Lớp học thể dục tăng độ 'nam tính' cho học sinh gây tranh cãi tại Trung Quốc
Kế hoạch của Bộ Giáo dục Trung Quốc muốn học sinh nam chơi thể thao để thêm 'nam tính' đã làm dấy lên tranh luận trong cộng đồng mạng nước này.
Theo hãng tin Reuters, Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết bộ này sẽ tăng số lượng giáo viên dạy thể dục và mở thêm các lớp học rèn luyện thể chất để tăng độ nam tính cho các em học sinh nam.
Kế hoạch này là giải pháp cho đề xuất được trình vào cuối tháng 5/2020 của một thành viên trong Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc – một cơ quan tham vấn cho chính phủ. Đề xuất kêu gọi Bộ Giáo dục đưa ra giải pháp để giúp các học sinh nam có tính cách quá yếu đuối, ủy mị và nhút nhát do học tập trong môi trường nhiều giáo viên nữ.
Một từ khóa liên quan đến kế hoạch của Bộ Giáo dục Trung Quốc đã thu hút 1,5 tỷ lượt xem trên mạng xã hội Weibo tính đến ngày 3/2.
“Thật khó để tưởng tượng một cậu bé yếu đuối có thể bảo vệ quốc gia khi bị kẻ địch ngoài xâm lược”, một cư dân mạng bày tỏ.
Giống như một số quốc gia châu Á, Trung Quốc có tư tưởng truyền thống trong nam khinh nữ và chính sách một con trong nhiều thập kỷ đã dẫn đến tình trạng cha mẹ quá nuông chiều con trai. Một số cha mẹ ở tầng lớp thượng lưu do lo lắng con trai của họ quá mỏng manh đã gửi chúng đến các trại huấn luyện tư nhân, nơi hứa hẹn biến chúng thành những người đàn ông thực sự thông qua các đợt huấn luyện kiểu quân đội.
Tuy nhiên, kế hoạch của Bộ Giáo dục Trung Quốc vấp phải sự phản đối từ một số học giả. Học giả về nữ quyền Li Jun cho biết kế hoạch của bộ phản ánh tư tưởng truyền thống về giới tính.
“Đề xuất đã phản ánh một số định kiến ở Trung Quốc về nam tính, đi ngược với tư tưởng bình đẳng giới và sự đa dạng, vì đề xuất coi việc đàn ông yếu đuối, mỏng manh là tiêu cực và nguy hiểm trong khi đề cao tầm quan trọng của sự nam tính”, bà Li Jun giải thích.
Yang Li (25 tuổi) – một giám đốc tiếp thị tại Bắc Kinh - cho biết kế hoạch này có thể dẫn đến nhiều vụ bắt nạt hơn. Yang cho biết anh từng bị một giáo viên nam mắng vì đi lại trong sân trường như người mẫu trên sàn diễn.
Để làm dịu cuộc tranh cãi trong dư luận, một số phương tiện truyền thông nhà nước tuần này đã có những bài viết cho rằng kế hoạch xây dựng “nam tính” không nên nhấn mạnh đến sự khác biệt về giới tính mà là về phát triển thể chất khỏe mạnh và sức mạnh nội hàm.