó dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn ngân sách; thứ hai, không kiểm soát được chất lượng đào tạo đại học, đào tạo nghề trong cả nước.
Khi đưa các trường về Bộ Giáo dục và Đào tạo, chắc chắn một điều, sẽ tạo ra nhiều thuận lợi, như thống nhất về chủ trương, đường lối, chính sách của Chính phủ đối với giáo dục đại học, cao đẳng. Mặt khác, sẽ kiểm soát được chất lượng của tất cả các ngành đào tạo của giáo dục đại học và cao đẳng trên cả nước”.
“Chính vì vậy, tôi cho rằng, trong thời gian tới, rất cần có sự thống nhất quản lý trong toàn ngành, cũng như cần có sự ủng hộ từ các bộ ngành Trung ương khác. Đối với vấn đề này, vai trò điều phối của Chính phủ là rất cần thiết” - thầy Toàn nhấn mạnh.
Song song với đó, Giáo sư Hà Thanh Toàn cũng đặt vấn đề, băn khoăn về hệ thống quản lý cần phải phân công như thế nào cho rõ ràng: “Việc “gom về một mối” cũng sẽ khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo phải quản lý nhiều cơ sở giáo dục đại học hơn so với trước đây. Nên chắc chắn, cũng sẽ có sự thay đổi về bộ máy tổ chức. Tuy nhiên, vẫn sẽ đảm bảo được sự thông suốt trong toàn hệ thống giáo dục đại học”.
Thống nhất quản lý, góp phần tinh gọn bộ máy
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cũng phân tích cụ thể hơn: “Mặc dù, không thể phủ nhận, hiện nay, khi thuộc các bộ ngành khác, các trường đại học, học viện cũng có những thuận lợi nhất định.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số bất cập, hạn chế nhất định. Chính vì vậy, nếu đưa các cơ sở giáo dục đại học đào tạo đa ngành này về trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, sẽ có sự quản lý thống nhất, đồng bộ. Đồng thời, sẽ khắc phục được một số bất cập hiện nay.
Chẳng hạn, khi các trường này trực thuộc các bộ ngành khác, mỗi bộ ngành này thường sẽ phải có các cục, vụ hoặc bộ phận chuyên trách đào tạo để quản lý. Như vậy, vô hình trung, sẽ gây khó khăn trong việc tinh gọn bộ máy tại chính các bộ ngành này. Chưa kể, mỗi bộ ngành sẽ có cách hiểu khác nhau về tự chủ đại học, có thể sẽ có cách vận hành khác nhau. Hơn nữa, khi xây dựng các đề án cần được phê duyệt, các trường có thể sẽ phải thông qua nhiều cấp khác nhau.
Nếu các trường được đưa về Bộ Giáo dục và Đào tạo, chỉ cần thông qua Vụ Giáo dục đại học và các cục, vụ thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng quản lý các cơ sở giáo dục đại học trên một hệ thống chung, sẽ tạo sự thống nhất, đồng bộ. Mọi chỉ đạo đều được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, không phải qua nhiều tầng nấc hay cần có sự thống nhất giữa các cơ quan quản lý. Như vậy, có thể góp phần giảm bớt các thủ tục, nâng cao hiệu quả quản lý.
Mặt khác, cũng tránh được sự chồng chéo trong các quy định giữa các bộ ngành hoặc địa phương với chỉ đạo từ Bộ Giáo dục và Đào tạo”.
Bên cạnh đó, theo vị đại biểu Quốc hội, để đảm bảo tính hiệu quả trong quản lý, có thể phát triển cơ chế phối hợp liên ngành. Cụ thể, với các ngành đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể phối hợp với các bộ, ngành liên quan để đảm bảo chất lượng đào tạo và nghiên cứu chuyên sâu.
Chẳng hạn, các trường có ngành xây dựng, kiến trúc, giao thông… sẽ được Bộ Xây dựng (sau khi hợp nhất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng) hỗ trợ về chuyên môn, trong khi vẫn trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tương tự, đối với các trường có ngành về nông-lâm-ngư nghiệp hay lĩnh vực môi trường, có thể được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường (sau khi hợp nhất) hỗ trợ chuyên môn.
Vị đại biểu cũng nhấn mạnh, khi đó, sẽ tạo được sự quản lý thống nhất, đồng bộ trong toàn bộ hệ thống giáo dục đại học.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cũng cho rằng, song song với việc đưa các cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực về trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ cũng cần tăng cường hơn nữa vai trò quản lý, đánh giá và giám sát hoạt động của các trường thật hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực trong toàn hệ thống.