Lớp học tiếng Trung miễn phí của ông 'giáo làng' tuổi 74
Vào cái tuổi xưa nay hiếm nhưng ông Trần Văn Nguyên ở Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa vẫn miệt mài dạy học tiếng Trung cho bà con nghèo, với hy vọng mở ra cơ hội nghề nghiệp cho họ.
74 tuổi - ở cái tuổi xưa nay hiếm, khi con cái đã phương trưởng thường nhiều người lựa chọn cho mình lối sống an nhàn của tuổi già nhưng ông Trần Văn Nguyên lại đứng ra mở lớp dạy tiếng Trung miễn phí cho người có nhu cầu tại số 4, đường Trần Phú, Thành phố Nha Trang tỉnh Khánh Hòa.
Càng khâm phục hơn, khi biết ông đang mang trong mình căn bệnh cột sống, lại vừa phải mổ cột sống trước Tết Nguyên Đán 2023 nhưng điều đó không ngăn được mong muốn trang bị tiếng Trung cho người lao động nghèo tại thành phố biển sôi động này.
Trong thâm tâm, ông Nguyên muốn giúp cho nhiều người có thêm cơ hội trong công việc, có thể nâng cao thu nhập bằng kỹ năng giao tiếp tiếng Trung từ du khách Trung Quốc.
Động lực để ông thực hiện nghĩa cử này chính là việc sau một thời gian ngắn sống ở thành phố Nha Trang, ông Nguyên nhận thấy đây là nơi du khách Trung Quốc yêu thích.
“Chỉ sau một thời gian nữa, khi dịch COVID-19 đã được kiểm soát thì du khách Trung Quốc sẽ trở lại Nha Trang. Nếu người dân đặc biệt là người lao động tự do, các chủ cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ có thêm kỹ năng tiếng Trung chắc chắn công việc của họ sẽ thuận lợi hơn” – ông Nguyên bày tỏ.
Việc nhận thấy ở Nha Trang nhu cầu học tiếng Trung để phục vụ cho hoạt động kinh doanh du lịch rất lớn trong khi không phải ai cũng có điều kiện để đi học ở các trung tâm ngoại ngữ. Ông Nguyên đã quyết tâm mở lớp dạy miễn phí cho bà con nhân dân nơi đây.
Tâm sự với phóng viên, ông Trần Văn Nguyên cho rằng, trước đây ông là con thương binh, được nhà nước đài thọ cho đi học tại Đại học Trường Xuân, Trung Quốc trong 4 năm (1968-1971) sau là kỹ sư Cơ khí của Tổng Cty cơ khí Lâm Nghiệp Việt Nam. Sau này ông là chuyên viên đối ngoại của Tổng hội Cơ khí Việt Nam.
Cũng nhờ được ăn học miễn phí, bài bản nên cuộc đời của ông Nguyên gặp được thuận lợi hơn nhiều người khác. Nên ở tuổi xế chiều ông Nguyên muốn làm được điều gì đó ý nghĩa nhằm tri ân lại cuộc đời.
Đối với người dân dân ở Thành phố Nha Trang, đặc biệt là người lao động tự do, người kinh doanh nhỏ lẻ …không phải ai cũng có điều kiện để đi học tại các trung tâm ngoại ngữ.
Chính vì thế, khi nghe thông tin ông Nguyên mở lớp dạy tiếng Trung miễn phí bắt đầu chiêu sinh thì nhanh chóng đã thu hút được đông đảo người đăng ký tham gia.
Chỉ chưa đầy 10 ngày lớp học tiếng Trung miễn phí từ chỗ có 10 học viên nay đã có hơn 100 người theo học.
Đối tượng người học đó là những người lao động tự do, buôn bán nhỏ lẻ, các cháu học sinh phổ thông, sinh viên. “Tôi thực sự cảm thấy may mắn và hạnh phúc khi ý định của mình nhanh chóng nhận được sự đồng thuận từ xã hội” – ông Nguyên tâm sự.
Mở lớp học ở cái tuổi xưa nay hiếm, khi biết thông tin trên, con cái của ông Nguyên vừa lo, vừa mừng. Họ lo vì dạy học phải nói và đứng nhiều trong khi ông Nguyên đang mắc bệnh đau cột sống.
Mừng vì ở tuổi này, ông Nguyên vẫn còn đầy năng lượng sống, có nhiệt huyết để đóng góp tích cực cho xã hội.
Biết được ý định mở lớp dạy học, con cháu của ông Nguyên một người mỗi việc, xắn tay vào để cùng ông xây dựng lớp học.
Nhờ sự hỗ trợ đó mà từ ý tưởng ban đầu, chỉ sau một thời gian ngắn ông Nguyên đã có lớp học tương đối khang trang, hiện đại. Sau 10 ngày mở lớp, học viên đến học ngày càng đông.
Giờ đây, một tuần ông tổ chức 3 buổi học. Thời gian từ 7h tối thứ 3, thứ 5 và thứ 7 hàng tuần.
Bằng kinh nghiệm tiếng Trung của mình, cùng với khả năng truyền thụ ông Nguyên tự tin sẽ giúp được học viên từ chỗ chưa có bất cứ kỹ năng gì về tiếng Trung thì sau một vài tháng có thể tự tin giao tiếp.
“Sau này, khi du khách Trung Quốc đến Nha Trang đông, những học viên của tôi sẽ có thêm cơ hội việc làm và nâng cao thu nhập” – ông Nguyên chia sẻ hy vọng.
Ngồi trò chuyện với ông Trần Văn Nguyên và các con của ông dễ cảm nhận được năng lượng tích cực từ họ. Chắc chắn lớp học “dã chiến” của ông sẽ sớm trở thành địa chỉ tin cậy cho những người lao động nghèo, những người mong muốn trau dồi thêm kỹ năng tiếng Trung để có thể làm tốt hơn công việc của mình.