Lớp học tiếng Anh cho trẻ em khó khăn tại chùa Diệu Pháp
Với mong muốn giúp em nhỏ chưa có điều kiện có thể tiếp cận với tiếng Anh, dự án 'Chong Chóng Tre', do các bạn trẻ TP. HCM sáng lập, đã tổ chức lớp học tiếng Anh miễn phí cho trẻ em khó khăn tại chùa Diệu Pháp (Hẻm 106/47/9 Bình Lợi, phường 13, quận Bình Thạnh, TP. HCM).
Lớp học đặc biệt
Lớp học được thành lập vào năm 2020, từng trải qua khoảng thời gian ngừng hoạt động do dịch COVID-19. Đến thời điểm hiện tại, lớp học được duy trì đều đặn vào mỗi tối thứ Tư hằng tuần. Ở lớp học tình thương này, có học sinh thuộc đủ mọi lứa tuổi theo học và hầu hết là con em lao động nghèo, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Giáo viên đứng lớp là các bạn tình nguyện viên thuộc dự án “Chong Chóng Tre”, cả tuần đi học, đi làm, mỗi tối thứ Tư lại sắp xếp thời gian để dạy học cho trẻ em nghèo. Những bài giảng được thiết kế cẩn thận, chi tiết, phù hợp với năng lực và trình độ của từng em.
“Dựa trên giáo trình chung là Grammar Goals, tụi mình đề ra 4 cấp độ gồm: Mầm, Chồi, Lá và Cơm nát. Trong đó, Cơm nát là cấp độ thấp nhất, đa phần là các em nhỏ, chưa biết gì về tiếng Anh. Qua những bài kiểm tra ngắn, các thành viên sẽ đánh giá trình độ, kỹ năng tiếng Anh của mỗi em. Sau đó, các bạn sẽ chọn sách học phù hợp với từng em. Riêng cấp độ Cơm nát, các em sẽ được học theo giáo trình riêng do tụi mình tự soạn. Ví dụ như: tạo postcard, học từ vựng theo chủ đề qua các trò chơi,...”, Phạm Thủy Tiên (năm thứ 2, trường ĐH Văn Lang, Trưởng nhóm Truyền thông của dự án Chong Chóng Tre) cho biết.
Bên cạnh đó, với tiêu chí tạo ra môi trường học tập để các em tự do phát huy khả năng sáng tạo, ở mỗi buổi học, các em sẽ được trao đổi, tìm hiểu về một chủ đề khác nhau như: chào hỏi, giới thiệu bản thân, môi trường, thời trang, phim ảnh và cả những người nổi tiếng… Những chủ đề này được các thầy cô giáo trẻ chuẩn bị từ trước để các bạn học sinh “vừa học vừa chơi”, có hình ảnh, ví dụ sinh động, rèn luyện được các kỹ năng nghe nói, đọc, viết và tạo tâm lý thoải mái, sự hứng thú cho em.
Cũng theo Thủy Tiên, vì lớp học có nhiều độ tuổi khác nhau, mỗi em có mức độ tiếp thu khác nhau nên thông thường mỗi bạn sẽ phụ trách một em để nắm được tình trạng học tập của mỗi em và soạn giáo án phù hợp. Đồng thời, các bạn sẽ tổ chức các buổi họp với nhau sau mỗi buổi dạy để tìm và khắc phục các vấn đề thiếu sót.
Cho đi để nhận lại
Lớp học tiếng Anh không chỉ là nơi các bạn tình nguyện viên được chia sẻ kiến thức cho các em nhỏ mà còn nhận lại nhiều tình yêu thương của các em. Sinh hoạt tại chùa và tham gia lớp học tiếng Anh miễn phí ngay từ những ngày đầu, Hà (12 tuổi, trường THCS Bình Lợi Trung) đã dành nhiều tình cảm với những anh chị tình nguyện viên đứng lớp: “Em sinh hoạt ở chùa, thấy mấy anh chị dạy nên đăng ký vào học. Học ở đây vui lắm, anh chị nào cũng nhiệt tình, giảng dễ hiểu lắm ạ! Vừa học vừa chơi mà vẫn có thể hiểu bài”.
Trót yêu mến các em nhỏ tại lớp học, dù công việc có bận rộn đến đâu nhưng cứ đến tối thứ Tư, anh Nguyễn Phú Hưng (32 tuổi, giáo viên dạy tiếng Anh online) lại tranh thủ đến lớp để dạy học cùng các em: “Mấy bé luôn đem lại cho mình nguồn năng lực tích cực. Chỉ cần được ở với các bé thôi là mình cảm giác như mọi buồn phiền hay mệt mỏi của cuộc sống đều được xua tan, luôn luôn vui vẻ. Bởi vậy, mình luôn dành ra khoảng thời gian cố định để có thể hỗ trợ lớp học”.
Nguyễn Ngọc Nhân Anh (19 tuổi, trường ĐH Luật TP. HCM) cảm thấy cuộc sống thêm phần ý nghĩa trong khoảng thời gian được gắn bó với lớp học: “Dạy cho các em giúp mình luôn có cảm giác vui vẻ và thư giãn. Thời gian của mình không bị lãng phí hay trôi qua vô nghĩa. Thay vì đi học về, ở nhà thì việc dạy cho các bé có ích hơn, mình vừa có thể giúp các bé học thêm kiến thức bổ ích, vừa có thể ôn lại kiến thức cũ. Trộm vía là các bé cũng thích cách mình dạy, hiểu bài khá tốt. Có vài bé còn cải thiện được điểm số trên trường”.
Còn với Thủy Tiên, chị cảm thấy biết ơn khi được đồng hành với lớp học. “Mình cảm thấy biết ơn vì có cơ hội được gặp gỡ, đồng hành và đem nguồn kiến thức mới cho các em nhỏ. Mình vui khi được các em gọi anh chị, được các em nhớ tên. Có những em nhỏ đến với lớp học mà chưa từng tiếp xúc với mặt chữ, chứng kiến em lượm nhặt từng con chữ đến khi biết viết, biết đọc, mình thấy tự hào lắm. Cảm giác hạnh phúc như một người mẹ nhìn đứa con của mình trưởng thành mỗi ngày vậy”, chị Tiên bộc bạch.