Lữ đoàn 239: 75 năm vững bước trên hành trình 'mở đường thắng lợi'
Chiều 31-12, Lữ đoàn 239 (Binh chủng Công binh) tổ chức Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống (1-1-1950/ 1-1-2025).
Tham dự buổi lễ có Đại tá Nguyễn Hồng Giang, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Binh chủng Công binh; các đồng chí trong Thường vụ, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh chủng; đại biểu các cơ quan chức năng, cùng các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại tá Phạm Văn Huỳnh, Phó bí thư Đảng ủy, Lữ đoàn trưởng đã nhắc lại những dấu son lịch sử của quá trình ra đời, xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển của Lữ đoàn. Tròn 75 năm trước, Lữ đoàn 239 (tiền thân là Tiểu đoàn Công binh 333) là đơn vị công binh cấp tiểu đoàn đầu tiên trực thuộc Bộ được thành lập tại làng Hin, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ vận chuyển binh khí kỹ thuật và lực lượng của ta vượt sông, tham gia các chiến dịch trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Tháng 1-1951, Tiểu đoàn 333 đứng trong đội hình của Trung đoàn Công binh 151, đơn vị công binh cấp trung đoàn duy nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp.
Ra đời trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Tiểu đoàn Công binh 333 vừa thành lập, vừa củng cố tổ chức, xây dựng lực lượng đã bước ngay vào cuộc chiến đấu, liên tục tham gia 8 chiến dịch lớn: Chiến dịch Biên giới (1950), Chiến dịch Trần Hưng Đạo (1951), Chiến dịch Hoàng Hoa Thám (1951), Chiến dịch Quang Trung (1951), Chiến dịch Hòa Bình (1952), Chiến dịch Tây Bắc (1952), Chiến dịch Thượng Lào (1953), Cuộc tiến công Chiến lược Đông Xuân (1953-1954). Tuy nhiên cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 333 đã vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, không sợ hy sinh, gian nan vất vả, chịu đựng khó khăn, gian khổ, khắc phục khó khăn, đóng góp một phần nhỏ bé vào thắng lợi chung của cả dân tộc.
Tháng 2-1955, lực lượng công binh trực thuộc Bộ tách từ Trung đoàn 151, tổ chức thành 4 đoàn. Tiểu đoàn Công binh 333 được tổ chức thành Đoàn Công binh vượt sông 333 (tương đương trung đoàn). Tháng 3-1958, Đoàn Công binh vượt sông 333 đổi thành Trung đoàn Vượt sông 239-còn gọi là Đoàn Công binh Sông Thao.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, phát huy truyền thống “mở đường thắng lợi” của Bộ đội Công binh anh hùng, nhiều tập thể và cá nhân của Trung đoàn đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; bảo đảm cơ động chiến lược cho tên lửa, pháo binh đánh địch chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc và đưa lực lượng chi viện tới các chiến trường miền Nam. Trung đoàn đã hàng trăm lần bắc cầu, ghép phà, rà phá hàng trăm quả bom, mở hàng ngàn ki-lô-mét đường qua các trọng điểm chi viện cho các chiến dịch lớn như Chiến dịch Mậu Thân năm 1968; Chiến dịch Đường 9 Nam Lào (1970-1971) và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử…
Đặc biệt, vinh dự tự hào, ngày 5-2-1966, cán bộ, chiến sĩ đơn vị được đón Bác Hồ về thăm, động viên khi thực hiện nhiệm vụ diễn tập bắc cầu phao vượt Sông Hồng tại bến Mễ Sở (Hà Nội). Người căn dặn: “Nhiệm vụ của các chú rất nặng nề, nhưng rất vẻ vang. Các chú cần cố gắng hơn nữa, làm tốt hơn nữa; mỗi ngày làm nhanh hơn một chút, ba phút, dăm phút, dần dần rút ngắn lại, càng ngắn càng tốt, các chú bắc cầu ngày một giỏi hơn, làm như thế chúng ta sẽ mau chóng đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.
Ngày 6-11-1975, Trung đoàn 239 được chuyển thành Lữ đoàn Công binh vượt sông 239 để đáp ứng nhiệm vụ mới. Phát huy truyền thống, Lữ đoàn luôn đoàn kết, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Nhân kỷ niệm 40 năm thành lập, Lữ đoàn được tặng Huân chương Quân công hạng Nhì (1990). Trong 3 năm liên tiếp (1996-1998), Lữ đoàn liên tục được Bộ Quốc phòng và Chính phủ tặng cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua”, được trao Huân chương Chiến công hạng Nhất và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Các phần thưởng khác bao gồm Huân chương Bảo vệ Tổ quốc (hạng Ba - 2009, hạng Nhì - 2010, hạng Nhất - 2019) và Huân chương Quân công hạng Ba (2014). Năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ tặng cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua”.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Đại tá Nguyễn Hồng Giang, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Binh chủng Công binh ghi nhận, tôn vinh những đóng góp to lớn của các Anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn; đồng thời khẳng định, những chiến công, thành tích vẻ vang của Lữ đoàn trong chặng đường 75 năm qua đã góp phần tô thắm truyền thống “mở đường thắng lợi” của Bộ đội Công binh Việt Nam Anh hùng; xứng đáng với danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và những phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước đã khen tặng.
Đồng thời, Đại tá Nguyễn Hồng Giang cũng đề nghị trong thời gian tới, Lữ đoàn 239 thường xuyên quán triệt, nhận thức sâu sắc đường lối chính trị, quân sự của Đảng, tiếp tục xây dựng Lữ đoàn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu cao; chấp hành nghiêm mệnh lệnh, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; tích cực đổi mới và nâng cao chất lượng huấn luyện; thực hiện tốt các nhiệm vụ thường xuyên cũng như nhiệm vụ đột xuất trên giao bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng hiệu quả an toàn; xây dựng nền nếp chính quy, tăng cường quản lý rèn luyện kỷ luật, góp phần xây dựng Đảng bộ Lữ đoàn trong sạch vững mạnh, Lữ đoàn vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.