'Lớp học trên nương' ở Giáp Trung

Thực hiện chỉ đạo của T.Ư và tỉnh về công tác phòng, chống dịch Covid – 19, thầy và trò trên cả nước phải tạm rời xa trường, lớp... Không để học sinh bị rỗng kiến thức, đã có nhiều giải pháp được đưa ra với việc triển khai học trực tuyến, giao bài cho học sinh qua mạng Internet. Nhưng với những học sinh ở vùng sâu, vùng xa của huyện Bắc Mê, nơi mà sóng 3G, 4G vẫn còn khó tiếp cận, chiếc máy tính vẫn còn là điều xa xỉ. Đó là bức tường khiến việc tiếp cận kiến thức từ các bài học online của các em học sinh gần như không thể. 'Cái khó, ló cái khôn' để các em có thể được tiếp cận bài học, các thầy, cô giáo Trường PTDT bán trú tiểu học Giáp Trung soạn sẵn rồi in ra giấy mang lên nương ngô, thôn, xóm giao bài, hướng dẫn các em ôn lại kiến thức. Và thế là những 'Lớp học trên nương' được hình thành trong mùa dịch Covid-19.

Hình ảnh các thầy cô giáo giảng bài trên nương đã trở nên quen thuộc đối với người dân trong những ngày phòng, chống dịch Covid – 19.

Hình ảnh các thầy cô giáo giảng bài trên nương đã trở nên quen thuộc đối với người dân trong những ngày phòng, chống dịch Covid – 19.

Chọn một mỏm đá bằng phẳng ở thôn Khâu Nhòe, xã Giáp Trung, cô giáo Nguyễn Thị Thân, giáo viên Trường PTDT bán trú tiểu học Giáp Trung rút ra 2 tờ giấy A4 cùng một chiếc bút, ngồi bên cạnh là cô học trò nhỏ Đặng Thị Hoàng Mai, hiện đang theo học lớp 5 do cô chủ nhiệm. Câu chuyện giữa 2 cô trò bắt đầu bằng việc kiểm tra bài cũ, bài tập được giao tuần trước, cô học trò đợi cô giáo kiểm tra, những dấu mực đỏ, giọng nói nhẹ nhàng cô bắt đầu chữa từng bài; tiếp theo là việc giao đề mới và gợi ý của cô giáo về cách viết mở bài, thân bài, kết bài của đề văn cùng những đề toán với chi chít những con số... và kèm theo lời dặn, cuối tuần cô sẽ lên kiểm tra và thu bài.

Tâm sự về công việc trên, cô giáo Nguyễn Thị Thân chia sẻ: “Để học sinh nơi đây biết đọc, biết viết đã là rất khó khăn, đặc biệt là học sinh lớp 1, 2 khi mới chỉ bắt nhịp với trường, lớp. Nên việc các em nghỉ học trong một thời gian dài khiến lượng kiến thức đã được học sẽ dễ bị quên. Thương học sinh, tiếc những kiến thức, các thầy cô trong trường đã bàn và đưa ra giải pháp là tới từng gia đình học sinh giao bài. Nhưng quả thực rất khó, do sự cách trở của địa hình, đặc biệt hiện đang là mùa làm nương, các con cũng phải lên nương giúp bố mẹ. Để giao được tận tay đề cho các em, các cô phải đi lên nương, thậm chí phải nhờ cả người dân để tìm học trò. Khó khăn và nhiều lúc cũng nản, nhưng nghĩ khi trở lại học, sợ các con quên kiến thức, nên các thầy cô động viên nhau trèo đèo, lội suối mang con chữ về với học sinh...”

Cô giáo Nguyễn Thị Thân, giáo viên Trường PTDT bán trú Tiểu học Giáp Trung đến nhà học sinh kiểm tra bài tập đã giao.

Cô giáo Nguyễn Thị Thân, giáo viên Trường PTDT bán trú Tiểu học Giáp Trung đến nhà học sinh kiểm tra bài tập đã giao.

Hoàn thành giao đề cho cô học trò trên nương ngô, cô Thân lại đến nhà học sinh khác để thu bài đã giao. Trượt theo con đường mòn, men theo con suối nhỏ chúng tôi cùng cô Thân đến được nhà em Triệu Thị Trí Hơn, hiện đang là học sinh lớp 5 do cô chủ nhiệm. Dưới ánh sáng mập mờ của chiếc đèn và chiếc bàn uống nước được cô học trò tận dụng làm bàn học, cô Thân bắt đầu kiểm tra bài của Hơn. Với mong mỏi sớm được quay trở lại trường, Hơn tâm sự: “Được nghỉ học, ban đầu chúng em cũng thích lắm, nhưng giờ kỳ nghỉ kéo dài, chúng em lại muốn được trở lại trường, lớp, được học, được chơi với các bạn. Việc các thầy cô đến giao bài một phần đã giúp chúng em rất nhiều, cứ như lịch hẹn 3 đến 4 hôm cô giáo sẽ đến giao bài và thu bài giao trước đó, nên chúng em luôn chủ động mang sách vở theo, kể cả khi lên nương để tranh thủ học hoặc bạn bè cùng trao đổi bài với nhau...” lời tâm sự của cô học trò nhỏ thật vô tư.

Chia sẻ về cách giao bài trong mùa dịch Covid – 19, cô Trần Thị Duyên, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú tiểu học Giáp Trung, cho biết: “Hiện trường có 68 cán bộ, giáo viên; 793 học sinh với 16 điểm trường và 46 lớp. Là trường có lượng học sinh đông và đa số các em là người dân tộc, ở những thôn, bản xa với trình độ dân trí thấp, đường xá và địa hình cách trở..., đã trở thành trở ngại rất lớn trong việc giao bài và giúp các em ôn lại kiến thức. Để thực hiện đúng chủ trương, chỉ đạo của cấp trên, trường đã cử giáo viên đến từng gia đình học sinh để giao bài. Với địa hình cách trở, các thầy cô đã tiến hành in bài tập và chia buổi để đi giao bài, theo đó thứ 2, 3, 4 giáo viên sẽ đi giao bài và thứ 5, 6 sẽ thu bài đã giao. Bài giao cho các em bám sát kiến thức đã học. Qua đó tạo hiệu quả nhất định, giúp các em ôn lại kiến thức, khi quay trở lại trường không bị rỗng kiến thức đã học và có thể tiếp cận kiến thức mới...”

Những chiếc bảng, bàn, ghế, trường lớp im lìm, vắng bóng học sinh đã lâu, nhưng ở nơi các bản cao hàng ngày, bởi tình yêu nghề, sự hiếu học mà những mỏn đá, nương ngô đã hóa thành bàn ghế, núi rừng trở thành không gian trường lớp. Từ đó, giúp các em được củng cố thêm kiến thức và hun đúc thêm tinh thần hiếu học, cùng mong mỏi một ngày sớm nhất có thể trở lại trường của thầy, trò nơi rẻo cao.

Bài, ảnh: Hoàng Yến

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202004/lop-hoc-tren-nuong-o-giap-trung-759171/