Lũ dâng cao, Hà Nội sẵn sàng phương án sơ tán dân diện rộng

Trước tình hình nước sông Hồng dâng cao, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã có công điện hỏa tốc yêu cầu sẵn sàng các phương án sơ tán người dân, di chuyển tài sản đến nơi an toàn khi cần thiết, đảm bảo không bỏ sót người dân.

Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội, nhiều con sông chảy qua Thủ đô ghi nhận mực nước dâng cao, lũ đã lên mức báo động 3.

Mực nước sông Hồng và sông Thao tại Lào Cai, Yên Bái đã vượt ngưỡng báo động 3, trong khi sông Lô tiếp tục dâng cao, với việc hồ Tuyên Quang đã mở 8 cửa xả đáy, hồ Thác Bà mở 3 cửa xả mặt. Tại lưu vực sông Đà, nước đổ về hồ Hòa Bình tăng mạnh, buộc hồ phải mở hai cửa xả đáy và dự kiến tiếp tục mở thêm. Mực nước các sông Đà, Hồng, Đuống đang tăng nhanh với lưu tốc dòng chảy mạnh, báo hiệu nguy cơ lớn về lũ lụt.

Trên địa bàn TP. Hà Nội, mực nước các sông trên địa bàn hiện đang ở mức cao, mực nước sông Tích, sông Bùi đã vượt báo động 3; sông Cầu, sông Cà Lồ ở trên báo động 2; sông Đáy đang vượt báo động 1 và có xu hướng tiếp tục dâng cao. Đặc biệt, hồi 11 giờ 10 phút ngày 10/9, mực nước sông Hồng là 9,50m, mực nước báo động 1.

 Nước sông Hồng đang dâng lên rất cao.

Nước sông Hồng đang dâng lên rất cao.

Trước diễn biến phức tạp về tình hình mưa lũ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức và Sóc Sơn sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân; không để người dân đến những khu vực bị ngập, có nguy cơ sạt lở.

Đồng thời, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị sẵn sàng triển khai phương án sơ tán, đảm bảo an toàn đối với người dân ở những khu vực nguy hiểm, khu vực có địa hình trũng, thấp dễ xảy ra ngập sâu, cô lập, khu vực sát bờ sông, khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm như: khu vực bãi giữa sông Hồng trên địa bàn các quận Tây Hồ, Ba Đình, Long Biên...

Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã cần hướng dẫn người dân nắm rõ quy trình, thao tác khi có lệnh sơ tán; kiên quyết triển khai phương án sơ tán, đảm bảo an toàn đối với người dân; phân công cán bộ phụ trách từng khu vực, hộ gia đình cần sơ tán, đảm bảo không bỏ sót người dân.

 Tại quận Hoàn Kiếm, cuối đường Chương Dương Độ nước lên cao trong đêm. Ảnh: Trọng Tài

Tại quận Hoàn Kiếm, cuối đường Chương Dương Độ nước lên cao trong đêm. Ảnh: Trọng Tài

Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra hoạt động của các đò ngang, đò dọc, các phương tiện nổi trên sông để đảm bảo an toàn cho người, phương tiện; cần thiết tạm ngừng hoạt động để đảm bảo an toàn; tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường tại các khu vực có nguy cơ cao và các khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ…

Tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê điều, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố ngay từ giờ đầu; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện, sẵn sàng ứng phó với những tình huống xấu có thể xảy ra; thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa lũ, theo đúng quy định của Luật Đê điều và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, các lực lượng cần phối hợp nhịp nhàng để đảm bảo mọi biện pháp phòng chống lũ đều được thực hiện nhanh chóng, chính xác và hiệu quả nhằm giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất. Ngành nông nghiệp Hà Nội hiện tại đã chuẩn bị sẵn sàng vận hành 324 trạm bơm với công suất khoảng 4.000.000m3/giờ cho các kịch bản mưa; chủ động vận hành trạm bơm tiêu nước đệm trên toàn hệ thống.

PV

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lu-dang-cao-ha-noi-san-sang-phuong-an-so-tan-dan-dien-rong-post311572.html