Lớp học vẽ miễn phí giúp người khiếm thính sống tốt với nghề

Lớp học vẽ miễn phí 'Âm thanh hội họa' do họa sĩ Võ Văn Y sáng lập là nơi tạo cơ hội để các họa sĩ khiếm khuyết có thể kiếm được tiền từ chính năng khiếu vẽ của mình.

Nằm tại một con hẻm nhỏ đường Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận, TP.HCM), lớp học vẽ miễn phí “Âm thanh hội họa” do họa sĩ Võ Văn Y sáng lập trở thành lớp học đặc biệt cho những trẻ em khuyết tật yêu thích nghệ thuật vẽ tranh.

Lớp học không lời

Chia sẻ về những ngày đầu mở lớp "Âm thanh hội họa", thầy Y cho biết thách thức nhất với thầy là học trò không thể nghe, nói mà thầy thì lại không biết ngôn ngữ ký hiệu.

 Họa sĩ Võ Văn Y hướng dẫn học trò trong lớp học vẽ miễn phí. Ảnh: HẢI NHI

Họa sĩ Võ Văn Y hướng dẫn học trò trong lớp học vẽ miễn phí. Ảnh: HẢI NHI

Dù không có giáo án cụ thể, bị hạn chế về mặt giao tiếp bằng ngôn ngữ nhưng nhờ vào phương pháp truyền đạt phù hợp với học trò mà qua từng buổi học, cả thầy Y và học trò dần hiểu nhau hơn, cùng tìm ra cách thức phù hợp để tiếp cận nghệ thuật.

"Thật kỳ diệu làm sao khi thầy trò tôi đã đi cùng với nhau được 7 năm trời" - thầy Y cười nói.

 Mỗi lần gặp khó khăn trong giao tiếp, thầy và trò đều sẽ cùng viết lên tấm bảng đen để nói lên suy nghĩ của mình.

Mỗi lần gặp khó khăn trong giao tiếp, thầy và trò đều sẽ cùng viết lên tấm bảng đen để nói lên suy nghĩ của mình.

“Khi các em muốn nói điều gì, chúng sẽ viết ra giấy cho tôi xem và tôi cũng viết lại. Có những lúc khó hiểu, chúng tôi phải trao đổi rất nhiều qua viết tay và ngôn ngữ ký hiệu. Tôi để các em tự do sáng tạo với màu sắc, dù ban đầu còn lúng túng, nhưng qua thời gian, các em đã học cách kiểm soát và thể hiện cá tính qua từng nét vẽ.

Mỗi em đều có thiên bẩm và ý tưởng độc đáo, các em không thể nói, không thể nghe nhưng lại rất biết cách thể hiện cá tính qua từng nét vẽ. Ông trời không lấy đi tất cả, khi mất đi một khả năng, các em lại được bù đắp bằng những tài năng khác” - thầy Y cho hay.

 Lớp học vẽ miễn phí "Âm thanh hội họa" có nhiều học trò từ mọi lứa tuổi.

Lớp học vẽ miễn phí "Âm thanh hội họa" có nhiều học trò từ mọi lứa tuổi.

Mong muốn lớp học có một cái tên ý nghĩa, thầy Y đặt tên lớp là “Âm thanh hội họa”. Thầy giải thích: “Dù các em không thể nghe và nói, nhưng tôi tin rằng qua từng bức tranh, các em có thể lắng nghe và thể hiện âm thanh của cuộc sống theo cách riêng của mình”.

Giúp học trò tự kiếm tiền bằng nghề của mình

Không chỉ dạy vẽ miễn phí, lớp "Âm thanh hội họa" còn giúp các em bán được những bức tranh có giá trị, kiếm tiền bằng chính năng lực của mình.

 Kết thúc buổi học chính là những tác phẩm đầy ấn tượng được trưng bày trong lớp vẽ.

Kết thúc buổi học chính là những tác phẩm đầy ấn tượng được trưng bày trong lớp vẽ.

“Nhiều bức tranh được bán với giá cao vì ý tưởng sáng tạo đặc biệt, không giống ai. Một số người còn nhận xét rằng các em giống như những thiên tài nghệ thuật” - thầy Y tự hào nói.

Thầy Y cho hay khi các bức tranh của học trò được bán, số tiền thu về sẽ được chia làm ba phần: 25% để duy trì lớp học, 25% để làm từ thiện giúp đỡ người khuyết tật khác và 50% còn lại thuộc về các em.

"Chính điều này đã giúp các em thấy mình không chỉ có giá trị về mặt nghệ thuật mà còn tự lập, tự kiếm sống bằng năng lực của mình" - thầy Y nhấn mạnh và cho biết thêm khi kiếm được tiền từ việc bán tranh, các em đã chia sẻ một phần số tiền bán tranh của mình để hỗ trợ cho người khuyết tật khác.

 "Dù khiếm thính nhưng các em vẫn nhìn thấy cuộc đời, cảm nhận sự tươi sáng qua ánh mắt. Vì vậy, các em quyết định tham gia hoạt động từ thiện, chia sẻ một phần số tiền bán tranh hỗ trợ cho người khuyết tật khác" - thầy Y nói.

"Dù khiếm thính nhưng các em vẫn nhìn thấy cuộc đời, cảm nhận sự tươi sáng qua ánh mắt. Vì vậy, các em quyết định tham gia hoạt động từ thiện, chia sẻ một phần số tiền bán tranh hỗ trợ cho người khuyết tật khác" - thầy Y nói.

Thầy Y cho hay lần đầu tiên đi làm từ thiện, các học trò vui mừng và hạnh phúc khi được gặp gỡ, giao lưu với những người khiếm thị khác. Các em còn biểu diễn múa theo nhịp điệu đã được huấn luyện trong lớp.

 Các học trò của thầy Y đang biểu diễn múa tại triển lãm mỹ thuật "Sắc màu yêu thương".

Các học trò của thầy Y đang biểu diễn múa tại triển lãm mỹ thuật "Sắc màu yêu thương".

 Nguyễn Ngọc Quý (ngụ Tân Bình) đã trải qua một hành trình đầy thách thức vì mất khả năng nghe, nói. Dẫu vậy, Quý không để những trở ngại này ngăn cản mình mà vẫn theo đuổi đam mê nghệ thuật. Trong ảnh: Thầy Y đang cố gắng miêu tả, trao đổi với học trò Nguyễn Ngọc Quý.

Nguyễn Ngọc Quý (ngụ Tân Bình) đã trải qua một hành trình đầy thách thức vì mất khả năng nghe, nói. Dẫu vậy, Quý không để những trở ngại này ngăn cản mình mà vẫn theo đuổi đam mê nghệ thuật. Trong ảnh: Thầy Y đang cố gắng miêu tả, trao đổi với học trò Nguyễn Ngọc Quý.

Quý theo học lớp vẽ 5 năm, không chỉ rèn kỹ năng hội họa mà còn tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện. Từ số tiền bán tranh, Quý đã dùng để hỗ trợ cho các hoạt động từ thiện, mang đến niềm vui và sự hỗ trợ cho những người kém may mắn.

Hàng năm, Quý cùng thầy Y thực hiện những chuyến đi đến các địa điểm như Phú Yên, Sapa, Phan Thiết và Hồ Tràm.

Phạm Văn Thụ (phụ huynh em Phạm Đức Chiến, Bình Dương) cho biết Chiến chỉ có năng khiếu vẽ và rất thích vẽ. Dù ở xa nhưng anh Thụ vẫn cố gắng đều đặn mỗi thứ 7 chở con đến lớp để mong con có thể học vẽ và hòa nhập với mọi người.

“Con tôi học ở đây được 2 năm rồi. Bé gần như bị tự kỷ nhưng khi học ở đây bé thay đổi hẳn ra. Tôi hạnh phúc và biết ơn thầy Y. Tôi mong lớp học luôn được duy trì để các bé giống con tôi cũng được nuôi dưỡng tiềm năng, không mặc cảm về bản thân, còn giúp học trò tự kiếm tiền bằng chính bức tranh mình vẽ ra” - anh Thụ bày tỏ.

 Chị Đinh Bảo Trân, học trò của thầy Y, chăm chú vẽ để hoàn thiện tác phẩm của mình.

Chị Đinh Bảo Trân, học trò của thầy Y, chăm chú vẽ để hoàn thiện tác phẩm của mình.

Cô Thúy Vân, người đồng hành cùng với lớp học suốt 4 năm đã chia sẻ về hành trình gắn bó của mình với lớp học từ thiện. Cô bày tỏ tình yêu dành cho công việc thiện nguyện, đặc biệt là sự đồng cảm với các em nhỏ trong lớp.

“Thời gian đầu, lớp hoàn toàn không có gì, thầy trò đều phải bắt đầu từ con số không. Mọi thứ chỉ bắt đầu thay đổi khi thầy bán được vài bức tranh, có thêm kinh phí để tiếp tục hoạt động. Chúng tôi sơn trắng lại những bức tranh cũ, biến chúng thành những tác phẩm mới mà không cần phải tốn quá nhiều tiền. Với tôi, các em không chỉ đơn thuần vẽ tranh, mà còn đóng góp những tác phẩm nghệ thuật làm đẹp cho đời” - cô Thúy Vân tự hào nói.

Chia sẻ về lớp học vẽ miễn phí của thầy Võ Văn Y, bà Lê Thị Minh Loan, Chánh Văn phòng Hội Mỹ thuật TP.HCM nhấn mạnh đây là một hoạt động ý nghĩa và thiết thực, mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng khuyết tật.

Theo bà Loan, lớp học không chỉ giúp phát triển năng khiếu hội họa của các em khuyết tật mà còn giúp họ có thể tự tin sống được bằng nghề. Lớp học cũng là cơ hội để các em có công việc, quên đi những những khó khăn mà bản thân gặp phải.

“Tôi luôn mong muốn lớp vẽ ngày càng phát triển để giúp đỡ các em khuyết tật có thể tự tin hơn, sống được bằng nghề của mình và học trò tại lớp vẽ này được công nhận là họa sĩ khuyết tật ” - bà Loan nói.

Tham gia triển lãm tranh quốc tế

Vào tháng 5-2020, lớp vẽ “Âm thanh hội họa” đã được Đại sứ quán Ấn Độ mời tham gia chương trình triển lãm tranh quốc tế với chủ đề “Đoàn kết chống lại đại dịch COVID-19”.

Tại chương trình, các học viên của lớp không chỉ được giới thiệu về những hoạt động thiện nguyện của mình mà còn tham gia vẽ tranh với tinh thần đoàn kết toàn cầu. Kết quả, hai bức tranh của học viên lớp vẽ đã xuất sắc lọt vào top 100 trong tổng số 10.000 bức tranh dự thi, gồm bức Chống lại Corona của Vũ Gia Huy và Vòng tròn Corona của thầy Nguyễn Lộc.

Bức tranh lọt vào top 100 trong tổng số 10.000 bức tranh dự thi. Bức tranh “Chống lại Corona” của Vũ Gia Huy. ẢNH: TL.

Vào ngày 30-12-2021, lớp vẽ “Âm thanh hội họa” đã tổ chức triển lãm lần thứ nhất tại Nhà Văn hóa Thiếu nhi TP.HCM, trong đó có 10 bức tranh được sáng tác để hỗ trợ trẻ mồ côi do COVID-19 đã được bán với tổng số tiền thu về là 675 triệu đồng.

Từ số tiền này, lớp học đã trích ra 312 triệu 500 ngàn đồng để làm công tác từ thiện. Tiếp nối thành công, vào ngày 3-12-2022, trong cuộc triển lãm lần thứ hai, lớp học đã tiếp tục trích ra 50 triệu đồng để hỗ trợ các hoạt động từ thiện.

Ngày 27-7-2020, lớp “Âm thanh hội họa” có chuyến tham quan các khu di tích, các danh lam thắng cảnh và mở trại sáng tác, triển lãm, trưng bày tranh với chủ đề Đất trời Phú Yên.

Tại đây, lớp đã đến Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Nay der (huyện La Pa, tỉnh Gia Lai) giao lưu và trao 100 phần quà cho các em có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Võ Trí Hoàn, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Nay der (huyện La Pa, tỉnh Gia Lai) cho biết: “Tôi rất ấn tượng với lớp học của thầy Y. Thầy và các học trò đã đến tận trường tôi để giúp đỡ, tặng nhiều quà cho học sinh khó khăn.

Tuy không biết ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với các em nhưng tôi cảm được sự nhiệt huyết và tình yêu thương của lớp học trong chuyến đi ấy. Thật sự, tấm lòng của lớp học rất đáng được biểu dương”.

HẢI NHI

Nguồn PLO: https://plo.vn/lop-hoc-ve-mien-phi-giup-nguoi-khiem-thinh-song-tot-voi-nghe-post813234.html