Lớp học nghĩa tình nơi biên giới
Thời gian qua, nhiều lớp học xóa mù chữ được cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng Ba Tầng, Thanh (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị) phối hợp với hội phụ nữ địa phương tổ chức để giúp chị em người dân tộc thiểu số biết đọc, biết viết và có thêm kiến thức, kỹ năng sống, từ đó tự tin, tự chủ hơn để vươn lên trong cuộc sống. Bởi vậy, nhiều phụ nữ ở vùng biên giới xa xôi gọi đây là lớp học nghĩa tình.
Bây giờ thì chị Hồ Thị Thông, ở thôn A Dơi Đớ, xã A Dơi (huyện Hướng Hóa) đã đọc được sách, cầm bút viết được chữ. Với chị đây là niềm vui lớn bởi sinh hoạt, sản xuất hằng ngày đã tự tin và thuận lợi hơn trước rất nhiều.
Có được kết quả này là nhờ sự động viên, hỗ trợ của cán bộ biên phòng và hội phụ nữ, chị Thông đã miệt mài tham gia lớp học xóa mù chữ được tổ chức tại nhà văn hóa thôn. “Học chữ với mình cũng như nhiều chị em khác ở A Dơi Đớ khó khăn lắm nhưng phải cố gắng vì biết đọc, biết viết thì cuộc sống đỡ lạc hậu, đỡ khổ cực hơn, biết được nhiều cái hay hơn.
Biết ơn cán bộ biên phòng nhiều lắm”, chị Thông chia sẻ. Chị Thông là một trong gần 70 học viên của 2 lớp xóa mù chữ, trong đó có nhiều phụ nữ Lào nhập quốc tịch Việt Nam được Đồn Biên phòng Ba Tầng phối hợp với Hội Phụ nữ xã A Dơi tổ chức từ tháng 10/2021 - 4/2022.
Để tổ chức được 2 lớp học này, cán bộ biên phòng, phụ nữ đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, người đứng lớp giảng dạy. Tham gia dạy lớp các xóa mù chữ từ những ngày đầu, Đội trưởng Đội Trinh sát Đồn Biên phòng Ba Tầng, Đại úy Hồ Xuân Lê rất hào hứng.
Để các chị nhanh biết đọc, biết viết, Đại úy Lê đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu, tìm tòi phương pháp dạy phù hợp cũng như phối hợp với các tổ chức đoàn thể địa phương huy động thêm sách vở, dụng cụ học tập để hỗ trợ học viên có thêm điều kiện học tập.
“Ban đầu cũng gặp không ít khó khăn do nhiều học viên lớn tuổi, tiếp thu chậm, có người do hoàn cảnh gia đình nên vắng một số buổi học nhưng chính tinh thần, ý chí vượt khó học tập để vươn lên trong cuộc sống của các chị đã thôi thúc tôi nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”, Đại úy Hồ Xuân Lê chia sẻ.
Sau thành công của 2 lớp học này, từ tháng 5/2022 đến nay, Đồn Biên phòng Ba Tầng tiếp tục phối hợp tổ chức 3 lớp xóa mù chữ với 110 học viên trên địa bàn 2 xã Ba Tầng, A Dơi. Dự kiến sau 6 tháng tham gia lớp học, mỗi tuần từ 2 - 3 buổi do cán bộ biên phòng và hội phụ nữ dạy, các chị sẽ biết đọc, biết viết và làm được các phép tính cơ bản. Ở tuổi 29, quanh năm quần quật với nương rẫy, với việc nhà lại không biết đọc, biết viết khiến chị Hồ Thị Vui, ở thôn Vầng, xã Ba Tầng chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống.
Từ khi lớp học xóa mù chữ được mở đến nay, chị Vui ngày nào cũng đến lớp bởi chị tìm thấy niềm vui, sự hữu ích từ việc biết đọc, biết viết cũng như được giao lưu, chia sẻ những kiến thức, kỹ năng sinh hoạt và được tham gia sinh hoạt với chị em. “Cuộc sống của chị em chúng tôi còn nhiều khó khăn. Nếu chị em nào cũng biết đọc, biết viết, biết tính toán đơn giản thì chắc chắn việc thoát nghèo, vươn tới cuộc sống no đủ sẽ dễ hơn, nhanh hơn”, chị Vui nói.
Từ tháng 8/2021, Đồn Biên phòng Thanh phối hợp Hội LHPN xã Thanh tổ chức lớp xóa mù chữ cho 30 chị em trên địa bàn thôn Thanh 1. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng điểm chung ở họ là khát khao biết chữ để tự tin, tự chủ vươn lên trong cuộc sống. Khi lớp học kết thúc vào tháng 12/2021, hầu hết các chị tham gia đã biết đọc, biết viết, biết làm những phép tính đơn giản. Từ tháng 7 - 11/2022, đồn tiếp tục phối hợp hội phụ nữ tổ chức thêm 1 lớp tại thôn A Ho với sự tham gia của 30 hội viên phụ nữ.
“Sau 4 tháng tham gia lớp học, mình đã đọc được sách, báo, cầm bút ghi tên tuổi rồi ký các loại giấy tờ. Mình rất vui bởi những việc này trước đây phải nhờ người khác làm”, chị Hồ Thị Thắm ở thôn Thanh 1 phấn khởi nói.
Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Hồ Thị Tê cho biết: “Các lớp học xóa mù chữ được tổ chức là rất thiết thực bởi biết chữ đã giúp chị em tiếp cận được các kiến thức, kỹ năng sản xuất, sinh hoạt, từ đó phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng văn minh, văn hóa. Từ những kết quả đạt được, tới đây chúng tôi tiếp tục phối hợp khảo sát nhu cầu của chị em để tổ chức thêm các lớp xóa mù chữ”.
Chính trị viên Đồn Biên phòng Thanh, Trung tá Ma Phương Trình cho hay: “Việc phối hợp mở các xóa mù chữ cho phụ nữ được xác định là một trong những hoạt động trọng tâm trong công tác dân vận của đơn vị. Do vậy, chúng tôi đã chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, nhất là giáo viên đứng lớp, chương trình dạy và học, cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, đã huy động nhiều sách vở, dụng cụ học tập, kinh phí từ các tổ chức, đóng góp của cán bộ, chiến sĩ đơn vị và cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn”.
Có thể khẳng định, thành công của các lớp học xóa mù chữ do những người lính mang quân hàm xanh phối hợp tổ chức không chỉ góp phần giúp phụ nữ vùng biên nâng cao nhận thức, hiểu biết về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vươn lên làm chủ cuộc sống mà còn thúc đẩy, phát huy ngày càng tốt hơn vai trò của hội viên phụ nữ và người dân trong bảo vệ ninh trật tự, chủ quyền, lãnh thổ quốc gia.