Lớp học ở nơi người lớn tập đánh vần
Tuổi nhỏ không có điều kiện học tập, bước vào tuổi trung niên, khi con cái đã đủ đầy, nhiều nông dân ở xã Hiếu (huyện Kon Plông, Kon Tum) mới rủ nhau đến lớp học xóa mù chữ để tập đánh vần.
Mỗi ngày đến lớp học là một ngày bổ ích
Lớp học xóa mù chữ xã Hiếu được UBND huyện Kon Plông mở tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Hiếu. Tham gia lớp học có nhiều hoàn cảnh khác nhau, đa số là phụ nữ thuộc diện hộ nghèo, có gia đình 2 thế hệ cùng đến lớp để học xóa mù chữ, hiện lớp học có 34 học viên.
Từ ngày có lớp học xóa mù chữ, đời sống người dân xã Hiếu trở nên vui nhộn hẳn. Ban ngày, những người chưa biết chữ bận rộn cầm cuốc lên nương rẫy lao động sản xuất, tối đến lại í ới gọi nhau cùng đi học.
Nhiều người dân xã Hiếu chia sẻ, ban đầu ai cũng ngại vì tuổi tác đã lớn, khó mà học được chữ nhưng rồi càng học càng thấy thích nên các bà, các mẹ, các ông vẫn kiên trì đến lớp với ao ước biết đọc, biết viết.
Chị Y Chen (thôn Đắk Xô, xã Hiếu), một học viên năng nổ của lớp học xóa mù chữ chia sẻ, ngày xưa cha mẹ tôi không cho đi học, cứ bắt ở nhà làm nương rẫy vì nghĩ rằng chỉ có làm rẫy mới có lúa, gạo để ăn. Nhưng bây giờ thấy đời sống phát triển, đến lớp học biết chữ có thể đọc được nhiều thứ, viết được cả họ tên của mình, nên dù tuổi đã nhiều tôi vẫn quyết tâm đi học. Buổi đầu tiên đến lớp học cái gì cũng lạ, nắn nót mãi mới viết được một chữ nhưng chúng tôi được cô giáo và các con, các cháu động viên nhiệt tình nên không bỏ lớp.
Cũng như chị Y Chen, từ ngày biết chữ, chị Y Vớt (thôn Đắk Xô, xã Hiếu) đã mở mang và khám phá ra nhiều điều thú vị. Chị Y Vớt bộc bạch: "ở đây, thầy cô giáo tạo điều kiện cho đi học, cầm tay luyện cho từng nét chữ. Giờ biết viết, biết đọc rồi rất vui mừng vì những lúc rãnh rỗi có thể tập đọc sách của con, ra đường nhìn các bảng hiệu có thể tự đánh vần được mà không phải hỏi người khác".
Lớp học đặc biệt
Để những nông dân nhanh quen mặt chữ, giáo viên của lớp học đặc biệt này phải kiên trì vượt qua nhiều khó khăn, vừa dạy vừa động viên, khích lệ. Giáo viên nào cũng xác định, đến lớp học xóa mù chữ là phải dốc hết tâm sức mới có thể truyền tải được kiến thức cho các học viên.
Cô giáo Y Phân, giáo viên lớp xóa mù chữ xã Hiếu tâm tình, vất vả nhưng giúp được nông dân biết chữ chúng tôi cảm giác rất hạnh phúc. Tôi cảm thấy học viên thích học thật sự, họ thấy hạnh phúc khi biết đọc, biết viết, biết làm toán. Mỗi buổi tối đi học là một ngày vui vì không chỉ được thầy cô dạy chữ mà còn tham gia nhiều hoạt động bổ ích trong lớp giúp cho tinh thần thoải mái sau khi làm việc ở ngoài đồng hay trên rẫy. Với chúng tôi, mỗi ngày được dạy lớp học đặc biệt này là một ngày đầy ý nghĩa".
Không chỉ dừng lại ở việc tập đọc, lớp học xóa mù chữ xã Hiếu còn hướng đến giúp nông dân thành thạo các phép tính cộng, trừ, nhân, chia.
Ông Nguyễn Minh Cường, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo tại huyện Kon Plông, Kon Tum cho biết, trước mắt thì ngành giáo dục động viên các thầy cô giáo yên tâm thực hiện công tác giảng dạy ở lớp xóa mù chữ. Thời gian tới sẽ tham mưu cho UBND huyện có những hỗ trợ cụ thể. Mục tiêu đặt ra cho lớp học xóa mù chữ xã Hiếu là học viên biết đọc trôi chảy, biết viết, biết nhân chia được vài chữ số".
Theo báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kon Plông, trên địa bàn, ngoài lớp học xóa mù chữ xã Hiếu thì còn có thêm 3 lớp xóa mù chữ khác cho nông dân. Trong thời gian qua, công tác vận động, tuyên truyền để người dân tham gia các lớp học được làm một cách thường xuyên, bền bỉ. Việc mở các lớp xóa mù chữ giúp người dân tự tiếp thu kiến thức và có ý chí vươn lên thoát nghèo.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lop-hoc-o-noi-nguoi-lon-tap-danh-van-169230517155533092.htm