Lốp xe Thái Lan bị áp thuế chống bán phá giá, Cao su Đà Nẵng (DRC) liệu sẽ hưởng lợi?

Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa công bố quyết định sơ bộ về cuộc điều tra chống bán phá giá đối với lốp xe tải có xuất xứ từ Thái Lan. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo lợi thế cho các mặt hàng lốp xe xuất khẩu của Việt Nam.

Các nhà xuất khẩu lốp xe Việt Nam như Cao su Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ việc DOC áp thuế chống bán phá giá với lốp xe Thái Lan.

Các nhà xuất khẩu lốp xe Việt Nam như Cao su Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ việc DOC áp thuế chống bán phá giá với lốp xe Thái Lan.

Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa công bố quyết định sơ bộ trong cuộc điều tra chống bán phá giá lốp xe tải và xe buýt (TBR) từ Thái Lan. Trong đó, hãng lốp xe Prinx Chengshan Tire (Thái Lan) với tư cách là bị đơn bắt buộc và đã cung cấp các dữ liệu chuyên sâu về sản phẩm của hãng được đánh giá là có biên độ bán phá giá là 0%. Ngược lại, DOC đánh giá các hãng sản xuất lốp xe TBR khác của Thái Lan có biên độ bán phá giá là 2,35%.

Tuy nhiên, biên độ bán phá giá này thấp hơn nhiều so với mức 47,81% mà Liên đoàn lao động quốc tế của ngành thép Mỹ (United Steelworkers, USW) cáo buộc vào tháng 10/2023. Đây cũng là nguyên do chính thúc đẩy DOC mở cuộc điều tra đối với mặt hàng lốp TBR của Thái Lan.

USW là liên đoàn đại diện cho công nhân tại 5 hãng sản xuất lốp TBR lớn của Mỹ gồm: Bridgestone Americas Inc., Goodyear Tire & Rubber Co., và Sumitomo Rubber USA.

Quyết định cuối cùng về vấn đề trên thường được DOC đưa ra sau 75 ngày kể từ ngày có quyết định chính thức. Tuy nhiên, một số bên có liên quan đã có kiến nghị đến DOC đề nghị hoãn ngày công bố quyết định cuối cùng để điều tra kỹ hơn.

Các bên có liên quan nhấn mạnh cuộc điều tra chống bán phá giá lốp xe TBR của Thái Lan “liên quan đến nhiều yếu tố và vấn đề phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực để điều tra toàn diện”.

DOC đã chấp thuận kiến nghị trên và quyết định cuối cùng dự kiến sẽ được công bố sau 135 ngày.

Trong những ngày tới đây, DOC sẽ tiếp tục phân tích, điều tra các thông tin cũng như các dữ liệu mới từ các bên liên quan. Việc ban hành lệnh (nếu có) sẽ diễn ra vào khoảng cuối năm 2024 - đầu năm 2025.

Một số tổ chức tài chính hiện nhận định nếu DOC thông qua việc áp thuế chống bán phá giá đối với lốp TBR của Thái Lan thì các doanh nghiệp xuất khẩu lốp TBR của Việt Nam, đặc biệt là Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (mã cổ phiếu DRC - sàn HoSE), sẽ hưởng lợi trực tiếp.

Hiện tại, Thái Lan đang chiếm thị phần xuất khẩu lốp TBR vào Mỹ lớn nhất với khoảng 28% tương ứng 6,8 triệu lốp TBR/năm và Việt Nam chiếm 12% thị phần tương đương 5,9 triệu lốp TBR/năm.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu DRC của Cao su Đà Nẵng trong vòng 12 tháng qua. (Nguồn: TradingView)

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu DRC của Cao su Đà Nẵng trong vòng 12 tháng qua. (Nguồn: TradingView)

Trong kịch bản khả quan, Thái Lan bị áp thuế chống bán phá giá sản phẩm lốp TBR thì sản phẩm lốp TBR của Việt Nam sẽ tăng sức cạnh tranh và tăng được thị phần xuất khẩu. Với vị thế nhà xuất khẩu lốp TBR hàng đầu Việt Nam, Cao su Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi trước tiên và sản lượng tiêu thụ TBR sẽ tăng trưởng tích cực.

Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 (sau Brazil) của Cao su Đà Nẵng. Các đơn hàng từ nhập khẩu từ Thái Lan sẽ mất khoảng 45 ngày hoặc hơn (tùy vào tình hình vận tải biển). Do đó, các đại lý tại Mỹ sẽ hạ dần các đơn hàng từ Thái Lan, chuyển sang các nguồn cung mới trước khi quyết định áp thuế chống bán phá giá chính thức được áp dụng.

Đáng chú ý, Cao su Đà Nẵng và Oceanside One Trading - doanh nghiệp kinh doanh lốp hàng đầu tại Brazil vừa ký kết hợp đồng với mục tiêu tăng sản lượng xuất khẩu vào thị trường Mỹ và Brazil lên gấp đôi, đạt mức 150 triệu USD/năm. Được biết, Oceanside One Trading là đối tác truyền thống của Cao su Đà Nẵng trong 15 năm qua.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/lop-xe-thai-lan-bi-ap-thue-chong-ban-pha-gia--cao-su-da-nang--drc--lieu-se-huong-loi-121321.htm