Lữ đoàn Xe tăng 203: Thần tốc trong mùa xuân đại thắng
Ngày 1/10/1967, từ nơi đóng quân, Tiểu đoàn Xe tăng 198, Trung đoàn Xe tăng 203 (nay là Lữ đoàn Xe tăng 203, Quân đoàn 2) thực hiện cuộc hành quân thần tốc gần 1.400 km. Cán bộ, chiến sĩ đã băng rừng, vượt núi, lội sông an toàn, bí mật, bất ngờ tiến công cứ điểm Tà Mây - Làng Vây lập nên chiến thắng đầu tiên, mở ra truyền thống 'Đã ra quân là đánh thắng' của bộ đội Tăng thiết giáp anh hùng.
Bí mật, bất ngờ
Chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, ngày 1/10/1967, Tiểu đoàn xe tăng 198 đã thần tốc hành quân từ tỉnh Hòa Bình vào chiến trường miền Nam tham gia đánh chiếm cứ điểm Tà Mây - Làng Vây. Đúng 22 giờ 30 phút ngày 6/2/1968, các phân đội xe tăng của đơn vị hiệp đồng chặt chẽ với bộ binh và các lực lượng khác bất ngờ tiến công tiêu diệt địch. Đến 3 giờ ngày 7/2/1968, ta đã cơ bản làm chủ trận địa. Đại đội 3 rút về khu vực tập kết. Các đơn vị bộ binh cùng Đại đội Xe tăng 9 tiếp tục truy quét, bắt tù binh, thu vũ khí.
Trận đánh tiêu diệt cứ điểm Tà Mây - Làng Vây là trận chiến đấu hiệp đồng binh chủng đầu tiên có lực lượng xe tăng tham gia. Ta đã tiêu diệt, bắt sống gần 1.000 tên Mỹ - Ngụy, thu toàn bộ vũ khí, khí tài, quân trang, quân dụng của địch. Lập công xuất sắc trong trận đánh này, ngày 19/5/1972, Trung úy Lê Xuân Tấu, Trung đội trưởng Trung đội 3, Đại đội 3 (Tiểu đoàn Xe tăng 198) được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Ngày 17/5/1974, Quân đoàn 2 được thành lập, Trung đoàn Xe tăng 203 được Bộ Quốc phòng quyết định phát triển lên Lữ đoàn, chiến đấu trong đội hình Quân đoàn 2. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Lữ đoàn tham gia ngay từ những ngày đầu cho đến ngày toàn thắng.
Trong cuộc hành quân thần tốc này, Lữ đoàn vừa tổ chức hành quân, vừa đánh địch, vừa bổ sung cơ sở vật chất, lấy xe tăng địch đánh địch, cùng với các đơn vị bạn hiệp đồng chiến đấu giải phóng Cố đô Huế, đập tan tuyến phòng thủ của địch ở đèo Hải Vân, tiến vào giải phóng TP Đà Nẵng, đập tan “Lá chắn thép” Phan Rang, góp phần giải phóng các tỉnh Duyên hải miền Trung.
Khi thời cơ đến, xe tăng của Lữ đoàn dẫn đầu đội hình Quân đoàn 2 thọc sâu chiến đấu dũng cảm, hùng dũng húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập, cùng với các đơn vị bạn bắt sống Tổng thống Dương Văn Minh và toàn bộ nội các Ngụy quyền Sài Gòn; lá cờ chiến thắng được cắm lên nóc dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975.
Đã ra quân là đánh thắng
Đến thăm Lữ đoàn Xe tăng 203 vào những ngày tháng Tư này, chúng tôi được hòa vào không khí sôi nổi khi cán bộ, chiến sĩ đang đẩy mạnh thực hiện đợt thi đua cao điểm lập thành tích chào mừng Kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trên thao trường, tiếng còi báo động vang lên thôi thúc cán bộ, chiến sĩ với những bước chân hối hả, khẩn trương thực hành nội dung huấn luyện đội ngũ chiến thuật có xe tiến công địch phòng ngự. Những chiếc xe tăng ầm ầm xung trận, tiếng gầm của động cơ, những bánh xích cuồn cuộn lăn bánh, cùng khẩu lệnh dõng dạc của các kíp xe khiến không khí huấn luyện thật sôi nổi, khẩn trương.
Vừa hoàn thành nội dung huấn luyện, Trưởng xe Bùi Đức Vinh, Đại đội 1, Tiểu đoàn 1 cho biết: “Do tính chất quan trọng của bài bắn nên chúng tôi phải huấn luyện thuần thục từng động tác yếu lĩnh, nắm chắc tính năng tác dụng của vũ khí, phương pháp bắn cơ bản; xác định rõ khoảng cách, mục tiêu...”. Theo dõi, chỉ huy đơn vị luyện tập, Thượng tá Vũ Chí Nghĩa, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Xe tăng 203, chia sẻ: "Khoa mục huấn luyện đội ngũ chiến thuật có vai trò hết sức quan trọng, là nội dung cơ bản, tiền đề tổ chức huấn luyện ở cấp đại đội. Trước khi tổ chức tập “thực xe”, phải tập “không xe” thật kỹ để bộ đội nắm chắc từng khẩu lệnh, nhớ từng hành động của thành viên kíp xe trước khi lên xe thực hành".
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong huấn luyện, sẵn sàng chiếu đấu, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn cùng cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị luôn phát huy vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng cơ động sẵn sàng chiến đấu. Công tác chuẩn bị huấn luyện được quan tâm chỉ đạo sâu sát; hệ thống bia bảng, vật chất huấn luyện được đầu tư, củng cố, làm mới.
Thượng úy Nguyễn Xuân Phong, Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 1 cho biết: “Nhờ chuẩn bị chu đáo về thao trường, bãi tập, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn đã được huấn luyện trên nhiều loại địa hình, với các tình huống, giả định chiến thuật sát tình huống chiến đấu. Qua đó, người học phát huy tinh thần sáng tạo trong phán đoán và xử trí tình huống".
Cùng với nâng cao chất lượng huấn luyện, đơn vị thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh vững vàng, ý chí quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ. Nhiều năm liên tiếp, Lữ đoàn đạt tiêu chuẩn “Đơn vị huấn luyện giỏi”. Kết quả kiểm tra huấn luyện hằng năm luôn bảo đảm 100% các nội dung đều đạt yêu cầu, trong đó có 85% khá, giỏi. Kết quả huấn luyện còn được minh chứng bằng các cuộc diễn tập thực binh có bắn đạn thật hằng năm, đơn vị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ...
Phát huy truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng” của bộ đội tăng thiết giáp anh hùng, Lữ đoàn tiếp tục đột phá nâng cao chất lượng huấn luyện, cơ động sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy và rèn luyện kỷ luật, tạo chuyển biến đồng bộ, vững chắc, an toàn tuyệt đối; bảo đảm tốt công tác hậu cần, kỹ thuật cho các nhiệm vụ, nâng cao đời sống bộ đội.
Bài, ảnh: Trung Anh